Ông Phạm Ngọc Lưu cần liên hệ với cơ quan quân sự địa phương

Trình bày với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Phạm Ngọc Lưu, trú tại thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cho biết: 'Tôi nhập ngũ tháng 6-1977; xuất ngũ tháng 5-1981 tại Đại đội 2, Tiểu đoàn 25, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3). Tôi đã bị thương hai lần, lần thứ nhất tại chiến trường Campuchia, tôi đã được giám định thương tật, kết luận tỷ lệ mất sức là 19%, tôi chưa được hưởng chế độ trợ cấp một lần.

Lần thứ hai tôi bị thương do lật xe trên đường hành quân ra Bắc. Tôi được đưa vào Bệnh viện huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cấp cứu và điều trị. Tháng 5-1981, tôi được đơn vị giải quyết chế độ chính sách trở về địa phương, trong khi chưa được giám định thương tật lần hai. Tôi đã nhiều lần làm đơn gửi các cấp chính quyền về thương tật và tình hình sức khỏe của mình, đề nghị được xem xét giải quyết chế độ thương binh nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm và giải quyết. Hiện nay sức khỏe tôi đã yếu, phải nằm viện liên tục do vết thương cũ tái phát. Hoàn cảnh gia đình cũng vô cùng khó khăn, tôi mong muốn được giải quyết chế độ và được hưởng các chế độ chính sách theo đúng quy định”.

Theo hồ sơ ông Phạm Ngọc Lưu cung cấp cho tòa soạn, Tiểu đoàn 25 và Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) trả lời tại Giấy xác nhận số 26/GXN-TĐ ngày 9-8-2017 và Công văn số 1116/SĐ-CT ngày 8-5-2017, xác định kiểm tra, đối chiếu danh sách nhưng không tìm thấy tên ông Lưu trong danh sách quân nhân bị thương và bị tai nạn đang lưu trữ tại đơn vị.

Hiện nay, việc xem xét hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh không chỉ căn cứ vào nội dung kê khai cá nhân, mà còn phải căn cứ vào các văn bản, giấy tờ có giá trị pháp lý theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Thông tư số 202/2013/TT-BPQ ngày 7-11-2013 của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn trình tự, thủ tục xác nhận; tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm Bộ Quốc phòng. Đối với các trường hợp có tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu mà bị thương nhưng không còn giấy tờ, thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTTL-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ.

Hiện nay, ông Phạm Ngọc Lưu đã mất hết giấy tờ có giá trị pháp lý, nhưng trên cơ thể còn mảnh kim khí hoặc có vết thương thực thể do bị thương trong quá trình chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu, đề nghị ông liên hệ với Ban CHQS huyện Hoa Lư hoặc Ban chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình để được xem xét, hướng dẫn lập hồ sơ theo quy định.

HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/theo-dau-don-thu/ong-pham-ngoc-luu-can-lien-he-voi-co-quan-quan-su-dia-phuong-580898