Ông Sáu Nụ Cười
Tôi từng ghé quán, nhưng không hề biết đó là quán Nụ Cười. Lúc đó tôi ghé quán chỉ vì nghe những tiếng đàn thùng và giọng ca mộc bên góc chợ Phú Mỹ. Nghe một chút rồi đi vì tôi chưa quen mọi người trong câu lạc bộ. Nhưng tôi luôn tự hỏi con người tao nhã nào đã bày nên sân chơi dịu dàng như vậy?
Tôi không hề biết quán là nơi cậu bé Khánh Hưng được nuôi dưỡng mỗi ngày. Trong chương trình “Biệt tài tí hon”, tôi thích cậu bé Khánh Hưng 7 tuổi đàn sến và gõ song loan một cách điệu nghệ. Qua cách nói ngây thơ của cậu, tôi chú ý tới một người mà cậu hay gọi là ông Sáu. “Ông Sáu dạy con đờn”, “ông Sáu là người nhà mình”.
Cái tên “ông Sáu” để lại ấn tượng mạnh trong tôi. Bởi dạy đàn cho một cậu bé lớp Một phải là người có kỹ năng sư phạm tốt. Vài tháng mà đàn đúng nhịp và tự tin để được lòng những nghệ sĩ chuyên nghiệp thì thật không dễ dàng. Đàn trong đờn tài tử càng khó hơn vì không có sẵn những giáo án nhẹ nhàng cho các bé. Ông Sáu là ai?
Dò tìm tên thần đồng Khánh Hưng đàn sến trên mạng, tôi đọc được một bài báo nói cậu bé Khánh Hưng ở Phú Mỹ, Phú Tân (An Giang), là đứa giữa trong ba chị em mồ côi. Nghe nói người cô mở quán nước để nuôi chị em Khánh Hưng. Từ những bài báo trên mạng, tôi nghe nhắc tới Câu lạc bộ (CLB) Nụ Cười với những tiếng đàn tài tử bên góc chợ.
Liệu có phải nơi tôi từng thầm khen là sân chơi tao nhã?
Người đón tiếp tôi ngay góc chợ là Liên, cô của bé Khánh Hưng. Liên chỉ tay về hướng sạp quần áo. Kia là ông Sáu. Ông Sáu đang sửa lại đường dây điện cho ki ốt. Ông Sáu leo lên thang có bánh xe để lắp đặt đường dây điện trên mái ki ốt. Mỗi lần muốn dời chỗ để buộc dây, ông ra hiệu cho Khánh Hưng đẩy xe thang theo hướng tay ông. Một cái thang rất sáng tạo và tiện lợi…
Lúc nghe Khánh Hưng nhắc về người thầy dạy đàn có tên “ông Sáu”, tôi hình dung một người đàn ông tóc bạc, râu tới ngực với ngón đàn kìm cổ điển mộc mạc của miền Tây. Nhưng khi đọc trên mạng thì nhà báo có nhắc người dạy đàn cho Khánh Hưng là “anh” Hoàng Anh, tôi ngờ ngợ ông Sáu này chắc cỡ trung niên. Mà đúng như vậy. “Ông Sáu” ngoài đời bốn mươi ngoài mà dáng dấp và nét mặt nhìn chưa tới bốn mươi.
Khi xong việc, “ông Sáu” kêu Khánh Hưng lại bàn uống nước rồi ông cháu hòa tấu hai câu vọng cổ, các điệu lý tòng quân, vọng kim lang... Lúc đó ngoài tôi còn có bảy, tám em học cấp hai ngồi nghe đàn. Các em lên mạng thấy Khánh Hưng đàn sến ngộ quá, dễ cưng quá nên tìm đến để được trực tiếp nghe. “Nó nhỏ xíu mà đàn hay ghê. Ngưỡng mộ” - mấy bé bình luận như vậy.
