Ông Tâm và hành trình xoa dịu nỗi đau da cam
Sự anh dũng, kiên trì, bền bỉ của người cựu chiến binh bước ra từ những trận chiến đấu để đem lại độc lập cho quê hương. Giờ đây, ông lại tiếp nối những nhọc nhằn trong công tác xã hội, xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ đồng đội. Chúng tôi không chỉ cảm phục ông từ những câu chuyện mưu trí, dũng cảm của ông và đồng đội trong chiến đấu mà còn kính phục với những việc làm nhân nghĩa, sẻ chia với nạn nhân chất độc da cam (NNCÐDC) do ông làm chủ tịch hội suốt 13 năm.
Anh hùng trong chiến đấu
Đại tá Nguyễn Thành Tâm, nguyên Đại đội phó, Đại đội 440 Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận, kể: “Ngày 14/3/1968, tại địa bàn xã Phan Rí Thành, Đại đội 440 phối hợp với Đại đội 489 thuộc LLVT tỉnh tổ chức trận phục kích Đại đội Bảo an thuộc Chi khu Quân sự Hòa Đa. Theo hiệp đồng, đơn vị lấy tiếng súng M79 của tôi làm hiệu lệnh nổ súng. Đến 5 giờ sáng cùng ngày, đơn vị xây dựng xong trận địa. Để tiêu diệt được nhiều địch, tôi chờ địch đến thật gần, đội hình của chúng lọt hết vào trận địa phục kích của ta mới nổ súng. Khi tên đi đầu cách vị trí của tôi khoảng 10m, tôi bóp cò, đầu đạn bay trúng tên địch, nhưng đạn lại không nổ, song do sức căng của đường đạn ở cự li gần, tên địch vẫn ngã lăn xuống đất. Ngay lúc đó, tôi hô khẩu lệnh cho đơn vị đồng loạt nổ súng”. Bị đánh bất ngờ, quân địch hoảng loạn tháo chạy. Sau 30 phút chiến đấu, đơn vị làm chủ trận địa. Kết thúc trận đánh, ông Tâm mới kiểm nghiệm được, khi đầu đạn M79 bắn ra khỏi nòng súng, ở cự ly 10m, đầu đạn xoay chưa đủ số vòng nên chưa gây nổ. Kinh nghiệm này, ông kịp thời phổ biến cho đơn vị, nhân dân trong vùng sử dụng hiệu quả súng M79 thu được của địch để diệt địch.
Trận phục kích vừa kết thúc, đến 7 giờ sáng cùng ngày 14/3, địch tăng viện tiến công vào hướng Đại đội 489. Ông Tâm được giao nhiệm vụ chỉ huy một trung đội chi viện cho đơn vị bạn. Thế nhưng sau hơn 1 giờ chiến đấu, đơn vị ông bị hết đạn, chỉ còn một băng đạn trung liên. Tình huống vô cùng khó khăn, ông Tâm giao nhiệm vụ cho đồng chí Ngô Hồng Hải, chỉ huy Tiểu đội 1, Tiểu đội 3 rút về vị trí tập kết, còn Tiểu đội 2 sẽ ở lại cùng ông chiến đấu với số đạn còn lại của 2 tiểu đội chuyển cho Tiểu đội 2. Ông tổ chức Tiểu đội 2 kiềm chế địch để Tiểu đội 1 và 3 tổ chức lui quân an toàn. Tiểu đội đã chiến đấu anh dũng, tất cả đều hy sinh chỉ còn mình ông trong vòng vây của địch. Ông bình tĩnh quan sát hướng bên sườn phải, có một tên địch đang lăm le khẩu súng chĩa về phía ông. Tiếp cận lại gần, ông liền giương súng (lúc này súng đã hết đạn) chĩa thẳng vào tên địch. Tên địch vội hạ súng lao xuống ẩn nấp. Chớp thời cơ, ông vượt ra khỏi vòng vây của địch trong rất nhiều tiếng súng bắn đuổi. Trong trận này trung đội của đơn vị ông hy sinh hơn 1 tiểu đội. Đại đội 489 thương vong rất nhiều. Đồng chí Nguyễn Hoàng, Đại đội trưởng, đồng chí Huy, Chính trị viên Đại đội 489 hy sinh tại trận địa. Ông Tâm nhớ lại: “Về đến đơn vị, gặp lại tôi, ai cũng vui mừng vì tôi may mắn trở về nhưng cũng vô cùng thương tiếc những đồng đội đã hy sinh. Nén nỗi đau, ai cũng thầm hứa những trận tới sẽ quyết tâm tiêu diệt thật nhiều quân thù. Cởi chiếc áo dù khoác trên mình, lúc này tôi mới biết, chiếc áo đầy vết đạn xuyên loang lỗ. Sờ khắp toàn thân không bị thương, tôi mới biết mình may mắn được sống để chiến đấu tiếp”. Mưu trí dũng cảm lập nhiều thành tích, năm 1974, ông được cấp trên bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 482, một đơn vị chủ lực của LLVT tỉnh Bình Thuận trong chống Mỹ.
