Ông Suga được dọn đường để kế nhiệm Thủ tướng Abe

Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga nhận được sự ủng hộ của các phe phái chủ chốt trong nội bộ đảng LDP cầm quyền trước thềm bỏ phiếu vào ngày 14/9.

Yoshihide Suga, cánh tay đắc lực của Thủ tướng Shinzo Abe, đang nổi lên là ứng viên tiềm năng nhất cho vị trí thủ tướng tương lai của đất nước Mặt Trời mọc, sau khi giành được sự ủng hộ của các phe phái chủ chốt trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, theo New York Times.

Ủng hộ từ giới lãnh đạo LDP

Ông Suga, hiện giữ vị trí chánh văn phòng nội các, từ lâu được biết tới là nhà quản trị lão luyện, nhưng không phải là nhân vật có sự cuốn hút nổi bật đối với công chúng.

Hôm 31/8, cơ hội chiến thắng của ông Suga trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, sau khi LDP quyết định loại bỏ các thành viên thông thường của đảng này khỏi cuộc bỏ phiếu bầu chọn lãnh đạo đảng để thay thế Thủ tướng Abe vào ngày 14/9 tới.

Với việc LDP chỉ cho phép các đảng viên là nghị sĩ, cùng số lượng hạn chế đại diện các tỉnh, tham gia bỏ phiếu, quyền lựa chọn tân thủ lĩnh LDP, đồng thời giữ chức thủ tướng Nhật, sẽ thuộc về nhóm nhỏ các chính trị gia lãnh đạo lâu năm của đảng.

Kyodo hôm 1/9 cho biết các nhóm chủ chốt trong nội bộ LDP đã quyết định ủng hộ đương kim Chánh văn phòng nội các Suga - lựa chọn bảo đảm duy trì ổn định và kế thừa các chính sách của Thủ tướng Abe.

 Yoshihide Suga có tiếng nói quan trọng trong chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: AFP.

Yoshihide Suga có tiếng nói quan trọng trong chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: AFP.

Đối thủ lớn nhất của ông Suga hiện tại là Shigeru Ishiba, người từng giữ chức tổng thư ký của LDP. Trong cuộc bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo đảng LDP năm 2012, ông Ishiba từng đánh bại Thủ tướng Abe tại vòng bỏ phiếu đầu tiên, trước khi chịu thua trong vòng bỏ phiếu thứ 2.

"Đây là nỗ lực nhằm ngăn cản Ishiba giành chiến thắng", Gerald Curtis, giáo sư khoa học chính trị và nhà nghiên cứu Nhật từ Đại học Columbia, đánh giá.

Giáo sư Curtis nhận định truyền thông và công chúng Nhật sẽ có thái độ hoài nghi nếu Chánh văn phòng nội các Suga được lựa chọn là người nắm giữ vị trí thủ tướng.

"Nhưng nếu ông làm tốt, sau một tháng, chúng ta sẽ bắt đầu nghe thấy mọi người nói: 'Ông ấy kiểm soát được vấn đề dịch bệnh. Ông ấy giúp nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Ông ấy không có hình ảnh cuốn hút, nhưng biết cách xử lý mọi việc'", ông Curtis nhận định.

Kế thừa chính sách

Về mặt đối ngoại, ông Suga dường như sẽ tiếp bước Thủ tướng Abe, khi nỗ lực củng cố liên minh với Mỹ, đồng thời cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Mặc dù vậy, ông chưa có được tầm vóc như Thủ tướng Abe trên trường quốc tế, cũng như không được đánh giá là chuyên gia về đối ngoại.

Sau tuyên bố từ chức của ông Abe hôm 28/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hết lời tán dương và gọi ông Abe là "thủ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản". Hai nhà lãnh đạo đã xây dựng mối quan hệ gần gũi trên cơ sở dân tộc chủ nghĩa và niềm yêu thích đánh golf.

Về phần ông Suga, tính cách có phần khép kín có thể là trở ngại với mục tiêu xây dựng mối quan hệ gần gũi tương tự như của ông Abe với tổng thống Mỹ, đặc biệt nếu ông Trump tái đắc cử vào tháng 11.

 Thủ tướng Abe xây dựng được quan hệ gần gũi với Tổng thống Trump. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Abe xây dựng được quan hệ gần gũi với Tổng thống Trump. Ảnh: AFP.

Jeffrey Hornung, chuyên gia về khoa học chính trị từ tổ chức tư vấn chính sách Rand Corp, cho biết hiện chưa rõ về năng lực của ông Suga trong đối phó với các vấn đề đối ngoại và an ninh.