Câu chuyện về Khánh Hưng và CLB Nụ Cười là câu chuyện dài mà mỗi con người đều mang một thân phận rất đặc biệt. CLB Nụ Cười do “ông Sáu” tổ chức. Quán treo đủ loại đàn. Là những cây đàn của cha Hoàng Anh, tức ông cố Khánh Hưng để lại.
“Ông Sáu” nói hồi xưa cha anh đàn giỏi. Nhưng hồi ông già còn sống anh không thích đàn hát. Vì anh thấy người trong giới đàn ca sao mà vợ lớn, vợ bé nhiều quá, mọi người đàm tiếu quá anh sợ. Sau này lớn, tự nhiên buồn buồn nhớ ông già rồi muốn đàn nên mày mò học.
Liên nói lúc đầu Khánh Hưng thấy ông Sáu đàn guitar thì ham nên đòi học. Nhưng tay cậu nhỏ quá ôm cây đàn không giáp. Một hôm thấy ông đàn sến, bé rất thích vì ôm vừa tay nên kêu ông dạy. Vậy là cậu bén duyên với đàn sến.
“Ông Sáu” đàn hay mà nấu ăn cũng ngon, lại nói chuyện rất khôi hài. Nhưng những gì tôi biết về “ông Sáu” lại từ Liên nhiều hơn tự “ông Sáu” nói.
“Sáu tự làm hết đó chị. Nấu nướng, đường dây điện, các loại tủ trong tiệm, xe cho bếp ga, xe cho giường, xe cho thang hay những cái mái che di động, máy tưới nước đường... Hễ làm thì hay kêu chị em Khánh Hưng lại coi đặng học hỏi. Khánh Hưng đàn ai cũng thương, người ta hay cho tiền. Nó ham nên khi đàn hay dừng lại cất tiền rồi mới đàn tiếp. Bữa đó Sáu đi lái xe từ thiện cho bệnh viện, dắt Khánh Hưng theo. Em hỏi Khánh Hưng khi ông Sáu đi chạy xe người ta có cho tiền không, nó nói có, nhét vô túi mà ông Sáu trả lại. Em mới nói với Khánh Hưng, vậy khi mình đàn, ai có cho tiền mình cũng đừng vì thấy tiền mà ngừng lại. Mình phải lo bản đàn của mình cho hay nhất” - Liên kể.
Cũng theo lời Liên, Sáu sống là để “cho tụi nhỏ coi” nên cẩn thận từng lời ăn tiếng nói. Giữa chợ búa mà, mình lơ là, thói tật nó nhiễm vô đầu mấy đứa nhỏ mỗi ngày một ít, tụi nó hư mình không hay. Tối nào cũng tắt tivi, ba chị em ba cái ghế ngồi học bài, Sáu ngồi bên, cái gì mấy đứa nhỏ không biết sẽ hỏi. Sáng 5 giờ, Sáu thức dậy, bắc nồi cháo lên, rồi quay qua dạy chị em nó ôn bài. Sáng nào Sáu cũng nấu nồi cháo cho cả nhà ăn. Nấu nhiều nhiều một chút rồi để bảng “cháo từ thiện” để ai không nấu được cứ tới múc ăn. Thấy mấy người sống cơ nhỡ, Sáu hay đưa chiếu, mùng cho ngủ, mùng chiếu được giặt đàng hoàng. Còn hễ thấy họ mặc quần áo dơ thì đưa bộ đồ cho thay, rồi lấy đồ dơ đem giặt, bảo họ cứ đi bán, chiều đồ khô trở lại lấy.
“Cuộc sống mình cũng ngủ chợ mà chị” - Hoàng Anh nói với tôi như vậy, rồi chỉ cái giường di động đặt bên ki ốt: “Chỗ em với Khánh Hưng ngủ”. “Phải làm giường trên xe hả ông Sáu?”- tôi hỏi. “Dạ ở chợ mà, người ta muốn gọn gàng nên mình phải làm xe. Lúc nào họ muốn dẹp lối đi thì mình đem xe vô kẹt. Tới tối mình đem xe ra ngủ. Bếp nấu ăn, bình ga cũng đưa lên xe”.
