“Để giải quyết tình hình nhân đạo khó khăn ở thành phố này, các tay súng dân tộc chủ nghĩa Ukraine phải ngừng kháng cự và hạ vũ khí”, Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Thông báo của điện Kremlin cho biết thêm rằng, ông Putin đã cung cấp cho ông Macron “thông tin chi tiết về các biện pháp mà quân đội Nga thực hiện để hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp và đảm bảo việc sơ tán an toàn” dân thường khỏi Mariupol.
Tuyên bố của tổng thống Nga được đưa ra sau khi ông đồng ý xem xét kế hoạch của Pháp về việc sơ tán công dân ra khỏi thành phố miền Nam Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày 30/3 đã thông báo lệnh ngừng bắn trong ngày 31/3 để cho phép dân thường sơ tán khỏi Mariupol.
Một hành lang nhân đạo từ Mariupol đến Zaporizhzhia, qua cảng Berdiansk do Nga kiểm soát, sẽ được mở từ 10h sáng 31/3/2022 (14h Hà Nội).
"Để hoạt động nhân đạo này thành công, chúng tôi đề xuất thực hiện với sự tham gia trực tiếp của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC)", theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga.
Nga yêu cầu Kiev đảm bảo "sự tôn trọng vô điều kiện" đối với lệnh ngừng bắn thông qua thông báo bằng văn bản cho phía Nga, UNHCR và ICRC trước 6h (10h Hà Nội) ngày 31/3.
Moscow cũng yêu cầu quân đội Ukraine cam kết đảm bảo an ninh cho các đoàn xe buýt dọc theo hành lang quy định.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, họ đã đồng ý với đề xuất từ Kyiv về việc mở 4 hành lang nhân đạo mới từ Mariupol đến Zaporizhzhia trong 24 giờ qua.
Ước tính 160.000 người đang bị mắc kẹt tại Mariupol, thành phố ở miền Nam Ukraine đang bị quân đội Nga vây hãm trong suốt nhiều tuần nay.
Hình ảnh trận địa pháo của quân đội Nga đang hướng về thành phố Mariupol của Ukraine.
Tình hình của người dân tại đây đang ngày càng khó khăn khi họ phải sống trong điều kiện thiếu nhiệt, điện, nước và thức ăn vì thành phố bị tàn phá nặng nề.
Theo ISW, quân Nga bắt đầu xâm nhập trung tâm thành phố Mariupol từ ngày 24/3. “Lực lượng Nga nhiều khả năng sẽ chiếm Mariupol hoặc buộc thành phố đầu hàng trong những tuần tới”, trung tâm này nhận định.
Thị trưởng Mariupol Vadym Boychenko cho biết thành phố đang bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo và cần sơ tán toàn bộ người dân.
Hiện thành phố cảng Mariupol là một trong những địa điểm xảy ra giao tranh dữ dội nhất giữa các lực lượng Ukraine và Nga.
Chính quyền thành phố cho biết, hơn 80% cơ sở hạ tầng của Mariupol đã bị hư hại, một số bị phá hủy hoàn toàn.
Quân đội Nga bắt đầu khép vòng vây ở Mariupol từ ngày 1/3/2022, nhưng vấp phải sức kháng cự quyết liệt của các lực lượng phòng thủ trong thành phố. Sau ba tuần vây hãm, lực lượng Nga hôm 21/3 ra tối hậu thư, yêu cầu các đơn vị bảo vệ Mariupol hạ vũ khí đầu hàng.
Ukraine đã bác bỏ tối hậu thư này, khiến chiến sự tăng nhiệt ngay sau đó. Hội đồng thành phố Mariupol ngày 22/3 cho biết, "hai quả bom siêu mạnh" đã phát nổ và làm rung chuyển cả khu vực, giữa lúc các nỗ lực sơ tán dân thường đang diễn ra.
"Đối phương muốn xóa sổ và biến Mariupol thành tro", hội đồng thành phố ra thông cáo cho hay, nhưng không cho biết thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng.
Theo giới chuyên gia, nếu để mất quyền kiểm soát Mariupol, Ukraine sẽ phải hứng chịu đòn giáng nặng nề về kinh tế. Chiếm được Mariupol cũng sẽ là thắng lợi mang ý nghĩa biểu tượng đối với Nga, trong bối cảnh lực lượng này tiến quân chậm chạp ở nhiều khu vực khác khắp Ukraine.
"Mariupol mang ý nghĩa thiết thực lẫn biểu tượng đối với Nga", Andrii Ianitskyi, chuyên gia tại Đại học Kinh tế Kiev, nhận xét.
Thành phố trên bờ Biển Azov này án ngữ hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea với Donbass, vùng ly khai ở miền đông Ukraine.
"Đó là một thành phố cảng lớn và là căn cứ của các lực lượng vũ trang Ukraine. Vì thế, nếu Nga muốn tạo một hành lang trên đất liền từ Donbass đến Crimea, họ cần phải kiểm soát thành phố này", Andrii Ianitsky nói.
Mariupol nằm cách vùng lãnh thổ ly khai do Nga hậu thuẫn ở Donbas khoảng 30 km.
Theo giáo sư Alex Bellamy từ Viện Nghiên cứu Xung đột và Hòa bình tại Đại học Queensland, Australia, Mariupol hiện nằm trên nhiều hướng tiến công của quân đội Nga.
"Mục tiêu chiến lược của Nga dường như là hội quân giữa lực lượng từ Crimea với mũi tiến công từ Donbass, tạo thành một vùng lãnh thổ liền mạch do Nga kiểm soát dọc bờ biển phía đông nam Ukraine", ông nhận xét. "Vị trí của Mariupol rõ ràng là cản trở mục tiêu đó".
Giáo sư Đại học Sydney Emeritus Graeme Gill, chuyên gia về chính trị Nga, cho rằng khi kiểm soát được Mariupol, Nga có thể thiết lập hành lang đất liền từ Nga tới Crimea với khả năng tiếp cận thuận lợi hơn.
"Nếu một hành lang như vậy được thiết lập và duy trì, nó sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận của Nga tới Crimea, vốn hiện tại chỉ thông qua đường biển cùng một cây cầu ở eo biển Kerch", ông nói.
Mặt khác, Mariupol là một trung tâm luyện kim, sản xuất máy móc hạng nặng và sửa chữa tàu biển. Các nhà máy thép lớn nhất Ukraine thuộc sở hữu của tập đoàn luyện kim hàng đầu đất nước Metinvest đều nằm ở Mariupol. Một trong số chúng, Azovstal, đã bị hư hại nặng do giao tranh trong tuần qua.
Mariupol cũng sở hữu cảng thương mại lớn nhất trên biển Azov, nơi Ukraine xuất khẩu ngũ cốc, sắt thép và máy móc hạng nặng. Năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Ukraine khởi hành từ cảng Mariupol chủ yếu đến các nước châu Âu và Trung Đông như Italy, Lebanon hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Cảng Mariupol bị ảnh hưởng đáng kể sau khi xung đột nổ ra ở miền đông Ukraine hồi năm 2014, do mất đi lượng hàng hóa quá cảnh từ các thị trường cũ, trong đó có cả Nga. Sau khi sáp nhập Crimea vào lãnh thổ, Nga đã xây dựng cây cầu nối bán đảo này với đất liền.
Việt Hùng