Ông Sự 'hòa giải'
Ở xã Thái Sơn (Hàm Yên), người dân gọi ông Lý Hồng Sự, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư thôn 31 với những cái tên hóm hỉnh: Ông Sự 'hòa giải', 'Bao công' xử lý sự vụ... Người ta bảo, tên ông đúng là có duyên với công tác hòa giải, bất kể trong thôn có sự vụ, mâu thuẫn gì khó giải quyết là nghĩ ngay đến ông vì đều được ông giải quyết êm thấm, có tình có lý. Bao năm qua, ông là người giữ ngọn lửa tình làng nghĩa xóm ở thôn 31.
Đêm 30 Tết vẫn đi hòa giải
Thôn 31 là thôn trung tâm, đông dân số nhất của xã Thái Sơn. Bởi vậy, công tác đảm bảo an ninh trật tự luôn được cán bộ xã, thôn coi trọng. Đây cũng là công việc vất vả nhất đối với những người làm công tác hòa giải như ông Sự. Ông Sự vừa là Trưởng Ban công tác Mặt trận vừa là Tổ trưởng Tổ hòa giải của thôn từ năm 2015 đến nay. Kể về công tác hòa giải, ông Sự luôn vui vẻ, hài hước. Tính cách ông như vậy nên có lẽ ông rất hợp với công việc này. Người nào tiếp xúc với ông đều có cảm giác thoải mái, cởi mở, vui vẻ. Ông bảo: “Bất cứ khi nào nghe tin có tranh chấp, mâu thuẫn cần đến ông hòa giải, kể cả đêm ông cũng lên đường. Đêm 30 Tết vẫn còn đi hòa giải đấy. Hòa giải thành cũng là lúc sang canh rồi”.
Ông Sự nhớ như in, có một đêm 30 Tết năm 2020, vợ chồng gia đình ông Đ.V. H và bà P.T.X xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Ông Sự cùng các thành viên của tổ hòa giải được báo tin, ai cũng vội vàng muốn đến thật nhanh. Riêng ông Sự hết sức bình tĩnh. Trước khi đi, ông không quên mang theo một chút bánh kẹo, mứt Tết của nhà. Đến nơi, đã thấy chồng bát của nhà ông H. vỡ tan tành.
Chứng kiến cảnh này, ông Sự ôn tồn giải thích cho sự việc giảm bớt căng thẳng. Ông H. nhận ra mình quá nóng nảy, còn bà X. nhận ra không nên “đổ xăng vào lửa” bởi những câu nói của mình. Khi sự việc dịu xuống, ông Sự cười bảo: “Ông H. thấy lỗi rồi nên đền cho bà X. chồng bát đã ném nhé”. Ông H. ngượng ngùng bảo: “Thôi, tôi đền”. Vậy là mâu thuẫn nhà ông H. và bà X. được hòa giải, không xảy ra xô xát trong đêm 30 Tết. Lúc này để tạo không khí vui vẻ, ông Sự mới lấy ra túi bánh kẹo, mứt Tết đã kịp mang theo từ nhà bày ra để mọi người cùng nhau chúc Tết. Trong không khí vui vẻ ấy, mâu thuẫn của gia đình ông H. và bà X. đã được xóa bỏ.
Ông Sự kể, nhiều sự vụ mâu thuẫn gia đình, hàng xóm vào lúc đêm khuya, lễ, Tết, ông cũng chẳng nề hà. Bất cứ khi nào dân cần là ông có mặt.
