Ông 'Sáu Thông' 4 lần viết huyết thư xin ra chiến trường
Ông 'Sáu Thông' ở thôn Phương La, xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã 4 lần viết huyết thư xin ra chiến trường. Trở về đời thường, ông luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và là tấm gương sáng ở địa phương.
Không màng sống chết
Đã hẹn trước, chúng tôi gặp thương binh Bùi Trung Thông (70 tuổi) với biệt danh "Sáu Thông" vào cuối buổi sáng ngày thu tháng 10. Trước mắt chúng tôi là người thương binh với dáng người nhỏ nhắn, ăn mặc giản dị với tấm huy hiệu cài trên ngực áo. Vừa cười ông vừa nói: “Đầu giờ sáng, chú có lịch cho anh em cựu chiến binh dọn vệ sinh môi trường trên tuyến đường thôn nên lùi hẹn các cháu đến giờ này. Thông cảm cho chú nhé!"
Ông Thông mời chúng tôi vào căn phòng khách đơn sơ của gia đình rộng chừng 20m2 với rất nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen được treo trên tường.
Bên chén trà nóng, ông Thông bồi hồi nhớ về một thời khói lửa, hừng hực khí thế lên đường đánh giặc.
Khi còn nhỏ, cậu bé Thông đã cảm phục trước tấm gương chiến đấu của bố và anh trai mình. Bố của ông là cựu tù Phú Quốc, còn anh trai là liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Câu chuyện của bố - một nhân chứng sống trở về từ nơi "địa ngục trần gian" với trận đòn roi tra tấn dã man luôn là nỗi ám ảnh và thôi thúc ông phải ra trận chiến đấu với quân thù.
Ông Thông nhớ lại: "Thời điểm ấy, trong xã, trong huyện, ai ai cũng xung phong ra trận. Đường ra mặt trận đông như ngày hội. Dù biết mình chưa đủ tuổi lại thuộc diện được miễn nhập ngũ nhưng khao khát được ra trận chiến đấu luôn cháy bỏng trong tôi".
Tháng 11/1971, chàng trai Bùi Trung Thông khi ấy mới 16 tuổi đã chích máu ở đầu ngón tay trỏ viết đơn xin nhập ngũ nhưng không được chấp nhận. Hơn 1 tháng sau, ông lại tiếp tục viết đơn bằng máu lần 2 và kết quả như lần đầu.
Cảm phục trước tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của chàng trai trẻ, đến bức huyết thư thứ 3, ông Thông đã được cấp trên cho nhập ngũ. Dù không còn lưu giữ nhưng ông không bao giờ quên nội dung trong những lá đơn. Câu cuối mỗi bức huyết thư, ông viết: “Khi không còn bóng quân thù thì tôi mới trở về quê hương”.
Khoác ba lô lên đường bảo vệ đất nước, ông Thông tạm biệt gia đình nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn Trần Hưng Đạo, Quân khu Tả Ngạn. Sau khóa huấn luyện, ông thuộc diện được đơn vị cho đi học ở phía Bắc. Tuy nhiên, với quyết tâm phải được ra trận, được cầm súng sát cánh cùng đồng đội, lần thứ tư, ông lại chích máu ở tay của mình viết đơn để được ra trận. Tháng 7/1972, ông được biên chế Binh đoàn Trường Sơn, đường 559, Quảng Trị.
Được ra trận chiến đấu, ông cùng đồng đội trải qua nhiều trận đánh ác liệt trên chiến trường Quảng Trị, Đông Nam Bộ, chống càn của quân địch, giải phóng nhiều vùng cách mạng.
Trận tiêu diệt Tiểu đoàn Thám báo 512 tại khu mộ Thủ Chỉ vào tháng 5/1974 là ký ức không thể quên đối với ông. Lúc ấy ông là Đại đội phó, Tiểu đoàn 312, Trung đoàn 3 Cửu Long với biệt danh “Sáu Thông”. Trung đoàn 3 lúc ấy được ví như “quả đấm thép” của Quân giải phóng, là trụ cột, chỗ dựa tin cậy của lực lượng vũ trang và nhân dân Vĩnh Trà. Đơn vị của “Sáu Thông” chia làm 4 mũi tiến công, trong đó ông Thông là mũi trưởng đầu.
Trước trận đánh, Trung đoàn phó Trần Văn Bá có căn dặn: "Nếu không may Tư Mây (đồng chí Tham mưu trưởng Tiểu đoàn) hy sinh thì Sáu Thông phải làm nhiệm vụ thay thế, bằng mọi giá phải bám sát thông tin, triển khai phương án như đã tập từ trước". Khoảng 6 giờ sáng 17/5/1974, ông "Sáu Thông" làm nhiệm vụ bắn quả B41 khai hỏa trận đánh. Giặc phòng ngự tại khu mộ Thủ Chỉ bắn ra dữ dội, đơn vị của ông phải xin chi viện từ vòng ngoài.
