Ông Sướng rút súng đe dọa tài xế ở Bắc Ninh: Vì sao bị điều tra 'Đe dọa giết người'?
Ông Nguyễn Văn Sướng - Giám đốc Công ty bảo vệ Hàm Long vừa bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi Đe dọa giết người. Trước đó, Sướng đã dùng súng loại bắn đạn có đầu bọc cao su đe dọa tài xế xe tải.
Ngày 6/9, Viện KSND TP Bắc Ninh đã phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp của Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Bắc Ninh đối với Nguyễn Văn Sướng - Giám đốc Công ty dịch vụ bảo vệ Hàm Long về hành vi Đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự.
Nguyễn Văn Sướng là người đã có hành vi rút khẩu súng loại bắn đạn có đầu bọc cao su đe dọa tài xế xe tải Nguyễn Trung Hiếu (SN 1997, thôn Đồi Mít, xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) do mâu thuẫn trong việc tham gia giao thông.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thời gian qua có nhiều vụ việc va chạm giao thông mà các đối tượng đã chặn xe, đập phá đe dọa lái xe gây mất an ninh trật tự. Do đó, để xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh, cần xử lý mạnh tay với những đối tượng có hành vi côn đồ khi giải quyết va chạm giao thông để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội.
Nói về vụ việc ông Sướng rút súng đe dọa tài xế xe tải, luật sư Cường cho rằng, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Bắc Ninh ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Sướng là có cơ sở để tiếp tục xác minh làm rõ hành vi. Nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Cường, khi giải quyết mâu thuẫn xuất phát từ va chạm giao thông nếu có hành vi tấn công người khác thường bị xem xét xử lý về các tội danh như huỷhoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; cố ý gây thương tích; giết người; gây rối trật tự công cộng; đe dọa giết người... Tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả cụ thể.
Trong vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Sướng đã cầm súng đe dọa, uy hiếp lái xe tải. Đây là hành vi thể hiện tính chất côn đồ, manh động, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Mặc dù đây chỉ là súng bắn đạn cao su, đạn hơi cay, được gọi là công cụ hỗ trợ tuy nhiên với cự li gần, với tính chất côn đồ, hung hãn thì khẩu súng này cũng có thể gây ra thương tích, thậm chí thiệt mạng cho nạn nhân...
Do đó, hành vi của ông Sướng đã có dấu hiệu hành vi đe dọa giết người, đồng thời là hành vi gây rối trật tự công cộng. Bởi vậy, dưới góc độ pháp lý, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét tính chất nguy hiểm của các hành vi này, nếu thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội danh nào sẽ xử lý hình sự về tội danh đó.
Mời độc giả xem clip rút súng đe dọa tài xế xe tải:
Luật sư Cường cho rằng, hành vi đánh nhau, đe dọa giết người xảy ra nơi công cộng liền một lúc xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật bảo vệ như tính mạng, sức khỏe của công dân và trật tự, an toàn xã hội.
“Với hành vi đánh nhau, đe dọa, gây mất an ninh trật tự là hành vi gây rối trật tự công cộng. Hành vi này ảnh hưởng đến trật tự xã hội, ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của cơ quan, của tổ chức, của cộng đồng dân cư, của xã hội. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi và tùy thuộc vào hậu quả mà hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Trong trường hợp hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ được xác định là nghiêm trọng và người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hậu quả về vật chất đến mức độ như làm chết người; gây ách tắc giao thông dưới 02.00; ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức... hoặc hậu quả phi vật chất mà gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trường hợp hậu quả hành vi gây rối trật tự công cộng được xác định là “nghiêm trọng” như trên, người gây rối trật tự công cộng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 hình phạt có thể tới 7 năm tù.
Như vậy, nếu quá trình điều tra xác minh, cơ quan điều tra cho thấy hành vi của người đàn ông này có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang trong dư luận quần chúng thì đây được xác định là hậu quả phi vật chất. Hành vi này diễn ra nơi công cộng nên ông Sướng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
Ngoài ra, hành vi của ông Nguyễn Văn Sướng đe dọa “bắn vỡ sọ” người lái xe kèm theo là việc rút khẩu súng ngắn (trong có đạn) dí về phía người lái xe, đây là hành vi đe dọa giết người.
Hành vi này trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác đây là hành vi nguy hiểm và thể hiện tính chất côn đồ, manh động. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi này tác động đến tâm lý, sức khỏe của nạn nhân như thế nào, đến mức nghiêm trọng hay không. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, hành vi đe dọa giết người khiến nạn nhân sợ hãi, lo sợ đối tượng có thể giết mình ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, đời sống gây hoang mang trong dư luận quần chúng thì hành vi này cấu thành tội đe dọa giết người theo điều 133 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Cường cho rằng,nếu kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy hành vi đe dọa giết người của người đàn ông này khiến nạn nhân “lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện” thì ông Sướng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào diễn biến tâm lý, sức khỏe và lời khai của người bị đe dọa. Nếu có căn cứ cho thấy người bị đe dọa đã sợ hãi, hoảng loạn, lo lắng là mình sẽ bị bắn chết thì hậu quả này đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với ông Sướng đã dùng súng để đe dọa họ
“Dù người đàn ông này có bị xử lý về tội danh nào chăng nữa, áp dụng mức hình phạt như thế nào, đây cũng sẽ là một bài học cho những người có bản tính côn đồ, manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để giải quyết va chạm, mâu thuẫn giao thông. Những chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi phạm pháp luật này sẽ là những bài học để cảnh tỉnh, răn đe, đồng thời xây dựng văn hóa giao thông văn minh, lành mạnh” – luật sư Cường nêu quan điểm.