Bí quyết hòa giải
Công tác hòa giải ở cơ sở không phải dễ dàng mà rất vất vả. Từ tranh chấp nhau con gà, con lợn, vợ chồng lời qua tiếng lại nếu không được hòa giải kịp thời sẽ dẫn đến những vụ việc mâu thuẫn, xích mích lớn, thậm chí dẫn tới khiếu nại, tố cáo lên cấp trên. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác hòa giải ngay tại cơ sở, qua mỗi vụ việc hòa giải thành, ông Sự đều “dắt lưng”, đúc rút cho mình những kinh nghiệm quý báu về công tác hòa giải mà theo như ông nói, hòa giải cũng phải có nghệ thuật, bí quyết. Ông Sự cho biết, hòa giải thành công cần có sự tế nhị, khéo léo. Nhiều vụ việc mâu thuẫn nếu đưa đông người đến hoặc mời các bên liên quan ra nhà văn hóa thôn giải quyết công khai có thể không thành công. Mà đôi khi phải đến tận nhà, lựa lúc chỉ có một người ở nhà, con cái đi vắng, ông Sự mới tìm đến để khuyên can, hòa giải. Bí quyết quan trọng nhất mà ông Sự đúc rút được đó là phải tìm hiểu kỹ từ nhiều phía trong mỗi vụ việc. Bởi theo ông, bản chất vụ việc bên trong khác hẳn với những biểu hiện bên ngoài. Người làm công tác hòa giải phải hiểu được bản chất của sự việc, tìm ra mấu chốt vấn đề, tập trung vào đó tháo gỡ. “Các thành viên trong tổ hòa giải phải hiểu ý nhau, có khi người tung, người hứng, “mềm nắn rắn buông” mới thành công được” - ông Sự chia sẻ.
Ông Sự nhớ lại vụ việc hòa giải thành của gia đình ông Đinh Viết K. và bà Hà Thị H. Ông K. và bà H. mâu thuẫn với nhau chỉ vì bà H. cho rằng tiền làm ra ông K. không đưa hết cho mình nên khi mâu thuẫn lên tới cao trào, bà H. đòi ly hôn. Dù đã chuyển ra ngoài thuê nhà ở một thời gian nhưng nắm được việc bà H. vẫn thi thoảng về nhà chăm đàn lợn nái sắp tới ngày đẻ, ông Sự đã lựa đúng ngày để đến hòa giải. Đúng hôm đàn lợn nái nhà bà H. đẻ, ông Sự và các thành viên tổ hòa giải cũng có mặt. Nhìn thấy bà H. đỡ đẻ cho lợn, ông Sự và các thành viên của tổ hòa giải liền động viên ông K. vào phụ giúp cùng vợ. Nhờ có sự phụ giúp của chồng, bà H. cũng đỡ đẻ cho lợn thành công. Từ đó, vợ chồng nhà bà H, ông K. lại về chung một nhà, đến giờ chưa hề xảy ra mâu thuẫn lần nào.
Ông Sự cho biết, hòa giải thành đôi khi phải lựa đúng thời cơ. Gia đình người đi hòa giải cũng phải gương mẫu về lối sống. Gia đình phải hòa thuận, êm ấm trước rồi mới vận động, tuyên truyền, hòa giải được. nếu như gia đình người làm công tác hòa giải như ông không gương mẫu về lối sống, về sự hòa thuận thì làm công tác hòa giải rất khó. Có lẽ vì vậy, nên nhiều năm qua, gia đình ông Sự luôn là tấm gương sáng về sự hòa thuận, đoàn kết, yêu thương nhau trong gia đình. Bà Đinh Thị Mầu, người dân thôn 31 cho biết: “Chúng tôi luôn tin tưởng về an ninh trật tự của thôn khi có người hòa giải tâm huyết như ông Sự. Nhờ có ông Sự làm công tác hòa giải, tôi hiểu rằng, gia đình, hàng xóm láng giềng sống phải đùm bọc, giúp đỡ, chia sẻ với nhau để cùng xây dựng tình đoàn kết trong thôn”.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thái Sơn cho biết: “Từ khi làm Trưởng Ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn, ông Sự đã hòa giải thành hàng chục vụ việc mâu thuẫn từ đơn giản đến phức tạp, góp phần giảm đáng kể việc đơn thư lên xã. Từ đó, an ninh trật tự của thôn 31 luôn được đảm bảo. Nhân dân đoàn kết thực hiện được nhiều công trình hạ tầng ý nghĩa”.
Ông Sự nói rằng, chi phí cho mỗi vụ hòa giải thành rất thấp vì có những vụ việc không thể lập thành biên bản để thanh toán xong chính niềm vui của sự đoàn tụ, của sự hàn gắn, đoàn kết trong thôn là phần thưởng lớn đối với những người làm công tác hòa giải như ông.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/ong-su-hoa-giai-167617.html