"Đối với an ninh và đối ngoại, Suga có lẽ sẽ tiếp nối những chính sách, nhưng tôi không hình dung được Suga sẽ có mặt ở khắp nơi trên thế giới như ông Abe", ông Hornung nói.

Ông Suga được bổ nhiệm làm chánh văn phòng nội các từ năm 2012. Chính trị gia 72 tuổi có tiếng nói quan trọng trong bổ nhiệm nhân sự, điều phối chính sách liên bộ, đồng thời có vị trí trong đội ngũ hoạch định chính sách của Thủ tướng Abe.

Chánh văn phòng nội các được miêu tả là người đóng vai trò quan trọng giúp Thủ tướng Abe tập hợp sự ủng hộ từ nội bộ đảng LDP cũng như giới quan chức tại Nhật Bản suốt 7 năm qua.

Thách thức chờ đợi

Danh tiếng của Thủ tướng Abe phần nào sụt giảm trong năm 2020 trước chỉ trích ông không xử lý tốt thách thức kép đến từ đại dịch Covid-19 và nền kinh tế lao dốc.

Nếu giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/9, thử thách đầu tiên của ông Suga sẽ là chứng minh ông có thể nắm toàn quyền điều hành chính phủ và giao thiệp hiệu quả hơn với công chúng.

Hình ảnh cá nhân của ông Suga, được biết tới là người "tỉnh táo và chín chắn trong xử lý các vấn đề", sẽ mang lại lợi thế trong cuộc khủng hoảng, giáo sư Curtis nhận định.

Trong các điều kiện thông thường, vị trí lãnh đạo đảng LDP được bầu chọn thông qua thủ tục phổ thông đầu phiếu giữa thành viên của đảng. Nếu không ứng cử viên nào giành được đa số phiếu trong vòng bầu cử đầu tiên, người chiến thắng sẽ được lựa chọn tại vòng bầu cử thứ 2, và chỉ các đảng viên là nghị sĩ có quyền tham gia bỏ phiếu.

 Ông Suga sẽ đối mặt nhiều thách thức nếu trở thành lãnh đạo tiếp theo của Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Ông Suga sẽ đối mặt nhiều thách thức nếu trở thành lãnh đạo tiếp theo của Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Năm 2012, Ishiba đã đánh bại Thủ tướng Abe trong vòng bầu cử đầu tiên, nhưng thất bại tại vòng bầu cử thứ hai.

Hôm 31/8, 145 nghị sĩ của đảng LDP, bao gồm chính ông Ishiba, đã gửi thư đề nghị áp dụng thủ tục bỏ phiếu tương tự năm 2012. Đề nghị này sau đó bị các lãnh đạo của LDP bác bỏ, với lý do cần có sự chuyển giao quyền lực nhanh chóng sau đơn từ chức đột ngột của Thủ tướng Abe.

Việc giới lãnh đạo LDP thay đổi thủ tục bỏ phiếu nhằm mang lại lợi thế cho ông Suga buộc chánh văn phòng nội các 72 tuổi phải sớm giành được sự ủng hộ của công chúng.

"Quan điểm rằng các phe phái trong LDP phối hợp mang lại chiến thắng cho Suga khiến ông gặp khó khăn hơn để có được sự ủng hộ của công chúng với chính phủ của mình", Tobias Harris, chuyên gia từ công ty tư vấn Teneo, đánh giá.

Ông Harris cho rằng không có nhiều bất ngờ khi các lãnh đạo của LDP lựa chọn một nhân vật "có nhiều khả năng nhất mang lại sự tiếp nối" trong bối cảnh đất nước đang vật lộn với đại dịch Covid-19.

Giống như Thủ tướng Abe, ông Suga không ủng hộ việc áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia nếu virus corona tiếp tục bùng phát. Thay vào đó, ông Suga nhiều khả năng ưu tiên tái khởi động nền kinh tế.

Một thách thức khác chờ đợi ông Suga là đối phó với các đối thủ trong nội bộ LDP, trong đó có cựu ngoại trưởng Fumio Kishida, hay đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono.

Ông Suga dự kiến chính thức tuyên bố chạy đua cho vị trí lãnh đạo đảng LDP trong cuộc họp báo ngày 2/9. Người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 14/9 sẽ đảm nhiệm chức vụ thủ tướng Nhật Bản tới tháng 9/2021.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-suga-duoc-don-duong-de-ke-nhiem-thu-tuong-abe-post1126779.html