Ông Obama tái xuất 'vũ đài chính trị' quốc tế
Cựu Tổng thống Barack Obama sẽ tới hội nghị COP26 ở Anh vào tuần sau để nỗ lực thuyết phục thế giới rằng Mỹ nghiêng về ông Biden hơn là ông Trump, ít nhất là về biến đổi khí hậu.
Vị cựu lãnh đạo muốn giúp Tổng thống Joe Biden lấy lại niềm tin của thế giới vào vai trò lãnh đạo của Mỹ trên vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời đưa liên minh toàn cầu trở về đúng hướng sau 4 năm nước Mỹ dưới thời ông Trump, các phụ tá và bạn bè của ông Obama nói với CNN.
Ý tưởng về chuyến đi tới COP26 của ông Obama xuất phát từ lời gợi ý của các nhà hoạt động vì biến đổi khí hậu. Nhưng ý tưởng ấy chỉ thật sự thành hình sau các cuộc trao đổi với John Kerry, cựu Ngoại trưởng dưới thời ông Obama và đặc phái viên về biến đổi khí hậu của ông Biden, nguồn thạo tin nói với CNN.
Chuyến đi của ông Obama phản ánh việc cả trong và ngoài Nhà Trắng lúc này đều nhận ra rằng niềm tin mà quốc tế đặt vào Mỹ đã suy giảm dưới thời ông Trump. Không chỉ vậy, chuyến đi này còn cho thấy Mỹ ý thức được việc ông Obama có khả năng kết nối tốt hơn với công dân toàn cầu so với tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Ông Biden có thực hiện được lời hứa?
Theo CNN, Tổng thống Biden đang hy vọng mình sẽ để lại ấn tượng vượt ra ngoài những bài nói truyền cảm hứng và những lời hứa suông. Trong khi đó, ông Obama kỳ vọng hình ảnh của ông không chỉ dừng lại là một nhân vật nổi tiếng mà là người lấy uy tín của mình để giúp đỡ ông Biden tại sự kiện COP26.
Điều này đặc biệt đúng khi ông Biden nỗ lực thuyết phục cả nước Mỹ và thế giới hãy nhìn nhận khoản ngân sách dành cho chống biến đổi khí hậu trị giá 500 tỷ USD còn sót lại sau đàm phán tại Quốc hội Mỹ là một thành công, thay vì coi đó như một thất bại vì thấp hơn nhiều mục tiêu ban đầu của vị tổng thống.
Nhiều người cho rằng việc này có khả năng thành công. Nhưng sau thời gian ông Trump nắm quyền, trong lòng họ không khỏi chứa đựng nghi ngờ.
“Ông Obama là một trong những kiến trúc sư của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, và Tổng thống Biden đã xác nhận rằng Mỹ hoàn toàn cam kết với các hành động chống biến đổi khí hậu”, Carolina Schmidt, Bộ trưởng Môi trường Chile và là chủ tịch hội nghị COP25 vào năm 2019, nói.
Năm 2017, ông Trump thông báo Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, vốn được xây dựng dựa trên cam kết của từng nước nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính. Ông Biden đã tái gia nhập thỏa thuận trên ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ.
Dù vậy, bà Schmidt cũng cho rằng “chúng ta không chỉ cần các nhà lãnh đạo mà cần cam kết cụ thể từ từng quốc gia, đặc biệt là các nước phát thải lớn, để đạt mức trung hòa phát thải khí carbon muộn nhất là tới năm 2050”.
“Trên phương diện ấy, mọi cam kết từ Mỹ nhằm giúp đạt được các thỏa thuận toàn cầu nói trên đều là tin tốt”, bà Schmidt nói.
Nói với CNN, một nhà ngoại giao từ Liên minh châu Âu (EU) thẳng thắn hơn khi nói về cách thế giới nhìn nhận quá trình ông Biden khó nhọc đưa chương trình nghị sự qua Quốc hội.
“Thật tốt khi thấy Mỹ trở lại tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những gì bạn làm được trong nước cũng quan trọng không kém thứ bạn mang ra nước ngoài”, nhà ngoại giao này nói.
“Nếu không có những nỗ lực ngoại giao này chúng ta ắt sẽ ở trong tình thế tồi tệ hơn. Nhưng vẫn còn câu hỏi chưa có lời đáp: Liệu bạn có làm được như lời bạn nói hay không?”, nhà ngoại giao EU đặt câu hỏi.
Obama, Biden hoán đổi vai
Ông Biden từng được chọn làm đối tác tranh cử trong chiến dịch năm 2008 để bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm ngoại giao và uy tín tại thời điểm ấy của ông Obama. Lúc này, vai trò của hai người đã được đảo ngược và ông Obama sẽ hỗ trợ cho ông Biden.
Tuy nhiên, ông Obama sẽ cẩn thận không để mình phủ bóng lên ông Biden. Vì thế, vị cựu tổng thống thứ 44 sẽ không xuất hiện ở COP26 cho tới ngày 8/11, một tuần sau khi ông Biden có mặt.
Thời điểm xuất hiện của ông Obama đã được sắp xếp cẩn thận: Ông sẽ phát biểu chính thức trước các nhà ngoại giao tề tựu ở COP26, nhưng bài nói này sẽ diễn ra sau khi hầu hết lãnh đạo thế giới đã rời sự kiện.
John Podesta, người từng công tác về vấn đề biến đổi khí hậu dưới thời ông Obama, là một trong những nhà hoạt động thúc giục cựu tổng thống tới COP26 để hỗ trợ ông Biden.
Theo ông Podesta, ông Obama là người duy nhất lúc này có thể đưa ra các thông điệp then chốt về việc Mỹ tái khẳng định vị thế sau ông Trump, cũng như về thực tế là những nỗ lực chống biến đổi khí hậu vẫn được tiếp diễn tại Mỹ ở cấp địa phương, kể cả khi ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris.
“Kể cả khi một ai đó gắng sức đi theo hướng ngược lại, Mỹ vẫn đi đúng hướng nhờ nỗ lực của những người thiện chí trong chính quyền cấp địa phương và văn phòng thống đốc khắp cả nước”, ông Podesta nói. “Đó sẽ là một câu chuyện khác với việc ‘bạn không thể tin Mỹ vì họ bầu cho ông Trump’”.
Trước thềm chuyến đi tới Scotland, quỹ của ông Obama đang đăng tải tài liệu với nội dung xoay quanh nỗ lực của vị cựu tổng thống nhằm đưa đối thoại khí hậu quốc tế đến được thời điểm này.
“Một minh chứng cho sự bền vững của Hiệp định Paris là việc người kế nhiệm của tôi tại Nhà Trắng quyết định đơn phương rút khỏi thỏa thuận này”, ông Obama nói trong một tài liệu. Dù đây có thể là cú đánh mang tính biểu tượng làm sụp đổ toàn bộ thỏa thuận, mọi quốc gia khác vẫn giữ vững thỏa thuận ấy”.
“Và lúc này, chúng ta đang có một chính phủ Mỹ một lần nữa sẵn sàng nắm giữ vai trò lãnh đạo trong quá trình này”, ông Obama khẳng định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-obama-tai-xuat-vu-dai-chinh-tri-quoc-te-post1274111.html