Tham gia nhiều trận đánh trong đó có nhiều trận đơn vị phải tìm cách vượt qua những vùng địch thả chất độc hóa học. Ông nhớ trận tập kích đồn Kim Bình, đây là trận đánh rất táo bạo, giúp tôi có thêm kinh nghiệm trong tổ chức chỉ huy chiến đấu tiến công địch ở công sự vững chắc. Đầu năm 1975, Tiểu đoàn 482 được giao nhiệm vụ tiêu diệt đồn Kim Bình, do Đại đội Nghĩa quân huyện Hàm Thuận (nay là xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc). Sau nhiều đêm trinh sát, điều nghiên, ông quyết định dùng chiến thuật đánh đặc công. Ông chia làm 2 mũi (mỗi mũi một đại đội) bí mật tiếp cận tiến công đồn và một đại đội phục kích vòng ngoài. Theo kế hoạch, 24 giờ đêm 14/3/1975, đơn vị nổ súng. Thế nhưng, quá trình tiếp cận địch, Đại đội 3 phục kích vòng ngoài đụng địch, trong khi đó Đại đội 1, 2 bên trong chưa mở được cửa. Ông Tâm nhớ: “Lúc đó, pháo địch từ trong đồn bắn ra dồn dập, hỏa lực ở các đồn lân cận chi viện về, nhưng đạn pháo địch chủ yếu bắn về hướng Đại đội 3. Tôi nhận định, địch chưa phát hiện được hai mũi tiến công của ta. Thống nhất trong chỉ huy, tôi tổ chức Đại đội 3 nổ súng đánh địch, nhưng vừa đánh vừa lui dần, còn Đại đội 1, 2 bí mật ém quân chờ thời cơ. Bấy giờ, đồng chí Nguyễn Minh Quyết, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh điện yêu cầu chỉ huy tiểu đoàn báo cáo. Để giữ bí mật, tôi liền khóa máy không trả lời vì nếu báo qua máy thông tin, địch sẽ có thể nghe được. Lúc đó tư tưởng bộ đội cũng muốn rút ra, tôi phải xuống từng bộ phận nêu rõ cách đánh, xây dựng niềm tin chiến thắng cho chiến sĩ. Đến 2 giờ sáng cùng ngày, tiếng đạn pháo ngớt, ông nghe rõ tên chỉ huy địch lệnh cho binh lính của chúng: “Việt cộng chạy hết rồi, vào ngủ đi…”. Tình huống diễn ra đúng như ý định của tôi”. Ông tổ chức lại đội hình chiến đấu, chia làm hai mũi, bí mật tiếp cận cắt rào, luồn sâu áp sát mục tiêu. Đúng 3 giờ sáng, ông phát lệnh nổ súng. Trước sự tiến công táo bạo của ta, quân địch quá bất ngờ chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy. Từ kinh nghiệm này, giúp ông tổ chức nhiều trận đánh táo bạo, nhiều trận đánh như bàu Cây Bông, Kim Ngọc, chợ Gò, Đường Tám... đã in đậm chiến công của Tiểu đoàn 482 anh hùng do ông làm Tiểu đoàn trưởng.
