Ông Nguyễn Văn Hiến nhận sai vì muốn nâng cao đời sống cán bộ
Sáng 19/5, HĐXX Tòa án Quân chủng Hải quân tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Quân chủng Hải quân, liên quan đến việc chuyển đổi mục đích đất quốc phòng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 939 tỷ đồng.
Quá trình thẩm vấn, bị cáo Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh, cháu bị cáo Đinh Ngọc Hệ) khai, thời điểm xảy ra sai phạm, bị cáo đang là sinh viên và ở nhờ nhà Đinh Ngọc Hệ nhưng được Hệ cho đứng tên làm Giám đốc Công ty Yên Khánh. Bị cáo Hoan cho rằng, mình chỉ giữ hộ Công ty Yên Khánh chứ không trực tiếp thực hiện dự án.
Bị cáo được Đinh Ngọc Hệ bảo ký các giấy tờ do nhân viên Công ty Yên Khánh mang về nhà. “Bị cáo ký nhưng không hiểu nội dung những văn bản đó. Tại thời điểm ký hợp đồng, bị cáo không hiểu bản chất hợp đồng. Sau này, cơ quan điều tra giải thích thì bị cáo mới hiểu bản chất là hợp đồng thuê đất. Tất cả các vấn đề điều hành công ty, cho đến việc ký kết hợp đồng với Quân chủng Hải quân đều do cậu Hệ và bị cáo Phạm Văn Duyệt (cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) chỉ đạo. Bị cáo vì tin tưởng nên làm theo lời của cậu Hệ thôi”, bị cáo Hoan trình bày.
Trả lời HĐXX, bị cáo Phạm Văn Duyệt cũng khai, mình chỉ là người làm thuê và và những việc lớn đều làm theo chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ. Bị cáo Hoan và bị cáo Duyệt cùng khai, việc Đinh Ngọc Hệ liên quan đến 8 công ty dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sô 7-9 Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh (là đất quốc phòng) để vay ngân hàng. Nhưng bị cáo Hệ cũng phủ nhận lời khai này và cho rằng, mình không liên quan, không được hưởng lợi ích gì từ dự án này.
HĐXX yêu cầu đối chất, bị cáo Đinh Ngọc Hệ phủ nhận lời khai của bị cáo Hoan và bị cáo Duyệt. Bị cáo Hệ cho rằng, bị cáo Hoan khai vậy là không đúng. “Bị cáo có quan hệ rộng, lại hay thương người nên khi có ai nhờ, nhất là người có quan hệ họ hàng như bị cáo Hoan, hay quan hệ thân quen ngoài xã hội như bị cáo Duyệt thì bị cáo sẽ giúp đỡ”, bị cáo Hệ khai. Khi HĐXX đưa ra bằng chứng là chứng thư bị cáo Hệ bảo lãnh cho Công ty Yên Khánh thì Hệ biện minh rằng “Do bị cáo năng lực kém nên khi người thân quen nhờ thì giúp chứ mình không có năng lực thẩm định”.
Trước đó, trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) biện minh cho hành vi sai phạm của mình là do cơ quan tham mưu cấp dưới đã tham mưu sai, liên quan đến 3 khu đất số 2, số 7- 9, số 9- 11 đường Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh trong việc liên doanh với doanh nghiệp bên ngoài. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc Quân chủng Hải quân mất quyền kiểm soát ba khu đất này.
Về việc khai thác ba khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh, bị cáo Hiến khai “Thời điểm đó, TP Hồ Chí Minh có đề xuất với Quân chủng Hải quân là ba khu đất ở đường Tôn Đức Thắng nên chỉnh trang theo quy hoạch mới. Nhưng đó chỉ là lý do vì bị cáo muốn nâng cao đời sống bộ đội trong Quân chủng Hải quân”.
Cũng theo lời khai của bị cáo Hiến “Trước khi bị khởi tố, bị cáo vẫn nghĩ việc liên doanh với các doanh nghiệp khai thác sử dụng ba khu đất trên chỉ là hợp đồng khoán kinh doanh. Đến khi cơ quan điều tra giải thích bản chất là hợp đồng thuê đất thì bị cáo mới nghĩ ra, thời điểm đó, hầu như tất cả các văn bản các cơ quan cấp dưới trình lên đều nghĩ là thực hiện đúng pháp luật, đúng quy định của Bộ Quốc phòng.
Các văn bản bị cáo ký là do cơ quan tham mưu trình lên và nội dung đó đã được Thường vụ Quân chủng Hải quân thông qua”. Bị cáo Hiến thừa nhận, mình có khuyết điểm khi thực hiện trách nhiệm thiếu quyết liệt, thiếu sát sao và do nhận thức và kiến thức không đủ nên không phát hiện ra sai sót.
Trả lời HĐXX, về việc thương thảo hợp đồng kinh doanh với Công ty Yên Khánh, bị cáo Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân) khai, việc này thực hiện khoảng 4 lần với Công ty Hải Thành, Công ty Yên Khánh và hai người Quân chủng Hải quân. Nội dung các buổi thương thảo, bị cáo Thiềm khai “Không có bị cáo Đinh Ngọc Hệ”.
Nhưng đại diện Viện Kiểm sát cho biết, bị cáo Thiềm khi công bố bút lục lời khai trong quá trình điều tra thể hiện “Thiềm đã khai, có hai lần Đinh Ngọc Hệ tham gia đàm phán và Thiềm hai lần gặp Đinh Ngọc Hệ trước khi đàm phán”.
Theo Công văn số 3333/BQP của Bộ Quốc phòng ngày 4/7/2006 đã yêu cầu Quân chủng Hải quân chỉ được tiến hành hợp tác liên doanh sau khi hoàn thành các thủ tục liên quan về quản lý, khai thác các khu đất theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng. Ngày 6/10/2009, Văn phòng Bộ Quốc phòng có Công văn số 5371/VP-NC thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nêu rõ: “Thực hiện theo Thông tư 35/2009/TT-BQP ngày 20/7/2009 của Bộ Quốc phòng, đất vẫn do Quân chủng Hải quân quản lý, không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vì sẽ bị mất đất”. Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện chủ trương của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Nguyễn Văn Hiến đã không kiểm tra, tin tưởng vào cấp dưới nên đã ký, phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, của Chính phủ và Luật Đất đai năm 2003.