Ông nông dân làm du lịch nông nghiệp
Đến thăm Nông trại Ánh Dương của gia đình ông Phạm Quang Vọng, thôn Yên Hoành, xã Định Tân (Yên Định) vào một ngày cận tết, chỉ mới đầu giờ sáng, chúng tôi chứng kiến có rất đông du khách với nhiều lứa tuổi khác nhau, chủ yếu là gia đình, nhóm gia đình. Trẻ con ríu rít gọi nhau, chạy nhảy thăm thú đàn cừu, ao cá... Phía bên nông trại, nhiều du khách say sưa chụp ảnh với vườn cúc họa mi, hoa hướng dương, hoa hồng... Nhiều du khách ngồi thưởng thức cà phê, trà sữa, có khách còn ra vườn tự hái những trái bưởi da xanh mang về làm quà cho người thân... tất cả đều nhộn nhịp, nhiều sắc màu. Lắng nghe du khách nói chuyện cùng nhau, tôi cảm nhận được tinh thần của họ đang rất thoải mái khi về với miền thôn quê yên bình.
Du khách tham quan Nông trại Ánh Dương.
Trong câu chuyện với du khách, ông Phạm Quang Vọng kể: Ông sinh ra trong gia đình nhà nông nên “cây và con” đã ăn sâu vào máu. Cứ hết giờ làm việc ở xã, ông lại vội về “trồng cây, chăm con”. Làm nông vất vả nhưng có thu nhập đủ nuôi các con ăn học. Nông trại này trước đây là vùng trũng chuyên sản xuất lúa nên không ăn chắc. Ông Vọng dần chuyển đổi sang kết hợp nuôi cá, gia cầm để ổn định cuộc sống. Một lần, người con trai đầu của ông là Phạm Văn Đạt công tác ở TP Hồ Chí Minh gọi điện về tâm sự ý tưởng với bố mẹ nên chuyển đổi sang trồng hoa để làm du lịch nông nghiệp – mô hình đang rất thu hút khách tham quan, nhất là giới trẻ. Nghe con giãi bày ý tưởng và sẽ “góp vốn”, vợ chồng ông Vọng mạnh dạn trồng 1 ha hoa hướng dương/2 ha trang trại của gia đình. Nhiều người dân trong xã hoài nghi, bỏ qua những lời đàm tiếu, vợ chồng ông Vọng cần mẫn làm và tham khảo tài liệu, cả gia đình ông mong chờ đến ngày hoa nở. Thế rồi một vùng trời màu vàng rực dưới chân đê kết hợp với khu trồng cây ăn quả, ao cá... đã tạo cho trang trại nhà ông Vọng thực sự nổi bật và thu hút sự tò mò, thích thú trải nghiệm của nhiều người dân. Ngay Tết Dương lịch năm 2018, gia đình ông Vọng phấn khởi mở cửa bán vé cho du khách vào tham quan với giá 30 ngàn đồng/lượt và lấy tên Nông trại Ánh Dương. Các năm sau đó, cứ vào dịp giáp tết, gia đình ông Vọng đều trồng hoa và mở rộng thêm diện tích, các dịch vụ khác để thu hút du khách.
Năm 2020, anh Phạm Văn Đạt - con trai của ông Vọng chính thức cùng gia đình nhỏ chuyển hẳn về quê nhà cùng bố mẹ bắt tay đầu tư nông trại một cách bài bản hơn. Anh Đạt từng công tác ở Viện Thủy lợi miền Nam rồi làm cho một công ty nên có điều kiện tiếp cận với nhiều mô hình, cách làm hay của nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh. Đến nay, khu nông trại đã hoàn thành gian nhà chính, 4 ô nghỉ và 1 quầy bar để phục vụ du khách nghỉ ngơi sau khi ngắm hoa, hái quả... với tổng diện tích 4,5 ha.
Nhâm nhi ly cà phê, anh Nguyễn Văn Phúc (TP Thanh Hóa) cho chúng tôi biết: “Vợ chồng tôi đưa các con đến để trải nghiệm, các con rất thích thú với những chú cừu và ao cá. Qua trải nghiệm, các con đã hiểu thêm về vùng thôn quê và chứng kiến người nông dân lao động chăm chỉ để làm ra những sản phẩm”.
Cháu Cao Hồng Nhung (Thiệu Hóa) cho chúng tôi biết thêm: “Được nghỉ tết, cháu cùng các bạn đến đây để ngắm hoa, chụp ảnh. Không gian đẹp lắm, sinh viên như chúng cháu thường đi nhiều nơi, mỗi nơi đều có trải nghiệm riêng nhưng có lẽ nông trại này để lại cho cháu nhiều ấn tượng nhất”.
Phấn khởi và vui lây với du khách, bố con ông Vọng cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư ao cá, hoàn thiện những con kênh nhỏ bên khu vườn 500 gốc dừa xiêm để du khách trải nghiệm câu cá, đi thuyền và có cả chỗ nghỉ ngơi thưởng thức ẩm thực là những sản phẩm sạch, an toàn do gia đình sản xuất... tạo cảm giác thư thái sau những chuỗi ngày lao động vất vả, đồng thời tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.
Nhà ông Vọng nằm bên triền đê đón ngọn gió mát lành chính là điểm cộng khi làm mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Ngoài nuôi gà, vợ chồng ông còn trồng thêm các loại rau, quả khác phục vụ gia đình và du khách. Nông trại Ánh Dương của gia đình ông Vọng dập dìu đón khách thập phương, ước tính mỗi dịp lễ, tết có khoảng 5.000 đến 7.000 lượt khách, ngoài 4 lao động chính của gia đình còn có 6 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ phục vụ.
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là hướng đi mới nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao trong sản xuất, kinh doanh du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Mô hình này đang được xã Định Tân quan tâm đẩy mạnh. Được biết, nông trại Ánh Dương của gia đình ông Vọng còn đăng ký thực hiện Chương trình OCOP.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/ong-nong-dan-lam-du-lich-nong-nghiep/131480.htm