Hành trình xoa dịu nỗi đau da cam
Đại tá Nguyễn Thành Tâm, sinh năm 1943 ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Ông tham gia lực lượng du kích rất sớm. Đến tháng 5/1962, ông nhập ngũ vào Đại đội 440. Trải qua 15 năm chống Mỹ, 10 năm chiến đấu giúp nước bạn Campuchia. Năm 1989, ông được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận. Từ năm 2005 - 2020, ông là Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Bình Thuận. “Công việc tuy vất vả, nhưng càng công tác, tôi nhận thấy công việc ngày càng có ích vì giúp đỡ được đồng đội, những nạn nhân không may bị “thảm họa da cam/dioxin” nên tôi càng phải cố gắng. Bởi vì trong chiến tranh, địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng là nơi địch sử dụng nhiều chất độc hóa học nên kết thúc chiến tranh, nhiều đồng đội, nhân dân đã bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin”. Say mê công việc, những năm gần đây, tuổi cao ông bị bệnh phải điều trị dài ngày. Vết thương chiến tranh, bệnh tật, tuổi cao vẫn không quật ngã được ý chí, nghị lực, sức cống hiến của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Mỗi khi bệnh tật tưởng như không gượng dậy nổi, thế nhưng khi khỏe lại, ông lại ngược xuôi tìm về những nạn nhân da cam, đồng đội còn khó khăn để giúp đỡ họ. Ông tâm sự: “Để chia sẻ giúp đỡ đồng đội hiệu quả, mình phải nắm chắc khó khăn, hiểu rõ từng hoàn cảnh, nguyện vọng của NNCĐDC, xây dựng chương trình hành động của hội phù hợp, sát với từng thời điểm, đối tượng cụ thể”. Bởi vậy, mỗi lần đi khảo sát, thăm tặng quà NNCĐDC, ông luôn tìm hiểu nắm chắc đối tượng có hoàn cảnh nhất để kịp thời giúp đỡ, tạo cho họ công việc làm ăn, sinh sống.
Suốt khoảng thời gian 13 năm, từ năm 2005 - 2018, ông làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Bình Thuận và lúc này tuy ông đã nghỉ việc, nhưng với tình cảm, sự thấu hiểu những khó khăn, bằng uy tín và sự tận tâm, nhiều đối tượng, nhiều gia cảnh, nhiều phận đời ông đều tường tận để tìm sự giúp đỡ họ. Có trường hợp nỗi đau đớn, bất hạnh không thể nói bằng lời. Ông cho rằng “nạn nhân chất độc da cam là người nghèo nhất trong những người nghèo. Người đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Trường hợp bà Lê Thị Lại, ngụ thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong là cán bộ phụ nữ trong kháng chiến, có chồng là thương binh và từ trần sau ngày giải phóng do vết thương tái phát. Hoàn cảnh của bà Lại hết sức khó khăn. Một mình bươn chải nuôi một người con bị nhiễm chất độc da cam, nay bà lại nhận một con nuôi nữa. Ông bày tỏ: Đến thăm bà Lại, tôi càng thấu hiểu nỗi vất vả và khát vọng vươn lên của bà. Cô con gái Lê Thị Ngà đã gần 40 tuổi, nhưng mọi sinh hoạt cá nhân vẫn phải nhờ bàn tay bà. Để có tiền nuôi con, hàng ngày bà đi khắp các thôn, xóm, ngõ ngách thu lượm ve chai bán lấy tiền. Trong một lần đi lượm ve chai, bà phát hiện một bé sơ sinh bị bỏ rơi. Bà lặng lẽ bế đứa bé về tự mua sữa chăm nuôi. Đoàn thể địa phương có đề nghị bà đưa cháu đến tổ chức xã hội nuôi dưỡng, nhưng bà không chịu. Chia sẻ với hoàn cảnh của bà, ông Tâm đã kịp thời vận động nhà hảo tâm xây tặng bà căn nhà tình thương, đồng thời tặng 7 triệu đồng, xin các chế độ trợ cấp để bà có thêm thu nhập và việc làm tốt hơn để nuôi dưỡng 2 con. Ông cho biết: “Đó chỉ là 1 trong số 225 NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn mà tôi đã kịp thời vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân xây tặng 225 căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa”. Tri ân đồng đội, giúp đỡ các nạn nhân, tính từ năm 2005 - 2018, ông còn vận động các tổ chức, nhà hảo tâm, mạnh thường quân được hơn 54 tỷ đồng, tặng 51.740 phần quà; 261 xe lăn; luân phiên cho trên 650 trường hợp vay không tính lãi để NNCĐDC sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ; trao học bổng cho trên 1.000 lượt NNCĐDC. Làm hồ sơ, đề nghị trợ cấp hàng tháng cho 822 đối tượng trực tiếp và gián tiếp bị nhiễm CĐDC hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, ông thường xuyên, chủ động phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều hoạt động cụ thể để chia sẻ, giúp đỡ các NNCĐDC trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Hơn 45 năm, cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng với ông ký ức về cuộc chiến, về những trận đánh, những đồng đội dường như vẫn nguyên vẹn. Giúp ích cho đời, cũng chính là ông sống thêm phần đời của họ - những người “Bộ đội Cụ Hồ”.
Duy Thỉnh