Ông Nguyễn Thiện Nhân: Thủ Đức- thành phố trí tuệ nhân tạo, đáng sống nhất Việt Nam

Ông Nguyễn Thiên Nhân chia sẻ về ý nghĩa việc thành lập TP Thủ Đức, để tạo bước đột phá, đưa Thủ Đức phát triển, trở thành TP trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, đáng sống nhất VN.

TP.HCM đang có những sắp xếp để đưa TP mới Thủ Đức đi vào hoạt động. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH TP.HCM về ý nghĩa của việc thành lập TP Thủ Đức, cũng như những chuyển biến ban đầu của mô hình "thành phố trong TP".

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM là trung tâm kinh tế, KH-CN lớn của đất nước. Trong quá trình phát triển đạt được nhiều kết quả vượt trội, như năng suất lao động gấp 2,6 lần cả nước, đóng góp vào GDP là 22%, đóng góp thu ngân sách 27%, trong khi dân số chiếm hơn 9% và diện tích đất là 0,6%. Đó là kết quả rất đáng tự hào.

Tuy nhiên, khi giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP gấp 1,65 lần cả nước, thì năm 2011 chỉ còn 1,17 lần. Nên năm 2012, Bộ Chính trị có Nghị quyết yêu cầu TP phấn đấu trở lại, tăng gấp 1,5 lần. Nhưng thực tế, cho đến 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của TP 5 năm qua cũng chỉ hơn cả nước 1,2 lần, tức là không hoàn thành được yêu cầu đặt ra.

Trong nhiệm kỳ vừa rồi, lãnh đạo TP luôn trăn trở vấn đề này.

Là một trong những người “đặt viên gạch” đầu tiên cho việc thành lập TP Thủ Đức, xin ông nói rõ hơn về ý nghĩa của việc này?

Là một trong những người “đặt viên gạch” đầu tiên cho việc thành lập TP Thủ Đức, xin ông nói rõ hơn về ý nghĩa của việc này?

Đầu tiên, chúng ta thấy trong 10 năm gần đây tăng trưởng mạnh mẽ nhất là ngành công nghiệp điện tử, CNTT và truyền thông. Năm 2000, khi thành phố bắt đầu đặt vấn đề phát triển CNTT, ngành này chỉ chiếm 0,5% tổng sản phẩm, và không được liệt kê là ngành công nghiệp quan trọng.

Sau 20 năm, ngành có bước phát triển vượt bậc, cụ thể là doanh số tăng 400 lần. Không có ngành kinh tế nào như vậy, và đóng góp cho kinh tế đất nước từ 0,5% tăng lên 14,3% (tăng 28 lần).

Kết quả trên có nhiều nguyên nhân: Thứ nhất là lao động Việt Nam có đào tạo cơ bản tốt. Thứ hai, CNTT là cần đến toán thì chúng ta học toán tốt, xếp hạng thế giới cũng từ 35-40.

Nhưng phải nói thêm là trong 20 năm qua, môi trường đầu tư của mình cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài, và chính CNTT, truyền thông là lĩnh vực thu hút được đầu tư cao nhất.

Bài học thứ 2 là nhìn vào khu công nghệ cao qua 17 năm đầu tư, từ 2003 đến nay, thu hút khoảng 8 tỷ USD đầu tư nước ngoài, trong đó đã thực hiện là 7,6 tỷ USD; hiện có 42.246 lao động, vậy suất đầu tư của một lao động khu công nghệ cao là 142.800 USD.

Chúng ta hình dung là CNTT, truyền thông của cả nước là 20.000 USD, đã đem lại năng suất gấp 7,6 lần, còn khu công nghệ cao đầu tư 142.800 USD thì năng suất gấp 80 lần cả nước.

TP.HCM có 4,7 triệu lao động, năng suất lao động gấp 2,6 lần cả nước. Như vậy, 4,7 triệu lao động thành phố làm ra sản phẩm bằng 12,2 triệu người Việt Nam lao động bình quân. Khu công nghệ cao với 42.000 lao động, tạo ra sản phẩm tương đương 3,3 triệu người.