Sau hơn 1 ngày ta và địch giằng co nhau, quân ta đã chiếm được toàn bộ căn cứ, tiêu diệt hơn 300 tên địch, thu được nhiều súng và lựu đạn của chúng. Nhưng cũng trong trận đánh ấy, ông Thông cũng chứng kiến nhiều đồng đội của mình đã ngã xuống.
Kể đến đây, ông Thông lặng đi, mắt đỏ hoen vì thương tiếc đồng đội.
Sau thời gian ấy, đơn vị của ông Thông làm nhiệm vụ "bám trụ, giữ đất và giành dân", tiếp tục tiến công địch, bảo vệ nhân dân và giữ vững vùng giải phóng. Trong một trận chống càn quân địch, ông Thông bị trúng đạn ở phần đầu, khiến ông ngã xuống ngất lịm sau đó được đưa đến viện Trung đoàn để điều trị. Vì vết thương quá nặng, có đồng đội nghĩ ông không thể qua khỏi nên đã báo tử về trường hợp của ông. Do vậy, trong Huân chương kháng chiến của ông có ghi "liệt sỹ Bùi Trung Thông" đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Khi địch đánh phá bệnh viện, nhiều thương binh phải sơ tán. Ông Thông được gửi đến nhà của một má ở miền Tây cưu mang, chữa trị.
Chữa trị vết thương xong, ông được điều về làm nhiệm vụ chính sách cho thương, bệnh binh tại Quân khu 3. Đến tháng 2/1981, do các vết thương nặng tái phát, ông đã được xuất ngũ về địa phương, là thương binh hạng ¼.
Trở về quê hương với những mảnh đạn vẫn còn trong đầu và những vết thương cơ thể không bao giờ có thể chữa lành, từng có thời gian ông Thông mang trong mình sự tự ti và suy nghĩ khó có thể tìm được hạnh phúc riêng.
Được đồng đội mai mối, ông quen và kết hôn với bà Nguyễn Thị Hạnh -là em gái một người đồng đội trong xã. Vượt qua nhiều khó khăn, gian lao ban đầu, vợ chồng ông đã có 3 người con trai và đều đã trưởng thành. Ông Thông chia sẻ: “Thời chiến, người lính đã vịn vào cây súng, đồng đội mà bước đi. Còn về thời bình, không may trở thành thương binh, vợ con, gia đình chính là điểm tựa giúp chúng tôi vững tin hơn trong cuộc sống”.
Giản dị giữa đời thường
"Phục viên trở về quê hương là quãng thời gian khó khăn nhất đối với ông. Trải qua hơn 20 đợt phẫu thuật, điều trị nhưng không thể can thiệp đến những mảnh đạn ở đầu khiến sức khỏe ông càng yếu đi.
Nhưng với phẩm chất người lính bộ đội cụ Hồ, ông Thông đã vươn lên, tích cực tham gia xây dựng quê hương, đi đầu trong mọi phong trào của địa phương. Ông được tín nhiệm làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Phương La. Ngoài chú trọng phát triển chi hội, ông tích cực vận động hội viên xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, cùng nhau phát triển kinh tế. Với sự nỗ lực của ông Thông cùng ban chấp hành hội, phong trào "Cựu chiến binh chung tay xây dựng nông thôn mới" ở xã Cẩm Chế có nhiều dấu ấn.
Ông Thông cho biết bản thân luôn tâm niệm muốn được hội viên tin tưởng, nhiệt tình hưởng ứng thì trước hết cán bộ phải gương mẫu làm trước. Ông trực tiếp đứng ra kêu gọi hội viên đóng góp, vận động người dân, Mạnh Thường Quân làm đường điện cao áp cho bà con trong thôn. Con đường bê tông nông thôn mới thẳng tắp, được tô điểm bởi hàng cây xanh mướt cũng đều nhờ bàn tay dọn dẹp, chăm sóc của hội viên cựu chiến binh thôn Phương La, trong đó có ông Thông. Ông còn là Trưởng Ban kiểm tra Hội Người khuyết tật của huyện Thanh Hà, giúp đỡ nhiều hội viên khuyết tật vươn lên phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.
Với những đóng góp của mình, ông Thông đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Tấm gương người thương binh 70 năm tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng luôn cần mẫn, hết lòng vì công việc chung của ông "Sáu Thông" là hình ảnh đẹp của người lính anh hùng thời chiến, tỏa sáng giữa thời bình.
Ông Nguyễn Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Chế cho biết: "Ông Thông là Chi hội trưởng tiêu biểu, tích cực tham gia các hoạt động do Hội Cựu chiến binh xã, huyện phát động. Ông là tấm gương sáng về giữ gìn và phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ".
Trải qua nhiều năm tháng, những bức huyết thư của ông Thông vẫn còn nguyên giá trị, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khích lệ tinh thần cho các thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ. Trong các chương trình giao lưu thanh niên chuẩn bị nhập ngũ của địa phương, ông Thông nhiều lần được mời dự để kể lại câu chuyện của mình.