Ông Nguyễn Tiến Dân, ngôi sao sáng trong hành trình 'Thắp sáng ước mơ – Cùng bạn đến trường'
Nhiều người biết Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Dân ở Phường Thanh Khê Đông, Đà Nẵng - Một cán bộ, đảng viên gương mẫu, một cựu chiến binh suốt đời làm việc thiện, một nhà báo tâm huyết với nghề…
Ông Nguyễn Tiến Dân sinh năm 1950, lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống Cách mạng. Mẹ ông cũng là bà mẹ VNAH ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1964, ông gia nhập quân ngũ, chiến đấu tại chiến trường Khu 5. Năm 1972, bị thương hạng ¾, rời quân ngũ ông được cử ra miền Bắc học tập.
Trở về Đà Nẵng, ông đã nhận công tác ở nhiều đơn vị, từ Liên hiệp Đường sắt khu vực 2 đến PV thường trú Đài Truyền hình Việt Nam, Đại diện Báo Đường sắt đến Báo Cựu chiến binh VN tại miền Trung… Năm 2012, ông Nguyễn Tiến Dân nghỉ hưu, tiếp tục tham gia các hoạt động của địa phương, với vai trò Bí thư chi bộ Tổ dân phố 22, phường Thanh Khê Đông, đồng thời là PV thường trú Tạp chí Văn hóa & Doanh nhân Việt Nam tại miền Trung & Tây Nguyên.
Từ năm 2000, tạm gác mọi công việc, ông bắt tay vào hành trình “Thắp sáng ước mơ – Cùng bạn đến trường”. Thời gian đầu, chưa có nguồn tài trợ, ông tìm đến các nhà hàng ở gần nhà, vận động xin mua lại vỏ lon bia, nước ngọt bán lấy tiền lãi mua sách vở cho học sinh nghèo.
Lâu dần, mọi người hiểu ông Nguyễn Tiến Dân, biết việc ông làm, đã đồng tình ủng hộ giúp ông được một khoản đáng kể. Từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng mỗi năm, giúp ông trao học bổng, mua xe đạp, tặng đồ dùng học tập cho các trường, các cháu học sinh vượt khó học giỏi, đem đến những bữa cơm có cá, có thịt cho học trò nghèo.
Âm thầm, theo những bước chân ông là những cuốn vở, những chiếc áo ấm cho các cháu học sinh khi mùa đông về, tiếp sức cho các cháu học sinh nghèo đi tiếp hành trình gian nan tìm con chữ thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.
Cứ thế, ông Nguyễn Tiến Dân âm thầm làm việc thiện mỗi ngày, những chuyến đi cứ nối dài thêm đến những nơi còn khó khăn, trao sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm cho học sinh vùng sâu vùng xa... Gần 20 năm qua, ông không nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến, chỉ biết mình đã đi hết dải đất miền Trung nắng gió, đến với học sinh nghèo, gia đình khó khăn.
Ngoài việc miệt mài quyên góp, ông Nguyễn Tiến Dân còn dùng toàn tiền thưởng, tiền nhuận bút, tiền thưởng tuổi Đảng qua các năm, thậm chí cả tiền lương hưu để làm việc thiện.
Niềm vui của ông Nguyễn Tiến Dân là lưu giữ những lá thư học sinh gửi về cảm ơn nhưng chưa một lần gặp mặt. Trong đó có lá thư của em Phạm Thị Thu Thảo, một học sinh nghèo, mồ côi được ông giúp tiền ăn học suốt từ cấp 3 lên cao đẳng. Ông bảo,“của cho không bằng cách cho”, mỗi lần đi ông đều nhắc nhà trường không trao quà trước toàn trường, mà hãy tặng riêng cho từng em để những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn không phải chịu nỗi mặc cảm với bạn bè, trang lứa.
Thông thường, mỗi chuyến đi ông thường chọn đi cùng một vài sinh viên tình nguyện. Và, lúc nào ông cũng dặn các cháu, mình đến giúp người ta, nhưng không mong nhận sự “trả nghĩa”, lòng mình vui là đủ.
Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Tiến Dân đã được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục; Vì sự nghiệp khuyến học; được Đảng ủy Phường, Đảng Quận Thanh Khê Đông, Thành ủy Đà Nẵng tặng nhiều giấy khen và bằng khen về Tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương Đạo Đức Hồ Chí Minh.
Tôi quen biết ông Nguyễn Tiến Dân đã lâu, biết cuộc sống của ông cũng chẳng khấm khá gì, luôn nhiệt thành với công việc, chân tình với bạn bè, những bài báo ông viết luôn thấm đẫm sự thật, nhiều người vui nhưng cũng không ít người không ưa, không thích, thậm chí có lúc còn gây khó khăn cho ông. Tên ông dường như gắn với cuộc đời ông, chân thật, giản dị như người nông dân vậy.
Cuộc sống cũng như sức khỏe của ông Nguyễn Tiến Dân đến tận bây giờ vẫn còn khó khăn, nhưng ông vẫn đến những nơi cần đến mỗi khi có thể. Song hành với công tác thiện nguyện, ông còn kiêm nhiệm việc Đại diện Tư vấn & Trợ giúp Pháp lý cho gia đình Liệt sĩ (Marin) nhằm kết nối thông tin để tìm kiếm hài cốt Liệt sĩ.
Mới đây ông Nguyễn Tiến Dân đã khiến người thân và bạn bè ngạc nhiên bằng việc tình nguyện hiến dâng thi hài của mình cho khoa học một khi trái tim ông ngừng đập. Ông quan niệm sống là cho đi, chết là hiến dâng cho khoa học để tiếp tục cứu người khi còn có thể.