Bên cạnh đó, hiện khu công nghệ cao đã đóng góp khoảng 28% kinh tế TP.HCM, cho nên nếu thêm khu công nghiệp, khu chế xuất Linh Trung và các đơn vị khác ở địa bàn TP Thủ Đức hiện nay, thì thực sự TP Thủ Đức đóng góp không dưới 30% kinh tế toàn TP. Mà đấy là trạng thái còn rời rạc, khu công nghệ cao nằm ở quận 9, ĐHQG ở Thủ Đức…

Từ năm 2018, TP thấy một vùng có những tiền đề để phát triển mạnh, nhưng không có tính liên kết. Ví dụ, khu công nghệ cao là thành công nhất cả nước, nhưng thuộc địa bàn quận 9, còn quận 2, Thủ Đức làm gì phục vụ công nghệ cao thì không có.

Quận 2 có khu đô mới Thủ Thiêm, nhưng lại quản lý theo kiểu quận 2, chứ không phải phục vụ khu công nghệ cao. Quận Thủ Đức, nơi có ĐHQG với 5 trường thành viên, thì Thủ Đức chỉ lo việc hạ tầng trật tự an toàn cho ĐH làm việc. Còn làm xong họ đi đâu, làm việc ở đâu thì không quan tâm. Lẽ ra họ phải làm ở khu công nghệ cao, có thể làm việc ở quận 2, nhưng cái đó phụ thuộc quận khác.

Nhận thấy 3 quận này có những tiền đề mà nếu tích hợp lại, tạo tương tác cao sẽ trở thành vùng động lực phát triển mới. Từ đó, TP đặt ý tưởng thuê một công ty tư vấn quốc tế nghiên cứu điều kiện của 3 quận này, hình thành một khu đô thị sáng tạo tương tác cao.

Khi tổ chức cuộc thi quốc tế về ý tưởng này, hơn năm công ty nổi tiếng tham gia, và cuối cùng, họ khẳng định 3 quận này có đầy đủ tiền đề.

Nhưng về hành chính không được là 3 quận độc lập, nó phải là một đô thị duy nhất để tích hợp các tiền đề lại với nhau. Lúc đó, lãnh đạo TP mới đặt vấn đề phải thành lập lại TP mới trong TP.HCM.

Ngay đầu năm 2020 còn chưa đặt tên TP gì, qua quá trình trao đổi, thăm dò ý kiến người dân, được sự đồng thuận thì mới lấy tên TP Thủ Đức.

Vậy bước đột phá ở TP Thủ Đức là gì, thưa ông?

Vậy bước đột phá ở TP Thủ Đức là gì, thưa ông?

Từ kinh nghiệm nhiều mô hình thế giới, có thể thấy Thủ Đức có trên dưới 50% điều kiện để trở thành TP công nghệ 4.0 nếu quy hoạch tốt và tập trung đầu tư đúng hướng.

TP.HCM và các tỉnh hiện nay đang là nơi ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, chứ không phải là nơi tạo ra chúng. Nhưng riêng TP Thủ Đức, sẽ là nơi tạo ra giải pháp công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Đây là bài toán mà không thể giao cho tất cả các tỉnh cùng làm.

Chúng ta thấy cả thế giới đi ô tô, nhưng không quá 10 nước sản xuất ô tô cho gần 200 nước trên thế giới; cũng như máy bay, chủ yếu là Mỹ và châu Âu sản xuất, nhưng cả nhân loại dùng.

Tạo ra giải pháp công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo thì không thể 63 tỉnh, thành cùng làm, chỉ có thể là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, hay các cụm như Đồng Nai, Bình Dương…; thì giá trị tại Thủ Đức là thế, tạo ra giải pháp cung cấp cho các tỉnh, thành xài.

Kết nối 3 lợi thế của 3 trung tâm và được coi là cực tăng trưởng mới của TP.HCM. Vậy TP Thủ Đức có quy hoạch gì về hạ tầng để có thể “cất cánh”, thưa ông?

Trước hết, cần xác định chúng ta có gì, sẽ làm gì thì mới đóng góp được cái chung.

Hiện nay, TP Thủ Đức có 5 loại hạ tầng. Thứ nhất là hạ tầng liên quan đến công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, bao gồm những cấu phần cụ thể.

Thứ nhất, là khu công nghệ cao của TP.HCM bây giờ phải làm giai đoạn 2, làm tiếp thành công viên khoa học. Thứ hai, là khu ĐH, chúng ta có rồi nhưng chưa kết nối được với khu công nghệ cao. Thứ ba, là phải có trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất của Việt Nam ở đây, để những tài năng trẻ được hỗ trợ, đề xuất ý tưởng mới và thực nghiệm để tìm đến kết quả.

