'Ông Tây' tầm sư học đẽo tượng nhà mồ

Còn nhớ, năm 2018, người dân làng Kép (phường Đống Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thường thấy một 'ông Tây' tìm đến nhà nghệ nhân Ksor H'Nao. Lúc đầu, mọi người cứ tưởng khách mê món gà nướng, cơm lam của quán ông H'Nao. Hóa ra ông ấy đến chỉ để học đẽo tượng nhà mồ. Làng này ông H'Nao tìm người để truyền nghề mà còn chưa kiếm được ai, sao cái 'ông Tây' ở bên trời Âu xa xôi kia lại đến xin học làm gì?

“Ông Tây” mà dân làng Kép nói ấy chính là ông Francois Bourgineau, người Pháp. Nghệ nhân Ksor H’Nao nhớ lại: “Ông ấy biết tôi từ năm 2016. Lúc đó, tôi ra đẽo tượng nhà mồ cho Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Hà Nội). Ông ấy xem chăm chú rồi qua người phiên dịch hỏi tôi ở đâu, học đẽo tượng nhà mồ từ khi nào… Cứ nghĩ ông là khách du lịch hỏi cho biết vậy, chẳng ngờ tháng 3-2018, ông tìm đến tôi nói là xin học nghề. Tôi cười nói với ông rằng, trong quan niệm truyền thống của người Jrai thì đẽo tượng nhà mồ không phải là nghề. Ai muốn học thì tự quan sát rồi bắt chước mà làm theo”.

Nghệ nhân H’Nao kể: Năm ông 16 mùa rẫy thấy người già đẽo tượng thì mê lắm, muốn học theo nhưng hỏi chẳng ai nói, chẳng ai chỉ. Còn cha ông thì một mực ngăn cấm vì sợ con đẽo rìu sa vào chân. “Bực mình, tôi lén lấy rìu, trốn cha ra rừng hì hụi đẽo gọt. Hơn 1 năm tự mày mò, cuối cùng tôi cũng đẽo được bức tượng mẹ bồng con ưng ý. Nhân lúc làng làm tượng mồ cho lễ bỏ mả, tôi mang ra khoe. Ai cũng khen đẹp và cho dựng vào nhà mồ của làng. Vậy là từ đó tôi được công nhận”-ông H’Nao hồi nhớ…

Nghệ nhân Ksor H’Nao (bìa trái) hướng dẫn ông Francois Bourgineau hoàn thành công đoạn cuối cùng của bức tượng nhà mồ. Ảnh: Ngọc Tấn

Nghệ nhân Ksor H’Nao (bìa trái) hướng dẫn ông Francois Bourgineau hoàn thành công đoạn cuối cùng của bức tượng nhà mồ. Ảnh: Ngọc Tấn

Rồi ông kể tiếp: Tất nhiên, bây giờ mọi việc dù đã khác thì cái khó của việc tạo nên một bức tượng nhà mồ truyền thống vẫn còn nguyên đó. Đẽo một khúc gỗ thành hình người thì không khó. Tuy nhiên gieo được vào nó những nỗi khắc khoải trần thế, hóa thân vào một kiếp người đằng sau những nhát rìu thô tháp thì chỉ người tạc tượng mồ thành danh mới làm nổi.

“Hồi đó, tôi nói cho Francois như vậy và hỏi ông học để làm gì”. Ông Francois trả lời: “Học vì thấy tượng nhà mồ của người Jrai đẹp, muốn được tự tay làm theo”. Rồi Francois khoe ở bên Pháp, nhà ông có hẳn một khu vườn tượng do mình sưu tập và trưng bày. Nghĩ đây là một dịp để quảng bá văn hóa của dân tộc mình, nghệ nhân H’Nao tự nhủ sẽ chỉ bảo cho ông Tây này thật nhiệt tình.

Nghệ nhân H’Nao chia sẻ, ngày đầu, ông Francois chỉ quan sát nghệ nhân làm việc và chụp ảnh, quay phim. Ngày thứ 2 mới xin được bắt tay vào việc. Vì ông chỉ thuê phiên dịch ngày đầu nên ông H’Nao phải dạy bằng cách ra hiệu. Chỗ nào không hiểu thì ông yêu cầu làm lại rồi quay phim để về nghiên cứu…

Để được trải nghiệm đầy đủ, ông vẽ mẫu và đặt nghệ nhân H’Nao làm 10 bức tượng mồ với đủ các tư thế. Quan sát cách người nghệ nhân của buôn làng đẽo tượng, ông cứ luôn tay ra hiệu không được “làm đẹp”-nghĩa là phải giữ được sự thô mộc nguyên thủy của tượng nhà mồ. Điều này chứng tỏ, Francois đã có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tượng mồ rất kỹ trước khi đến học. Và, điều đó cũng khiến nghệ nhân H’Nao rất vui, càng chỉ bảo cho ông nhiệt tình hơn… Đến ngày thứ 7, Francois đã có thể tự tay phác thảo một bức tượng dù tay cầm rìu hãy còn ngượng. Nhưng cũng thật bất ngờ đúng lúc này ông xin thôi học.

“Tôi thấy tiếc, hỏi sao ông không học thêm thời gian nữa để có thể tự đẽo lấy một bức tượng hoàn chỉnh. Francois gãi đầu lúng túng tỏ ý mình cũng rất tiếc nhưng vì đã… hết tiền. Tôi không tiện hỏi ông ở bên Pháp làm nghề gì, nhưng chứng tỏ ông cũng chẳng phải là người giàu có”-nghệ nhân H’Nao kể.

Xúc động trước tấm lòng yêu văn hóa của Francois, 10 bức tượng ông đặt làm, nghệ nhân H’Nao chỉ lấy tiền công mỗi bức 500 ngàn đồng; đồng thời, chiêu đãi ông một bữa đặc sản cơm lam, gà nướng, rượu cần để chia tay.

“Vậy là đã gần 2 năm chúng tôi chưa có dịp gặp lại, cũng không thấy Francois liên lạc. Dẫu vậy thì mỗi khi nghĩ về ông, tôi vẫn thấy vui”. Nói rồi, nghệ nhân Ksor H’Nao cười hóm hỉnh và dẫn tôi đến bức tượng mồ, sản phẩm chung của ông và Francois. “Tôi sẽ giữ nó suốt đời vì niềm vui đó!”-ông H’Nao khẳng định.

NGỌC TẤN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202102/ong-tay-tam-su-hoc-deo-tuong-nha-mo-5722630/