Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam: Sự coi trọng của phía Trung Quốc

Chuyến thăm Việt Nam là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trong năm 2025 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, cho thấy phía Trung Quốc hết sức coi trọng Việt Nam.

Ngày mai (14/4), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 4 của ông Tập Cận Bình trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc. Chuyến thăm được thực hiện trong “Năm giao lưu nhân văn”, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (1950-2025).

PV VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vinh Quang - Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc - nhân sự kiện này.

Ông Nguyễn Vinh Quang từng là Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á (Ban Đối ngoại Trung ương), Công sứ - Phó đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Ông là người nghiên cứu sâu về Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng Bí thư Tô Lâm giới thiệu với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình các thành viên đoàn Việt Nam trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 8/2024. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm giới thiệu với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình các thành viên đoàn Việt Nam trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 8/2024. Ảnh: TTXVN

Ông Quang chia sẻ, xét trong quan hệ 2 nước và thời gian gần đây, các chuyến thăm của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc đến Việt Nam đều có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt năm nay, 2 nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, lãnh đạo 2 bên đã xác định 2025 là "Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung".

Vì vậy, cùng với cuộc điện đàm giữa 2 Tổng Bí thư hồi đầu năm, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình càng có ý nghĩa, có thể coi là mở đầu cho hàng loạt sự kiện giao lưu sắp tới.

Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trong năm 2025 của ông Tập Cận Bình, "cho thấy phía Trung Quốc hết sức coi trọng Việt Nam".

"Chúng tôi mong rằng, qua chuyến thăm này, lãnh đạo 2 nước sẽ trao đổi và đạt được những nhận thức chung mới, đưa quan hệ 2 nước tiến thêm một bước" - ông Nguyễn Vinh Quang kỳ vọng.

Theo ông Quang, 2 bên sẽ đạt được một số thỏa thuận về hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, cụ thể là tạo thuận lợi hơn nữa cho lưu thông hàng hóa, giúp rút ngắn sự chênh lệch cán cân thương mại...

Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Phạm Hải

Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Phạm Hải

Ngoài ra, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc cũng kỳ vọng về việc kết nối cơ sở hạ tầng giữa 2 nước, trước hết là đường sắt, sẽ là một trong những chủ đề được bàn thảo và đạt được thỏa thuận.

Cách đây hơn 1 năm, 2 nước đã thống nhất xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược. Ông Nguyễn Vinh Quang nhận định sự hợp tác này xuất phát từ tầm nhìn lâu dài, không phải 1, 2 năm là có thể thấy ngay kết quả.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy hơn 1 năm qua, thỏa thuận trên có tác động mạnh mẽ trong nhận thức của lãnh đạo và nhân dân 2 nước, tạo thành một động lực tích cực thúc đẩy phát triển quan hệ.

"Với tư cách một người hoạt động trong hội hữu nghị, tôi thường xuyên gặp gỡ các bạn Trung Quốc và nhận thấy sự tin cậy chính trị cao hơn, ở cả các cấp, ngành và địa phương" - ông Quang nhìn nhận.

Dẫn chứng về điều này chính là hợp tác kinh tế thương mại năm qua phát triển rất ấn tượng. Trong năm 2024, kim ngạch thương mại đã vượt mức 200 tỷ USD theo thống kê của Việt Nam và 260 tỷ USD theo số liệu của Trung Quốc.

Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân Việt Nam.

Nền tảng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Lãnh đạo cấp cao 2 nước luôn nhấn mạnh nền tảng của quan hệ Việt - Trung là ở nhân dân, giao lưu mật thiết nhân dân 2 nước trở thành dòng chảy lớn trong tình hữu nghị.

Nhấn mạnh vị trí, vai trò của đối ngoại nhân dân, ông Quang bày tỏ: "Trong quan hệ Việt - Trung, giao lưu nhân dân có vai trò khá đặc biệt. Cả 2 dân tộc Việt Nam và Trung Quốc đã giao lưu hàng ngàn năm nay, có sự giao thoa văn hóa rất rõ nét".

Trong 75 năm qua, sự giao lưu đó càng ngày càng thúc đẩy quan hệ 2 nước gần gũi và chặt chẽ hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ và đại biểu lưu học sinh 2 nước dự Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Phạm Hải

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ và đại biểu lưu học sinh 2 nước dự Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Phạm Hải

Ông Quang khẳng định quan hệ hữu nghị chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở hiểu biết và thông cảm lẫn nhau. Muốn hiểu biết lẫn nhau cần phải tăng cường giao lưu con người. Nói cách khác, ngoài kênh Đảng, kênh Nhà nước thì cần tăng cường giao lưu nhân dân dưới nhiều hình thức.

Vị Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc nêu về chuyến thăm Việt Nam năm 2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm này, lãnh đạo 2 bên đã thảo luận và đưa ra định hướng “6 hơn” nhằm thúc đẩy quan hệ 2 nước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, đáng chú ý là việc làm cho nền tảng xã hội vững chắc hơn, vì đó chính là nền tảng lòng dân của 2 nước.

"Đối ngoại nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này" - ông Quang nói.

Trong chương trình Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ tổ chức vào tháng 3 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định "tình cảm của nhân dân 2 nước được khơi nguồn và duy trì cũng chính là từ thế hệ trẻ".

Ông Nguyễn Vinh Quang cho biết, ông hiểu khẳng định trên của Tổng Bí thư rằng "Tình cảm nhân dân 2 nước, suy cho cùng, không phải được hình thành trong ngày một ngày hai mà là một quá trình lâu dài. Bởi thế, khi đã có được tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước thì phải chú ý bồi dưỡng từ thế hệ trẻ".

Trong khuôn khổ giao lưu hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 24, sáng 13/4, đoàn đại biểu thanh niên Trung Quốc vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh trái) và dự tọa đàm tập hợp đội ngũ trí thức trẻ. Ảnh: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Trong khuôn khổ giao lưu hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 24, sáng 13/4, đoàn đại biểu thanh niên Trung Quốc vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh trái) và dự tọa đàm tập hợp đội ngũ trí thức trẻ. Ảnh: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Dưới góc độ Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, ông cho biết hội rất quan tâm bồi dưỡng nhận thức cho thế hệ trẻ. Muốn làm tốt điều đó, ông Quang khẳng định phải luôn giáo dục thế hệ trẻ không được quên lịch sử. Các bậc tiền bối đã xây dựng và vun đắp mối tình hữu nghị đó, thế hệ sau có sứ mệnh kế thừa và phát triển.

Tới đây, Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc sẽ triển khai các hoạt động du lịch đỏ, theo dấu chân Bác Hồ trên đất Trung Quốc. Hoạt động này nhằm để người dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng nhận thức sâu sắc hơn về lịch sử quan hệ giữa các lãnh đạo tiền bối, quan hệ 2 nước qua các cuộc cách mạng của 2 dân tộc.

Thiết kế: Ngọc Nguyễn

Nội dung Infographic: Bộ Ngoại giao, Cục Thống kê

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ong-tap-can-binh-tham-viet-nam-su-coi-trong-cua-phia-trung-quoc-2390695.html