Ông Sáu Dân trong lòng người dân Tứ giác Long Xuyên
Dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giờ vẫn được khắc ghi trong cuộc sống của mỗi người dân An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Tứ giác Long Xuyên trước đây là một vùng hoang hóa, được ví như "túi phèn" của ĐBSCL. Với tầm nhìn xa trông rộng, dám nghĩ dám làm, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà người dân vùng này quen gọi là bác Sáu Dân đã chủ trương cho đào mới hệ thống kênh T4, T5, T6 tháo chua rửa phèn, thoát lũ ra biển Tây, khai mở vùng Tứ giác Long Xuyên. Từ cuộc sống bấp bênh, giờ đây hàng triệu cư dân vùng này đã an cư lạc nghiệp.
Ông Trần Văn Khởi, nông dân ở xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn cho biết, trước đây vùng này trũng, đất bị nhiễm phèn nặng từ bao đời; với 6 tháng đồng khô cỏ cháy, 6 tháng nước ngập trắng đồng, mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa, rất bấp bênh. Từ khi có tuyến kênh T5, hay còn được gọi là kênh Ông Kiệt, nhờ nước ngọt của dòng kênh mà màu vàng úa của đồng phèn, màu xám xịt của cỏ lác, cỏ năn ngày nào, nay đã được thay bằng cánh đồng lúa bạt ngàn đầy sức sống; giúp người dân nơi đây an cư lạc nghiệp.
Ông Trần Văn Khởi xúc động: “Đất này hồi trước nhiễm phèn rất nặng. Nhờ có đào kênh sẻ thẳng là kênh T5, kênh của ông Kiệt đào vô tới trong này, giờ phèn đã hết, đất phì nhiêu và tốt, nơi nào bây giờ làm cũng có ăn, nhân dân rất phấn khởi vui mừng”.
Người dân vùng Tứ giác Long Xuyên không thể quên công lao to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người có công lớn trong việc đánh thức vùng đất bưng biền. Từ việc người dân sản xuất mỗi năm chỉ 1 vụ bấp bênh, nay đã sản xuất một năm 2-3 vụ lúa, năng suất tăng từ 2 tấn lên 7 đến 8 tấn/1ha. Từ cuộc sống bấp bênh, giờ đây hàng triệu cư dân vùng lũ này đã an cư lạc nghiệp, không ít người đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có tầm nhìn xa trông rộng, dám nghĩ dám làm. Chỉ trong vòng 3 năm, 1997 đến 1999, ông Kiệt đã cho thi công hoàn thành hệ thống kênh T4, T5, T6, từ đó làm "thức tỉnh" cả một vùng đất hoang hóa với hàng trăm ngàn ha, xổ lũ đẩy phèn ra biển Tây. Chính quyết sách táo bạo này, đã làm thay đổi cục diện khai thác đồng phèn vùng Tứ giác Long Xuyên, giúp người dân mở rộng sản xuất nông nghiệp, đưa An Giang trở thành địa phương đứng đầu về sản xuất lương thực của vùng ĐBSCL. Đồng thời góp phần nâng sản lượng xuất khẩu gạo lên hàng đầu trên thế giới.
Chia sẻ về tầm nhìn và quyết sách của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Giáo sư-Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho biết thêm: “Có rất nhiều nội dung được đưa ra bàn luận của các chuyên gia và các vị lãnh đạo. Cuối cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt có quyết định rất táo bạo; sau khi đi xem vùng này, Thủ tướng chấp thuận cấp kinh phí cho đào kênh, khui vùng phèn này ra thẳng biển Tây”.
Để ghi nhớ công lao to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày 10/7/2009, tại kỳ họp HĐND tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt và dựng bia tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở đầu tuyến kênh này. Công trình gồm các hạng mục như: Tượng đài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sân lễ, đường đi, thềm hoa viên, cây xanh... được xây dựng trên diện tích hơn 4.600m2. Công trình thể hiện lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đối với cố Thủ tướng.
Công viên văn hóa này là điểm sáng văn hóa biên giới, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tập luyên thể dục, thể thao cho nhân dân trên địa bàn, nhất là tạo ấn tượng đẹp đối với người dân và du khách về công trình văn hóa tri ân, tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên quê hương An Giang.
Ông Cao Quang Liêm, Bí thư - Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho rằng: "Với tầm tư duy chiến lược, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi…Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức đường lối đất nước, có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Con người, cuộc đời, sự nghiệp của ông là một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo tài năng, luôn đột phá, linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán; một Thủ tướng để lại dấu ấn khó phai mờ; những giá trị mà ông để lại sẽ mãi mãi trường tồn với lịch sử và trong mỗi chúng ta; luôn là tấm gương sáng cho nhân dân Tri Tôn và thế hệ đi sau học tập, noi theo”.
Dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giờ vẫn được khắc ghi trong cuộc sống của mỗi người dân An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Giờ đây, Kênh Võ Văn Kiệt nối tiếp kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy, cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam./.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, mất ngày 11/ 6/ 2008. Ông có tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh hoạt động cách mạng là Sáu Dân. Ông đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu Chính phủ trong 6 năm, từ 1991 đến 1997.
Trong thời gian ông làm lãnh đạo Chính phủ, ông đã để lại dấu ấn khá mạnh mẽ về một nhà lãnh đạo có tinh thần đổi mới.
Điển hình là chủ trương thực hiện chương trình 10 năm đầu tư khai phá vùng Đồng Tháp Mười, khu tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau. Biến những vùng đất vốn bị nhiễm phèn, mặn trở thành vùng đất màu mỡ, trù phú.
Bên cạnh đó, ông cũng là người đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng công trình đường dây tải điện Bắc Nam 500kv đầu tiên ở Việt Nam. Công trình khi hoàn thành đã giúp khắc phục tình trạng thiếu điện nghiêm trọng tại miền Nam, tạo sức bật cho sự phát triển mạnh mẽ của TP. HCM nói riêng và các tỉnh miền Đông Nam Bộ nói chung.
Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ong-sau-dan-trong-long-nguoi-dan-tu-giac-long-xuyen-920583.vov