Ông Putin: Nga sẽ tuyên bố bất ngờ về chiến dịch phản công của Ukraine
Người đứng đầu Điện Kremlin cho biết Nga sở hữu đủ bom, đạn chùm để đáp trả trong trường hợp Ukraine sử dụng loại vũ khí này.
Theo đài RT, trả lời phỏng vấn truyền thông Nga hôm 16/7, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định cuộc phản công của Ukraine đã không đạt được thành công sau hơn một tháng phát động.
Ông Putin ca ngợi quân đội Nga “anh hùng”, nhấn mạnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow vẫn diễn ra “tích cực”. “Tất cả nỗ lực của đối phương nhằm chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga… kể cả thông qua việc sử dụng lực lượng dự bị chiến lược đều thất bại trong suốt cuộc phản công. Đối phương vẫn chưa thành công” - Tổng thống Putin nói.
Theo người đứng đầu Điện Kremlin, quân đội Nga đang tấn công ở một số khu vực trên chiến tuyến và đang “chiếm lấy những vị trí thuận lợi nhất”.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Ukraine chịu tổn thất nặng nề và thậm chí không thể tiếp cận tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga trên hầu hết các mặt trận. Bộ này cũng công bố nhiều video cho thấy các thiết bị quân sự hạng nặng của Ukraine bị hư hại hoặc bị phá hủy, bao gồm cả xe tăng và xe chiến đấu bộ binh do phương Tây sản xuất.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine mất 26.000 người khi tiến quân qua các bãi mìn và không có sự hỗ trợ của không quân trong cuộc phản công.
Các phương tiện truyền thông phương Tây cũng thừa nhận những tổn thất nặng nề của quân đội Ukraine. Tờ Forbes mô tả đó là "thảm họa", trong khi tờ New York Times cho rằng quân đội Ukraine đã mất 20% số thiết bị tham chiến trong hai tuần đầu tiên của chiến dịch phản công.
Theo Tổng thống Putin, các lực lượng Nga đã phá hủy 311 xe tăng Ukraine kể từ ngày 4/6. “Tôi tin rằng ít nhất một phần ba trong số đó là xe tăng do phương Tây sản xuất, bao gồm cả Leopards" - ông cho hay.
Kiev đổ lỗi các nước phương Tây khiến tốc độ phản công diễn ra chậm. Hồi tháng 6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng việc phương Tây do dự trong cung cấp thêm vũ khí cho Kiev khiến chiến dịch phản công diễn ra chậm.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cảnh báo không nên ảo tưởng về chiến dịch phản công của Ukraine, đó sẽ là chiến dịch “khó khăn” và “đẫm máu”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Nga Putin nêu quan điểm khi Mỹ quyết định cung cấp cho Ukraine bom, đạn chùm - loại vũ khí bị cấm ở hơn 100 quốc gia.
Ông nêu rõ: “Cách đây một thời gian, thông qua các quan chức của mình, bản thân chính quyền Mỹ cũng đã đưa ra đánh giá về những loại vũ khí này… Họ gọi việc sử dụng chúng là một tội ác. Tôi nghĩ nên xem xét sự việc theo cách đó”.
Tổng thống Nga dường như đề cập đến tuyên bố của cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hồi cuối tháng 2/2022, vài ngày sau khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine. Bà Psaki đã nói rằng việc sử dụng các loại vũ khí gây tranh cãi nói trên có thể bị coi là tội ác chiến tranh
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cho rằng Mỹ phải quyết định cung cấp đạn chùm do Ukraine thiếu đạn dược, và mức tiêu thụ đạn dược của Kiev đã vượt xa kho dự trữ hiện tại của phương Tây.
Nga sẽ đáp trả nếu Ukraine sử dụng bom chùm
Đồng thời, Tổng thống Putin cũng tuyên bố Nga sở hữu đủ bom, đạn chùm để đáp trả trong trường hợp Ukraine sử dụng loại vũ khí này.
Ông Putin cảnh báo: "“Nga có đủ kho các loại bom, đạn chùm khác nhau... Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa sử dụng. Chúng tôi không cần phải làm vậy dù có thiếu đạn dược trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu họ sử dụng loại vũ khí này để chống lại chúng tôi, chúng tôi có quyền đáp trả tương xứng".
Đầu tháng này, Washington công bố quyết định gửi bom chùm tới Kiev. Các quan chức Mỹ mới đây xác nhận rằng loại đạn gây tranh cãi đã tới Ukraine.
Bom chùm giải phóng một số lượng lớn bom nhỏ trên một khu vực rộng khi chúng phát nổ. Bom, đạn con thường không phát nổ ngay, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho dân thường trong nhiều năm sau khi giao tranh kết thúc.
Nhiều đồng minh của Washington cũng bày tỏ quan ngại về động thái mới, trong khi Moscow chỉ trích mạnh mẽ. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov, gọi đó là "cử chỉ tuyệt vọng". Ông cũng cáo buộc các nhà hoạch định chính sách Mỹ "phớt lờ những lập luận về sự vô nhân đạo" của vũ khí này và "nhắm mắt làm ngơ trước thương vong của dân thường".