Ông Putin xin lỗi về phát ngôn tranh cãi của Ngoại trưởng Lavrov
Tổng thống Nga đã xin lỗi Thủ tướng Israel về nhận xét gây tranh cãi của Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov.
Theo đài RT (Nga), Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết ngày 5/5 Tổng thống Putin đã đưa ra lời xin lỗi trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Naftali Bennett về những phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ngoại trưởng Lavrov đã có những bình luận gây tranh cãi vào cuối tuần trước, cho rằng Adolf Hitler có thể có tổ tiên là người Do Thái và một số người bài Do Thái "hăng hái nhất" cũng là người Do Thái.
Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết: "Thủ tướng chấp nhận lời xin lỗi của Tổng thống Putin về phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov và cảm ơn ông ấy đã làm rõ thái độ của mình đối với người dân Do Thái và ký ức về thảm họa diệt chủng".
Mặc dù bản ghi cuộc hội đàm do cơ quan báo chí Điện Kremlin công bố không đề cập đến lời xin lỗi, nhưng nó cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của các lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng sắp tới "đối với người dân của cả hai nước, những người cẩn thận giữ gìn sự thật lịch sử về các sự kiện của những năm đó và tôn vinh ký ức của tất cả những người đã ngã xuống, bao gồm cả những nạn nhân thảm họa Holocaust."
“Tổng thống Nga kể lại rằng trong số 6 triệu người Do Thái bị tra tấn trong các khu 'ghetto' (khu vực sinh sống của người Do thái) và trại tử thần hay bị Đức quốc xã giết hại trong các chiến dịch trừng phạt, 40% là công dân Liên Xô”, Cơ quan báo chí Điện Kremlin lưu ý. “Đổi lại, [Thủ tươngs] Naftali Bennett nêu bật đóng góp quyết định của Hồng quân trong Chiến thắng Chủ nghĩa Quốc xã.”
Cuộc tranh cãi quốc tế đã nổ ra sau phát ngôn của nhà ngoại giao hàng đầu Nga hôm 1/5 khi ông chia sẻ với hãng truyền thông Mediaset của Italy. Ngoại trưởng Lavrov khẳng định "phi hạt nhân hóa" Ukraine vẫn là một trong những mục tiêu chính của chiến dịch quân sự đang diễn ra nhằm vào Ukraine. Một phóng viên sau đó đề cập rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là người Do Thái, khiến ông Lavrov đưa ra nhận xét gây tranh cãi. Nhà ngoại giao Nga cho rằng Hitler "có dòng máu Do Thái trong người", và "những người Do Thái khôn ngoan nói rằng những người bài Do Thái hăng hái nhất thường là người Do Thái."
Trước khi được giải quyết ở cấp cao nhất, phát ngôn trên đã dẫn đến một cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Nga và Israel. Người đồng cấp Israel của ông Lavrov, Ngoại trưởng Yair Lapid, đã lên án mạnh mẽ những phát ngôn đó và yêu cầu một lời xin lỗi.
“Phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov vừa là một tuyên bố không thể tha thứ và phiến diện cũng như là một sai lầm khủng khiếp về lịch sử”, ông Lapid nói. “Người Do Thái không giết hại chính họ trong thảm họa Holocaust. Mức độ phân biệt chủng tộc thấp nhất đối với người Do Thái là buộc tội chính người Do Thái theo chủ nghĩa bài Do Thái”.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Lapid cũng đã khiến Bộ Ngoại giao Nga phản hồi, trong đó đưa ra “những ví dụ bi thảm về sự hợp tác giữa người Do Thái và Đức quốc xã” trong suốt thời kỳ Holocaust, có đề cập đến cái gọi là 'Judenrats' – tức các hội đồng Do Thái được thành lập ở các “ghetto”, báo cáo thông tin cho Đức quốc xã. Hơn nữa, theo phía Nga, tổ tiên Do Thái của bất kỳ tổng thống nào cũng không thể là sự đảm bảo chống lại những phần tử theo chủ nghĩa tân phát xít đang ngóc đầu dậy.
Nga đã mở chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2 với mục tiêu “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine.
Israel bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine sau khi Nga tấn công vào nước này hồi tháng 2, nhưng vẫn cảnh giác để tránh tổn hại quan hệ với Nga. Tel Aviv ban đầu tránh chỉ trích trực tiếp Moskva và không thực thi các biện pháp trừng phạt chính thức đối với các nhà tài phiệt Nga. Tuy nhiên, mối quan hệ đã trở nên căng thẳng hơn, với việc Ngoại trưởng Lapid vào tháng trước lên án hành động của Nga ở Ukraine.