“Ông Sáu” nói không phải làm mọi thứ để chờ một kết quả gì mà chỉ làm vì biết đó là việc tốt cần phải làm.
Chuyện nuôi chị em Khánh Hưng khởi đầu từ Liên, người cô độc thân của ba đứa nhỏ. Đó là một câu chuyện dài đã đẩy cô gái 28 tuổi phải gác chuyện chồng con để chăm lo đàn cháu. “Ông Sáu” khi ấy đang có một cuộc sống khác ở Tân Huề với một trại cưa đang làm ăn rất suôn sẻ. Nhưng rồi ông phát hiện mình bệnh tim nên cho hết máy móc để bạn bè đóng trại hòm từ thiện.
Bản thân ông một mình, thấy cháu nuôi một đàn con nhỏ mà sức khỏe yếu ớt nên về ở “bụi” trong góc chợ để cùng cháu nuôi dạy ba đứa trẻ mồ côi. Tuy “ông Sáu” trong mình có bệnh nhưng rất an nhiên. Lo cái lo xa để không phải vướng cái phiền gần. Các cháu được ông cho làm quen với mọi thứ từ đơn giản đến phức tạp dần. Dạy đàn cũng vậy, ông không ép đứa nào học, cứ khơi gợi cho chúng một chút ham thích, từ chỗ ham thích tập làm quen dần với cây đàn…
Cái quán Nụ Cười bây giờ không cần người lớn rớ tay. Khách vào là một đứa tới hỏi khách dùng gì, đứa pha cà phê, đứa lau bàn ghế dọn dẹp ly tách. Các cháu tự động chia nhau công việc để làm, tới giờ ăn tự chia nhau dọn chén, rửa chén; tới giờ ngủ tự ngủ, tới giờ học mỗi cháu chọn cho mình một góc rồi ngồi vào học, tới giờ đàn thì đứa này đàn, đứa kia hát. Mỗi lần tới chơi, thấy các cháu tự tìm việc mà làm, không cần người lớn sai bảo, tôi hỏi Khánh Hưng: “Sao con giỏi vậy, con có mệt không?”, nó trả lời: “Dạ không, con quen rồi. Ông Sáu dạy con làm. Ông Sáu còn làm nhiều hơn con nữa”.
Làm nghề dạy học nên tôi biết để những đứa trẻ như chị em Khánh Hưng vô nề nếp và tự lập như vậy đòi hỏi rất kỳ công. Khánh Hưng trở thành thần đồng đàn sến cũng chẳng dễ dàng gì. “Ông Sáu” công phu như người nhạc trưởng với dàn hợp xướng hiếu động ăn chưa no, lo chưa tới. “Em hay nói với tụi nhỏ, mấy con phải tập làm. Rủi ông Sáu có ngã ngay chết bất tử, mấy con tự lo được. Chớ nếu sống với ông Sáu sướng quá, ông Sáu chết mấy con không biết làm gì sẽ khổ lắm”- Hoàng Anh kể.
Tương lai còn xa lắm, đường nuôi dạy trẻ con là con đường dài mà ai đã từng trải sẽ hiểu nó biến thiên không lường trước được. Nhưng tôi tin “ông Sáu” nhạc trưởng biết định lượng cân sức cho mình, cho các cháu để có thể đi chậm mà chắc trên từng bước vô thường. Như “ông Sáu” đã nói không phải làm mọi thứ để chờ một kết quả gì mà chỉ làm vì biết đó là việc tốt cần phải làm. Nhẹ nhàng sống, bình thản chọn những việc tốt mà làm, vui vẻ đón nhận mọi thứ dù đẹp hay xấu, cuộc sống tự nhiên như trời đất, nắng mưa. Có lẽ hướng theo con đường đó nên ông chọn tên shop quần áo là Nụ Cười, CLB Nụ Cười…
Bài và ảnh: Võ Diệu Thanh
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ong-sau-nu-cuoi-23717.html