Ông Phạm Chánh Trực: Nhiều cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng dẫn đến sai phạm

Ông Phạm Chánh Trực cho rằng việc tự rèn luyện của cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, nhiều trường hợp thiếu nghiêm túc, tự giác nên chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy mà không đủ sức chống chọi...

Ngày 6-9, Ban Tổ chức Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Học viện Cán bộ TP.HCM đã tổ chức hội thảo tổng kết 15 năm thi hành điều lệ Đảng (2011-2025).

Tại hội thảo, nhiều ý kiến bày tỏ những trăn trở trước việc nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật trong thời gian gần đây.

Quy hoạch chặt chẽ, cán bộ vẫn sai phạm

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhìn nhận công tác kiểm tra giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra được xác định là chức năng lãnh đạo của Đảng nhưng trong thời gian dài thực hiện chưa tốt, để tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm mà không phát hiện kịp thời.

 Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ảnh: N.NAM

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ảnh: N.NAM

Bà nói có nhiều trường hợp vi phạm hàng chục năm sau mới được phát hiện, xem xét xử lý. “Cần đánh giá công tác kiểm tra, xem xét, xử lý kỷ luật như thế nào mà có nhiều vụ việc sai phạm lớn như thế" - bà Thảo nói và đề nghị phải đánh giá sâu công tác cán bộ.

Theo bà, thời gian qua, Trung ương có quy định về quy hoạch cán bộ nhưng thực tế có nhiều cán bộ bị sai phạm, kỷ luật dù được quy hoạch chặt chẽ. Do vậy, bà cho rằng phải học Bác Hồ trong việc dùng người, khi thấy cán bộ giỏi, tài, đức, phù hợp công việc thì mạnh dạn đề bạt, phân công.

“Có nhiều người nhận thức rằng quy hoạch như tiêu chuẩn, ai được đưa vào diện quy hoạch mới được đề bạt nhưng thực sự quy hoạch là để đào tạo thôi chứ không phải tiêu chuẩn” – bà nói.

Đề bạt cán bộ có trường hợp ‘sai lầm’

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nhìn nhận điều đáng lo nhất hiện nay là do tác động xã hội, thiếu sự tự tu dưỡng mà không ít đảng viên và cán bộ Đảng các cấp, nhất là cấp Trung ương đã suy thoái, tiêu cực, bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng…

 Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.NAM

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.NAM

“Tại sao lại có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng như thế? Đó là bởi phẩm chất đảng viên là người đầy tớ trung thành của nhân dân chưa trở thành ý thức và tâm huyết của cán bộ” – ông Trực nói và nhìn nhận việc tự rèn luyện của cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, nhiều trường hợp thiếu nghiêm túc, tự giác nên chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy mà không đủ sức chống chọi, tự đấu tranh; đồng thời, thiếu sự phê bình và tự phê bình trong chi bộ.

Dẫn chứng một số trường hợp cán bộ cấp cao sai phạm, ông Trực cho biết Ban Tổ chức có nhiệm vụ quản lý cán bộ, đảng viên và có trách nhiệm tham mưu, đề xuất phân công bố trí cán bộ, đề bạt cán bộ nhưng có nhiều trường hợp không chính xác...

Chưa kể, Ban Kiểm tra Đảng cũng không chu toàn trách nhiệm khi để những cán bộ từng sai lầm khuyết điểm được đề bạt liên tiếp nhiều chức vụ trong nhiều năm, cuối cùng lại phát hiện sai phạm, tham nhũng.

“Trong một thời gian dài, các cơ quan tham mưu của Đảng, cả Ban tổ chức và Ủy ban kiểm tra nhiều cấp, địa phương đã thi hành nhiệm vụ một cách quan liêu hành chính dẫn đến không quán xuyến chặt việc quản lý, kiểm tra giám sát đảng viên cán bộ, đề xuất cấp ủy phân công bố trí, đề bạt cán bộ sai sót nghiêm trọng” – ông nhìn nhận.

Theo ông, biện pháp thường xuyên nhưng có ý nghĩa then chốt là người đứng đầu các cấp, các ngành phải nêu gương liêm chính. Bởi khi người đứng đầu gương mẫu, trách nhiệm thì cấp dưới và bộ máy khó tham ô, nhũng nhiễu, cửa quyền.

Ông Phạm Chánh Trực khẳng định đảng viên hay tổ chức Đảng sai trái phải bị kỷ luật nhưng kỷ luật Đảng là kỷ luật tự giác. “Đảng ta là đạo đức, văn minh, anh vào Đảng tự nguyện, anh làm sai tới mức không sửa được, không chỉnh đốn được thì mời ra khỏi Đảng” – ông nhấn mạnh.

Có khó khăn nhất định sau 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM Nguyễn Tấn Phát, cho biết Điều lệ Đảng khóa XI năm 2011 đã góp phần to lớn trong việc thống nhất tư tưởng, tổ chức và hành động trong toàn Đảng, thực hiện được những mục tiêu mà Đảng đặt ra.

Ông cho rằng trước yêu cầu của thực tiễn, việc tổng kết, đánh giá 15 năm thi hành Điều lệ Đảng sẽ làm rõ những bất cập, khó khăn, vướng mắc, những bài học kinh nghiệm trong quá trình thi hành Điều lệ, đồng thời nhận diện, dự báo những điểm chưa rõ ràng, không còn phù hợp, hay còn thiếu….

Qua đó, để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Điều lệ Đảng là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, tại TP.HCM, trong những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn thi hành. Điều này đã tạo ra sự thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động trong toàn Đảng bộ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, trước những thay đổi không ngừng của thực tiễn, công tác thi hành Điều lệ Đảng tại các tổ chức đảng trong Đảng bộ TP đã gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Đồng thời, đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm, nhận diện và có các giải pháp khắc phục, đổi mới trong triển khai thực hiện, để góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, là yếu tố quyết định, đảm bảo lãnh đạo, quản lý và phát triển TP.HCM trong bối cảnh phát triển mới.

-----

15 năm, 247 đảng viên bị kỷ luật

Bà Hàng Thị Thu Nga, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân – Chính - Đảng TP.HCM, cho hay đội ngũ đảng viên của Đảng bộ Khối thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, hầu hết thể hiện rõ phẩm chất đảng viên, thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận đảng viên chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, chưa gương mẫu trong chấp hành quy định đảng, một số ít đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện.

Bà Nga cho biết từ năm 2011 đến nay, trong Đảng bộ Khối có khoảng 247 đảng viên bị thi hành kỷ luật. Trong thực hiện nguyên tắc phê bình và tự phê bình, bà Hàng Thị Thu Nga cho biết có nơi thực hiện chưa thường xuyên, có biểu hiện nể nang, ngại va chạm.

“Có nơi, có lúc chúng tôi thấy khen nhau là chủ yếu” – bà Nga nói và nhìn nhận việc phê bình và tự phê bình không chỉ là nguyên tắc của Đảng mà còn là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén cho đảng viên rèn luyện, giúp Đảng ngày càng tốt hơn.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/ong-pham-chanh-truc-nhieu-can-bo-dang-vien-thieu-tu-duong-dan-den-sai-pham-post808794.html