Ông Putin bác bỏ ý tưởng làm tổng thống vĩnh viễn
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ông không muốn nước Nga quay lại thời lãnh đạo Liên Xô cầm quyền cho đến khi qua đời mà không hề có chiến lược chuẩn bị người kế nhiệm.
Trước đó trong Diễn văn liên bang ngày 15.1, Tổng thống Putin quyết sửa Hiến pháp liên bang Nga, đã khiến có nhận định ông lên kế hoạch kéo dài thời gian cầm quyền của ông đến vĩnh viễn.
Không thể quay lại thời lãnh đạo cao tuổi tiếp tục cầm quyền
Ngày 18.1, nhân dịp ông Putin dự lễ kỷ niệm 77 năm ngày giải phóng thành phố Leningrad khỏi cuộc bao vây của quân phát xít Đức hồi Thế chiến 2, một cựu binh Hồng quân Liên Xô hỏi ông rằng liệu đã đến lúc bãi bỏ thời hạn nhiệm kỳ đối với tổng thống.
Ông Putin đáp rằng ông muốn tổng thống tương lai của Nga chỉ được có 2 nhiệm kỳ. Và ông bác bỏ ý tưởng tổng thống vĩnh viễn. Nhà lãnh đạo Nga nói: “Về thời hạn nhiệm kỳ tổng thống cầm quyền, tôi hiểu rằng có nhiều người lo ngại cho xã hội, quốc gia, sự ổn định trong nước và ở nước ngoài. Nhưng sẽ rất đáng ngại khi quay lại tình hình mà chúng ta từng trải qua hồi giữa những năm 1980, khi các lãnh đạo nhà nước, từng người một cầm quyền cho đến cuối đời của họ và rời khỏi văn phòng mà không bảo đảm các điều kiện cần thiết cho một cuộc chuyển giao quyền lực. Vì thế, xin cảm ơn, nhưng tôi cho rằng tốt nhất không nên quay lại tình hình đó”.
Tổng thống Putin tham quan các mô hình tưởng niệm trận đánh giải phóng Leningrad - Ảnh: AP
Theo Reuters, giai đoạn cuối của Liên Xô có nhiều lãnh đạo cao tuổi đã qua đời khi đang cầm quyền, gồm Leonid Brezhnev, Yuri Andropov và Konstantin Chernenko, và đều dẫn đến việc những người khác đấu đá để giành quyền lực.
Ông Putin từng là điệp viên KGB, đã có hơn 20 năm nắm quyền lực ở Nga, tức lâu hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nga hoặc Liên Xô nào, ngoại trừ Joseph Stalin, người nắm quyền lực ở Liên Xô suốt từ năm 1924 cho đến khi qua đời năm 1953.
Ông Putin từng là Tổng thống Nga qua hai nhiệm kỳ 4 năm (từ năm 2000 đến 2008 thì làm Thủ tướng Nga cho đến năm 2012 lại trúng cử tổng thống Nga với nhiệm kỳ 6 năm. Và theo Hiến pháp hiện nay, ông Putin sẽ phải về hưu, khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc năm 2024, lúc đó ông sẽ 71 tuổi.
Tuyên bố của ông Putin không cản phe đối lập cho rằng ông sẽ tìm ra cách tiếp tục giao tầm ảnh hưởng của ông, từ phía sau hậu trường với một vai trò mạnh mẽ khác. Thủ lĩnh phe đối lập Aexei Navalny luôn chống đối ông Putin, đã viết Twitter rằng ý đồ của nhà lãnh đạo 67 tuổi là “cầm quyền ở Nga cho đến khi ông ấy chết”.
Thủ lĩnh đối lập Navalny thường bị tù vì chống đối chính phủ Nga - Ảnh: TASS
Tại sao ông Medevev phải bất ngờ từ chức?
Ngay sau Diễn văn liên bang của ông Putin, Thủ tướng Dimitri Medvedev và các thành viên chính phủ từ chức, với lý do dọn đường cho ông Putin sửa Hiến pháp. Ông Medvedev được đề cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nhà nước.
Ông Putin cũng đề cử Cục trưởng ngành thuế liên bang Mikhail Mishustin làm Thủ tướng mới, và Hạ viện Nga mau chóng nhất trí phê chuẩn nhân vật vô danh này.
Tuy nhiên, hãng tin AP nêu ông Putin sa thải chính phủ của Thủ tướng Medvedev, vì lý thuyết kinh tế của họ đã tỏ ra không hiệu quả, và ông Medvedev đã không vực dậy được kinh tế Nga trong 5 năm qua. Nhiều nhiệm vụ cấp thiết của nước Nga và những ưu tiên do Tổng thống Putin đề ra trong các năm 2012 và 2018 đã không được hoàn thành.
Thời gian qua, Tổng thống Putin cũng từng chỉ trích chính phủ chậm khởi động một chương trình chi tiêu hạ tầng qui mô lớn vào năm 2019. Việc trì trệ này bị đổ lỗi là nguyên nhân khiến kinh tế Nga ì ạch trong năm qua. Chuyên gia Sergei Markov nói: “Ông Putin cần một chính phủ làm động lực cho phát triển kinh tế và ông Medvedev không làm việc hiệu quả”.
