Ông nông dân sáng chế máy thu hoạch lúa
Nông dân Nguyễn Văn Hứng (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, Tiền Giang) vừa chế tạo thành công máy thu gom lúa đổ dưới chân ruộng rất tiện dụng.
Nông dân Nguyễn Văn Hứng (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, Tiền Giang) vừa chế tạo thành công máy thu gom lúa đổ dưới chân ruộng rất tiện dụng. Ngoài thu gom lúa đổ, chiếc máy này còn có thể sử dụng để hút bụi, rác...
Ông Hứng cho biết, chiếc máy thu gom lúa đổ do ông sáng chế có kết cấu khá đơn giản. Máy được vận hành bởi 1 máy xăng 2 thì, công suất 1,6 HP (sử dụng máy phun xịt côn trùng với cánh quạt được ông cải tiến lại); một đầu hút lúa đổ và một đầu thổi lúa ra được sử dụng bằng ống nhựa PVC 90 (mm); hộp thu lúa được ông gia công bằng tôn dài 50 cm, cao 40 cm, có 2 ngăn được ngăn cách bởi lưới kẽm ở giữa (lúa có trọng lượng nặng hơn nên khi đi qua lưới kẽm sẽ rơi xuống đáy hộp và được dẫn vào bao chứa (hay thau), riêng bụi, rơm rạ có trọng lượng nhỏ hơn nên được đẩy hết ra ngoài theo đường ống thoát).
Để gia công bộ khung sườn, ông tận dụng các thông sắt cũ, phuộc và bánh xe đạp đã qua sử dụng. Với chiếc máy trên, mỗi giờ ông có thể thu được từ 10 - 30 kg lúa đổ (tùy đồng ruộng) trong khi chỉ tốn từ 0,75 - 1 lít xăng. Việc thu gom lúa đổ, ngoài giúp mang lại thu nhập, theo ông Hứng, chiếc máy còn giúp vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch rất hiệu quả (thu gom lúa đổ, bông cỏ…), đảm bảo mùa vụ sau ít cỏ, khắc phục tình trạng lúa cỏ, lúa lộn (hạt lúa rụng tự nảy mầm, phát triển song hành cùng với cây lúa được gieo sạ làm giảm năng suất mùa vụ); qua đó giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng hạt lúa thành phẩm; đặc biệt là ruộng lúa được chọn để sản xuất lúa giống.
Bên cạnh thu gom lúa đổ, chiếc máy trên còn được sử dụng để hút bụi, rác trên đường rất hiệu quả. Ngoài 2 tính năng trên, ông Hứng còn nghiên cứu và chuẩn bị đưa vào thử nghiệm tính năng thứ 3 của máy là hỗ trợ máy gặt đập liên hợp (máy gặt đập) trong quá trình thu hoạch lúa. Để hỗ trợ máy gặt đập thu hoạch lối đầu tiên, phải có một người mang máy thổi hơi gió (máy thu gom lúa đổ trở thành máy thổi hơi gió) đi bộ (máy được tháo rời khỏi khung sườn), dùng ống thổi ráo lúa 1 lối (chiều ngang) rộng chừng 2 mét.
Kể từ lối thứ 2 trở đi, máy thu gom lúa đổ và bộ phận thổi gió được lắp vào một bên của máy gặt đập, khi đó máy thổi hơi gió và máy gặt đập cùng hoạt động song hành rất tiện lợi (lối thứ 2 thu hoạch xong thì lối thứ 3 đã được thổi khô, và cứ thế tiếp tục…). Khi đó, hiệu quả hoạt động của máy gặt đập sẽ được nâng lên do không phải mất thời gian nằm chờ, lãng phí nhân công.Theo tính toán của ông Hứng, cứ mỗi giờ hoạt động sớm, máy gặt đập cho thu nhập ròng tăng thêm từ 400 - 500 ngàn đồng (mỗi giờ máy gặt đập thu hoạch được 4 - 5 công ruộng với mức giá gia công hiện tại là 200 ngàn đồng/công lúa đứng).
“Hiện tôi đang nghiên cứu trích hơi nóng thoát ra từ pô máy thổi gió để vừa hỗ trợ máy gặt đập, vừa giúp làm ráo nhông hạt lúa tại ruộng nhằm góp phần nâng cao chất lượng hạt lúa trước khi đưa vào chế biến” - ông Hứng phấn khởi cho biết.