Ông Putin đã dạy cho Thổ Nhĩ Kỳ một bài học đắt giá: Đừng liều lĩnh đụng đến 'sân nhà' của Nga!
Thỏa thuận hòa bình ngày 9/11 giữa Azerbaijan và Armenia không đề cập gì đến Thổ Nhĩ Kỳ và không đưa ra bất cứ vai trò nào cho nước này là một thất bại nặng nề đối với Ankara.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga lên đường làm nhiệm vụ ở Nagorno-Karabak
Azerbaijan và Armenia đã đồng ý chấm dứt các hành động thù địch ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh theo một thỏa thuận do Nga bảo trợ bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ là nước đóng vai trò chính hỗ trợ quân sự cho Azerbaijan.
Thỏa thuận được công bố vào rạng sáng ngày 10/11 cho phép Azerbaijan giữ lại các địa bàn ở Nagorno-Karabakh mà họ đã chiếm lĩnh trong các cuộc đụng độ xảy ra từ ngày 27/9, đồng thời yêu cầu Armenia trao trả một số khu vực lân cận trong vài tuần tới.
Theo thỏa thuận, địa bàn Agdam và những khu vực do Armenia kiểm soát ở Kazak sẽ được trao trả cho Azerbaijan trước ngày 20/11.
Bên cạnh đó, một lực lượng gìn giữ hòa bình Nga gồm 1.960 binh sĩ, 90 xe bọc thép cùng 380 phương tiện và thiết bị đặc biệt khác cũng sẽ được triển khai dọc giới tuyến ở Nagorno-Karabakh và hành lang Lachin, trục đường chính từ Nagorno-Karabakh đến Armenia trong thời gian 5 năm tới và sẽ tự động gia hạn nếu không bên nào phản đối trước 6 tháng.
Một số vùng đất nữa mà Armenia cũng sẽ phải trả lại cho Azerbaijan, gồm Kalbajar, bàn giao vào ngày 15/11 và khu vực Lachin, bàn giao vào ngày 1/12, ngoại trừ hành lang Lachin rộng 5 km.Shusha - thành phố lớn thứ hai ở Nagorno-Karabakh mà lực lượng Azerbaijan chiếm giữ vào ngày 8/11 sẽ vẫn thuộc quyền quản lý của Baku.
Một con đường mới nối Stepanakert - thành phố lớn nhất và cũng là thủ phủ của Nagorno-Karabakh, với Armenia sẽ được xây dựng trong ba năm trên hành lang Lachin.
Tổng thống Putin đã dạy cho Thổ Nhĩ Kỳ một bài học đắt giá!
Sau khi thỏa thuận hòa bình Nagorno-Karabakh được ký kết, một câu hỏi quan trọng được giới quan sát đặt ra là thực tế nước nào đã là bên giành chiến thắng?
Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ có thể là những nước đã giành chiến thắng trên thực địa nhưng Nga và Azerbaijan lại được đánh giá là bên giành chiến thắng trên bàn đàm phán.
Lợi ích ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ ở đây dường như không rõ ràng. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã đề cập đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giám sát lệnh ngừng bắn nhưng Moscow lập tức khẳng định rằng chỉ có lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ được triển khai ở Nagorno-Karabakh.
Đối với Moscow, thỏa thuận ngày 9/11 đã giúp hiện thực hóa đề xuất năm 2018 của Nga trong việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Nagorno-Karabakh vốn từng bị từ chối vào thời điểm đó.
Điều này đồng nghĩa với việc Nga đã giành được quyền kiểm soát đối với khu vực đông dân và phát triển kinh tế nhất ở Nagorno-Karabakh và chấm dứt tình trạng Armenia coi đây như một vùng lãnh thổ do họ quản lý.
Còn với Thổ Nhĩ Kỳ thì sao? Sự hỗ trợ về mặt quân sự của Ankara cùng với vũ khí của Israel đã giúp Azerbaijan giành lợi thế trên chiến trường. Tuy nhiên, nền ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ dường như không có nhiều tiếng nói trên bàn đàm phán.
Bằng cách giúp đỡ Azerbaijan, Ankara đã đẩy Yerevan “vào vòng tay” của Nga. Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ đã vô tình giúp Nga đưa Thủ tướng Armenia Pashinyan, người vốn thân thiện với phương Tây kể từ khi ông lên nắm quyền sau “cuộc cách mạng nhung” năm 2018, vào vòng cương tỏa của Moscow.
Hơn nữa, hành lang dự kiến từ Nakhchivan, nơi có đường biên giới nhỏ tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, đến đất liền Azerbaijan cũng sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Nga, qua đó làm giảm hy vọng của Ankara trong việc sử dụng tuyến đường này như một cửa ngõ để tăng cường ảnh hưởng của mình ở Azerbaijan và Trung Á.
Việc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai và các tuyến giao thông quan trọng đối với cả hai bên (giữa Armenia và Nagorno-Karabakh, và giữa Azerbaijan với Nakhchivan) cũng đặt dưới sự giám sát của Nga sẽ cho phép Moscow giữ cả nước trong vùng ảnh hưởng của mình.
Nội dung trong thỏa thuận đình chiến ngày 9/11 không đề cập gì đến Thổ Nhĩ Kỳ và không đưa ra bất kỳ vai trò nào cho nước này là một thất bại nặng nề đối với Ankara.
Tìm cách giải quyết xung đột bằng các biện pháp quân sự và trực tiếp hỗ trợ cho Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ được tham gia vào một tiến trình hòa bình mới dưới hình thức nào đó nhằm củng cố được vị thế của mình trong khu vực nhưng viễn cảnh đó đã không diễn ra.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin đã thể hiện để Ankara tin rằng một kịch bản như vậy có thể là hiện thực cho tới tận giây phút cuối cùng (bằng chứng là các cuộc tiếp xúc song phương Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, ở nhiều cấp độ khác nhau, đã được đẩy mạnh trong những ngày gần đây).
Việc Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đề cập đến “sứ mệnh hòa bình chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ” và gửi lời cảm ơn tới người đồng cấp Recep Tayyip Erdoğan trong cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin sau khi tuyên bố được ký kết chỉ nên được hiểu như một động thái “thể hiện phép lịch sự”.
Có vẻ như, việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào cấu trúc an ninh mới ở khu vực xung đột, nếu diễn ra trong tương lai, cũng sẽ chỉ mang tính biểu tượng và sẽ phụ thuộc vào sự hiện diện của các quan sát viên quân sự ở trung tâm kiểm soát lệnh ngừng bắn, nhưng vẫn do Nga điều hành.