Ông Putin phản đối yếu tố bên ngoài trong tranh chấp biên giới Ấn Độ-Trung Quốc
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là những 'nhà lãnh đạo có trách nhiệm' có khả năng tự mình giải quyết tranh chấp biên giới đang diễn ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phản đối yếu tố bên ngoài trong tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc - Ảnh: AFP
Bài liên quan
Ông Putin nói người nước ngoài có thể đến Nga tiêm vắc xin trả phí
Ông Putin cáo buộc Mỹ muốn 'ghìm chân' Nga trước cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Biden
Cuộc gặp thượng đỉnh Biden - Putin đầu tiên diễn ra tại Geneve vào tháng 6
"Đúng, tôi biết rằng có một số vấn đề liên quan đến quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc nhưng luôn có rất nhiều vấn đề giữa các nước láng giềng. Tôi biết thái độ của cả Thủ tướng Ấn Độ và cả Chủ tịch Trung Quốc nữa", Tổng thống Nga nói trong một cuộc họp báo trực tuyến.
Ông Putin đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF) vào thứ Sáu (4/6). Tổng thống Nga đã trả lời yêu cầu nhận xét về tình trạng bế tắc biên giới Ladakh đang diễn ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc của hãng thông tấn Ấn Độ Press Trust of India (PTI).
“Họ (Modi và Tập) là những người rất có trách nhiệm và họ nghiêm túc đối xử với nhau bằng sự tôn trọng tối đa, và tôi tin rằng họ sẽ luôn đi đến giải pháp cho bất kỳ vấn đề nào mà họ có thể gặp phải”, ông nói.
"Nhưng điều quan trọng là không có cường quốc ngoài khu vực nào khác can thiệp vào điều đó", Tổng thống Nga cảnh báo.
Xung đột biên giới đang diễn ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới Ladakh tranh chấp là cuộc chiến đẫm máu nhất giữa hai cường quốc châu Á kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Hai bên hiện đang trong giai đoạn rút quân khỏi các khu vực tranh chấp và đã tổ chức 10 vòng đàm phán cấp chỉ huy quân sự để chấm dứt tranh chấp kéo dài một năm.
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump đã đề nghị hai lần riêng biệt để làm trung gian hòa giải trong bế tắc biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đang diễn ra đặc biệt căng thẳng.
“Chúng tôi đã thông báo cho cả Ấn Độ và Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng, sẵn lòng để có thể hòa giải hoặc phân xử tranh chấp biên giới đang bùng phát của họ”, cựu Tổng thống Mỹ cho biết hồi tháng 5 năm ngoái.
Lời đề nghị vào thời điểm đó đã bị New Delhi từ chối một cách nhẹ nhàng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi đang tham gia với phía Trung Quốc để giải quyết vấn đề này một cách hòa bình”.
Trả lời bình luận của ông Trump, Trung Quốc nói rằng họ không cần bất kỳ sự can thiệp nào của "bên thứ ba" vào bế tắc ở biên giới.
“Chúng tôi có khả năng giải quyết hợp lý các vấn đề giữa chúng tôi thông qua đối thoại và tham vấn”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn được Trump nhắc lại lời đề nghị hòa giải của mình vào tháng 9 năm 2020. “Tôi biết rằng hiện nay Trung Quốc và Ấn Độ đang gặp khó khăn và rất rất rất khó khăn. Và, hy vọng, họ sẽ có thể giải quyết được điều đó. Nếu chúng tôi có thể giúp đỡ, chúng tôi rất muốn giúp đỡ", ông nói trong cuộc họp báo chính phủ tại Nhà Trắng.
Trong khi cả Ấn Độ và Trung Quốc đều từ chối để Mỹ tham gia vào tranh chấp của họ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Subramaniam Jaishankar đã gặp nhau tại Moscow bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tháng 9 năm ngoái. Cuộc gặp giữa hai bộ trưởng là cuộc thảo luận trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa Ấn Độ và Trung Quốc kể từ khi nổ ra xung đột biên giới vào tháng 5 năm ngoái.
Tổng thống Nga, Thủ tướng Ấn Độ và Chủ tịch Trung Quốc trong một cuộc gặp thượng đỉnh - Ảnh: Worldnews
Putin để ý nhóm Quad
Trong cuộc tiếp xúc với hãng thông tấn Ấn Độ, Tổng thống Putin cũng cân nhắc về nhóm Quad, một liên minh không chính thức bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Tổng thống Nga từ chối bình luận về mức độ mà một quốc gia nên tham gia vào một sáng kiến và họ nên xây dựng quan hệ với các quốc gia khác ở mức độ nào. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “không có quan hệ đối tác nào nhằm mục đích kết bạn chống lại bất kỳ ai”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov năm ngoái đã mô tả Quad là một chính sách "quanh co" của Mỹ nhằm lôi kéo Ấn Độ tham gia vào "trò chơi chống Trung Quốc".
“Ấn Độ hiện là đối tượng của chính sách kiên trì, hiếu chiến và quanh co của các nước phương Tây khi họ đang cố gắng tham gia vào các trò chơi chống Trung Quốc bằng cách thúc đẩy các chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, cái gọi là Quad, trong khi cùng lúc đó phương Tây cố gắng làm suy yếu quan hệ đối tác chặt chẽ và đặc quyền của chúng tôi với Ấn Độ”, Ngoại trưởng Lavrov cho biết tại Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai, một sự kiện được tổ chức bởi tổ chức tư vấn của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC) có trụ sở tại Moscow.
Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại lời chỉ trích của ông về nhóm Quad trong chuyến thăm hai ngày tới Ấn Độ vào tháng 4 năm nay, nói rằng cả New Delhi và Moscow đều tin rằng một "liên minh châu Á giống NATO có thể phản tác dụng".
Trung Quốc cũng thường cáo buộc nhóm Quad là một sáng kiến “do Mỹ dẫn đầu” nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.