Thứ tư, là phải có một trung tâm phần mềm tại chỗ, từ mô hình công viên phần mềm Quang Trung, TP lập công viên thứ hai để cung cấp nhân lực và giải pháp. Thứ năm, phải có một trung tâm siêu máy tính, đặt yêu cầu phải tốt nhất ASEAN. Vì phát triển trí tuệ nhân tạo phải có máy tính hỗ trợ để mô phỏng, để tìm giải pháp tối ưu. Nếu có trung tâm này sẽ thu hút các nhà khoa học đến đây.

Thứ sáu, gắn với công nghệ 4.0 là hạ tầng viễn thông 5G…

Vậy, các tiền đề đã có như tôi nói, chỉ còn thiếu trung tâm khởi nghiệp, thiếu trung tâm máy tính hiệu năng cao.

Hạ tầng thứ hai là về giao thông và dịch vụ đô thị, đã có quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ gắn với cao tốc, tàu điện ngầm, hệ thống cảng Cát Lái, tất cả được kết nối rất thuận tiện với sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành.

Về thoát nước, quy hoạch TP Thủ Đức là không ngập nước. Đề án này TP đang làm với Hà Lan. Sẽ có đê bao, có các trạm bơm, các hồ chứa nước nhân tạo, tự nhiên. Đảm bảo Thủ Đức là TP không ngập nước ở khu đô thị. Nói vậy vì ngoài đô thị, Thủ Đức còn có vài nơi có cây xanh, khu ngập nước.

Nhóm hạ tầng thứ ba về tài chính và thương mại, cụ thể là trung tâm tài chính, ngân hàng tại Thủ Thiêm, đây là cơ hội rất thuận lợi.

Hạ tầng thứ tư là về văn hóa, có nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch, khu văn hóa các dân tộc và sân golf Thủ Đức; bệnh viện; trung tâm thể thao Rạch Chiếc…

Thứ 5, là hạ tầng nhà ở hiện đại cho nhiều thế hệ như người chưa lập gia đình, mới lập gia đình, nhà ở cho ông bà… đảm bảo cho cuộc sống người dân ở đây, thu hút lao động trình độ cao trong và ngoài nước đến sinh sống và làm việc.

Trở thành TP mới mang lại cho Thủ Đức nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức, khó khăn, ông có thể nói rõ hơn về những dự định ban đầu?

Cách đây khoảng 5 năm, chúng ta chưa thể trả lời rõ được TP.HCM làm thế nào từ tăng trưởng kinh tế gấp 1,2 lần cả nước lên được 1,5 lần như Bộ Chính trị yêu cầu, thì bây có thể trả lời ngay, vì TP.HCM có vùng động lực để làm điều đó là vùng phía Đông (TP Thủ Đức).

Giờ thì lịch sử mang lại cho TP Thủ Đức một thời cơ để trở thành đầu tàu kinh tế lớn nhất của TP.HCM.

Sau khi được Quốc hội thông qua việc thành lập TP Thủ Đức, TP tính toán đến hết 2022, duyệt xong toàn bộ quy hoạch mới, triển khai đầu tư.

Bộ máy nhân sự thì phải hoàn thành trước ngày 7/2, để chuẩn bị bầu cử. Dù thế nào thì TP quyết tâm hết năm 2022 làm xong mọi thứ, để phát huy kinh nghiệm công tác và năng lực của bộ máy. Phương châm là phục vụ người dân và DN tốt hơn.

Vậy TP 4.0 thì quản lý thế nào? Phải dựa trên cơ sở Nghị quyết 54 xem Thủ Đức áp dụng đủ chưa, chưa đủ thì xin thêm cơ chế đặc thù.

Vạn sự khởi đầu nan. TP mới, gian nan, thách thức mới nhưng cũng là cơ hội mới. TP Thủ Đức ra đời là cơ hội cho các lớp cán bộ, các nhà khoa học, doanh nhân và thanh niên TP khẳng định, trưởng thành và cống hiến.

Bảo Anh - Hồ Văn

Ảnh: Trương Thanh Tùng -Thiết kế: Hồng Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/media/ong-nguyen-thien-nhan-thu-duc-thanh-pho-cua-tri-tue-nhan-tao-dang-song-nhat-viet-nam-706311.html