Trong thời gian đầu làm Tổng thống Nga, ông Putin xây dựng uy tín từ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, vào lúc giá dầu tăng cao giúp Nga thu nhiều ngoại tệ nhờ bán “vàng đen”. Nhưng khi giá dầu “rớt” trùng với việc phương Tây trừng phạt Nga (vì vụ sáp nhập Crimea), sự cải thiện cuộc sống ấy nay đã là chuyện quá khứ, thu nhập của dân Nga vẫn thấp như hồi năm 2013.
Trong Diễn văn liên bang, ông Putin cho biết quyết định sửa Hiến pháp có thể dẫn đến thành tích tăng trưởng GDP 5% cho nước Nga vào năm 2024.
Tân Thủ tướng Mishustin thì hứa chú ý các vấn đề xã hội, cải thiện chất lượng sống cho nhân dân: “Tổng thống muốn chính phủ đi đầu trong việc phát triển kinh tế và giúp tạo ra việc làm mới. Nâng cao thu nhập thật cho nhân dân là mục tiêu trọng tâm của chính phủ”.
Người Nga hiện chờ xem bộ trưởng nào sẽ còn giữ chức trong chính phủ mới.
Tân Thủ tướng Nga Mishustin - Ảnh: AP
Ông Putin xử lý tình trạng xung đột nội bộ, nhóm lợi ích?
Trong khi đó, báo Guardian nêu ông Putin và người thân cận giữ kín bí mật cải tổ chính phủ cho đến phút chót, khi các bộ trưởng được mời dự một cuộc họp đột xuất hôm 15.1, nơi mà họ nhận chỉ đạo tất cả phải từ chức.
Nhà phân tích chính trị Konstantin Gaaze ở Moscow nói: “Chính phủ Nga hoàn toàn bị sốc. Họ không biết đã có sự chuẩn bị cho họ từ chức, dù họ được mời dự cuộc họp với Tổng thống và Thủ tướng”.
Và ông Putin còn có một đích nhắm khác: quản lý cuộc xung đột sôi sục giữa các bè phái và những nhóm lợi ích xung quanh ông, là những người đang nỗ lực tìm ảnh hưởng một khi ông Putin rời khỏi Điện Kremlin vào năm 2024.
Vụ bất đồng nội bộ nổi bật nhất là vào năm 2017, đích thân ông Igor Sechin (lãnh đạo tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft) dàn xếp bẫy đưa hối lộ để cựu Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Alexei Ulyukayev bị bắt quả tang. Ulyukayev hiện ở tù với bản án 8 năm tù.
Các cuộc xung đột cấp nhỏ hơn cũng xảy ra trong các cơ quan an ninh Nga. Ông Yevgeny Minchenko, chủ nhiệm Viện Quốc tế chuyên đề Chính trị, nói: “Trong năm qua, chúng tôi đã chứng kiến những vụ xung đột đó, kể cả trong FSB”, tức Cơ quan An ninh liên bang Nga.
Ông còn mô tả cán cân quyền lực này “phức tạp”, vì có nhiều nhóm lợi ích. Các nhân vật có ảnh hưởng gồm ông Sechin; Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu; Chủ tịch Hạ viện Vyacheslav Volodin; Chủ tịch Hội đồng An ninh Nhà nước Nikolai Patrushev; thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin.
Ông Minchenko còn nói có các cố vấn không chính thức của ông Putin và họ là “thủ lĩnh nhiều phái đầy quyền lực”, gồm các doanh nhân Yuri Kovalchuk, Arkady Rotenberg và Gennady Timchenko.
Trong môi trường đấu đá đó, việc chọn một nhân vật trung lập - ông Mishustin - làm thủ tướng - không phát đi một thông điệp chính trị nào, theo nhà khoa học chính trị Yekaterina Schulmann ở Moscow.
Ông Mishustin nổi tiếng là một nhà kỹ trị trung thành, một người ngoài cuộc vì không thuộc đảng phái nào. Ông không có kinh nghiệm chính trị, không nổi tiếng với cử tri Nga, thậm chí không thuộc nhóm thân cận ông Putin, theo bà Tatiana Stanovaya, người lập dự án phân tích chính trị R.Politik và là một thành viên Trung tâm Carnegie Moscow.
Ông Andrei Kolesnikov, chủ nhiệm Chương trình Các thể chế chính trị và Chính trị nội địa Nga (thuộc Trung tâm Carnegie Moscow), nhắc một cựu quan chức thuế, ông Mikhail Fradkov cũng là một người ngoài cuộc khi được ông Putin chỉ định làm thủ tướng hồi năm 2004. Và chính ông Putin cũng là một lựa chọn bất ngờ, khi Tổng thống Yeltsin chỉ định ông làm thủ tướng năm 1999. Đến đầu năm 2000 thì ông Putin thay ông Yeltsin làm Tổng thống Nga.
Mỹ Trinh (theo Reuters, AP)