Ông Phạm Minh Chính đắc cử chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Chiều nay (26/7), Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết bầu ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 giữ chức Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bài liên quan
Đề cử ông Phạm Minh Chính để Quốc hội bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026
Hôm nay, Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng nhiệm kỳ mới
Ông Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
Tiếp theo công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, chiều nay (26/7), sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu về dự kiến nhân sự, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách và bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Sau khi có kết quả kiểm phiếu, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, với 95,99% đại biểu biểu quyết tán thành (479/479 đại biểu có mặt), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức trước quốc kỳ, Quốc hội và nhân dân, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp 2013.
Kết quả biểu quyết.
Thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và quốc dân, đồng bào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ghi nhận lời tuyên thệ, gửi lời chúc mừng, tặng hoa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sinh ngày 10/12/1958. Quê quán: Xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII, Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Ông Phạm Minh Chính từng kinh qua nhiều vị trí công tác: Bí thư thứ Ba, rồi thứ Hai tại Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani.
Công tác tại Bộ Công an, được bổ nhiệm Phó Tổng Cục trưởng Bộ Công an, từng là giảng viên đại học kiêm nhiệm với học hàm Phó Giáo sư. Tháng 4/2007 được phong quân hàm Thiếu tướng Công an Nhân dân.
Tháng 2/2010, được bổ nhiệm giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an. Tháng 7-2010, được thăng cấp bậc từ Thiếu tướng lên Trung tướng. Tháng 8-2010: Thứ trưởng Bộ Công an.
Tháng 1/2011: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.
Tháng 8/2011: Được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Tháng 4/2015: Được Bộ Chính trị điều động phân công giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Tháng 1/2016: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Phạm Minh Chính được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ông được bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 2/2016: Ông Phạm Minh Chính Được Bộ Chính trị quyết định phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng; giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Tháng 1/2021: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Phạm Minh Chính được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương, ông được bầu vào Bộ Chính trị.
Ngày 5/4/2021, Quốc hội chính thức bầu ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Ngày 26/7/2021, Quốc hội tiếp tục tín nhiệm bầu ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Một Thủ tướng Chính phủ hết lòng vì nước, vì dân
Ngày 5/4/2021, Quốc hội chính thức bầu ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã bắt tay ngay vào công việc, vừa xử lý những công việc cấp bách trước mắt, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép, vừa giải quyết những vấn đề chiến lược lâu dài, mang tính đột phá. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nỗ lực làm việc với tinh thần tận hiến, trách nhiệm cao nhất, không quản ngày đêm, tạo khí thế mới trong phát triển, truyền cảm hứng, động lực cho các cấp các ngành và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Hơn 100 ngày đầu tiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian, dành ưu tiên số 1 cho công tác phòng chống dịch trên tinh thần sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết và trước hết.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 56 văn bản về phòng chống dịch, chiếm đến 40,5% tổng số văn bản ban hành trong thời gian này. Trong đó có 44 thông báo kết luận, chiếm 63,7% tổng số thông báo được ban hành. Tinh thần là chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công, đặc biệt là nỗ lực thực hiện chiến lược vaccine.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận ra chỉ có tiêm chủng mới giúp đạt được miễn dịch cộng đồng, mới là giải pháp quyết định để chiến thắng đại dịch Covid-19. Qua đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết rất quan trọng, được nhân dân đánh giá cao. Đó là Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19.
Một cách nhanh chóng, quỹ vaccine được thành lập huy động sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài và cả bạn bè quốc tế với số tiền hơn 8.000 tỷ đồng ủng hộ đến thời điểm này. Cùng với đó, “chiến lược vaccine” cũng được cụ thể hóa bằng “ngoại giao vaccine”, được triển khai quyết liệt và đã đạt những kết quả rất tích cực. Tất cả hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho 75 triệu người dân từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 và bảo đảm đủ vaccine tiêm hằng năm cho nhân dân.
Theo các chuyên gia kinh tế, “chiến lược vaccine” có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế trong hiện tại và tương lai. Với sự bùng phát mạnh của dịch và biến chủng mới SARS-CoV-2, Chính phủ mới kiện toàn đã rất nhanh chóng chuyển hướng chống dịch theo nguyên tắc “5K + vaccine”. Đó là điều rất đúng đắn, nhanh chóng và thực tế.
Song hành với Nghị quyết 53/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cũng ra đời.
Với Nghị quyết 68, rút kinh nghiệm từ lần trước, gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng này đã tháo gỡ nhiều nút thắt, được đánh giá là “cuộc cách mạng” về thủ tục hành chính, tạo đột phá để người sử dụng lao động tiếp cận nhanh nhất với các chính sách hỗ trợ, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, san sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch theo phương châm không để lại ai phía sau, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, Chính phủ ban hành và thực hiện gói hỗ trợ mới cho người lao động và người sử dụng lao động rất nhanh chóng quyết liệt. Chính phủ đã nhiều lần thảo luận, thảo luận kỹ để những người yếu thế trong xã hội, người lao động tự do có thể nhận được hỗ trợ một cách nhanh chóng và thông thoáng nhất. Việc giải ngân gói 26.000 tỷ đã được triển khai ngay, nhiều người đã nhận được tiền. Các chính sách giãn, hoãn tiền thuế và sử dụng đất, chính sách giảm lãi suất ngân hàng, chính sách phân cấp, phân quyền cho các địa phương chống dịch… đều cho thấy sự hành động ngay, sâu sát. Thủ tướng cũng gắn trách nhiệm cá nhân cho các trưởng ngành vào những công việc cụ thể.
Có thể cảm nhận, Thủ tướng mới là quyết liệt và cụ thể. Tinh thần vào cuộc của Chính phủ mới kiện toàn là rất nhanh chóng. Các chính sách và hành động đã ban hành vừa có sự kế thừa, vừa có sự sáng tạo trong bối cảnh mới, chung quy là bám sát đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch.
Điều đó thể hiện, thành tích tăng trưởng 6 tháng đầu năm 5,64% không quá cao, nhưng là con số đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh. Các nền tảng kinh tế như xuất khẩu tăng hơn 28%, lạm phát thấp nhất trong 6 năm gần nhất, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng, thu hút FDI được gần 15 tỷ USD…