Ông Thaksin tính toán gì khi tuyên bố trở về Thái Lan?

Giới phân tích cho rằng việc cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra thông báo trở về Thái Lan vào tháng 7 có thể là một gợi ý về khả năng thỏa thuận với đối thủ cũ.

Cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra ngày 9/5 tuyên bố sẽ trở lại Thái Lan vào tháng 7 sau 17 năm sống lưu vong.

“Tôi đang xin phép một lần nữa. Tôi quyết định sẽ về thăm các cháu vào tháng 7, trước sinh nhật của tôi”, ông Thaksin viết trên Twitter, trong tuyên bố mới nhất về sự trở lại của ông.

“Tôi muốn có sự cho phép. Đã 17 năm tôi xa gia đình. Tôi già rồi”, ông cho biết thêm, nhưng không tiết lộ ai là người mà ông đang xin phép.

Cựu thủ tướng 73 tuổi này đã rời khỏi Thái Lan từ năm 2008 để tránh án tù 2 năm vì cáo buộc tham nhũng, sau khi bị lật đổ vào năm 2006.

Bà Paetongtarn Shinawatra, con gái ông Thaksin, hiện là ứng viên hàng đầu của đảng Pheu Thai trong cuộc bầu cử sắp tới. Do đó, tuyên bố của ông Thaksin trong khoảng thời gian này thu hút sự chú ý rất lớn từ công chúng, theo SCMP.

Câu hỏi hóc búa

Đảng Pheu Thai đang tìm cách giành được nhiều ghế ở Hạ viện để chặn con đường trở lại nắm quyền của Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha. Song họ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khi hệ thống bầu cử ủng hộ các đảng ủy nhiệm của quân đội.

Mặc dù ông Thaksin không có mối liên hệ chính thức nào với đảng Pheu Thai, nhiều người cho rằng ông là người "chỉ đạo hậu trường". Những đồn đoán về sự trở lại của ông luôn có tác động mạnh mẽ đến chính trường Thái Lan.

“Xin đừng lo lắng rằng tôi sẽ trở thành gánh nặng cho đảng Pheu Thai”, ông Thaksin viết trên Twitter. “Tôi sẽ tuân theo quy trình pháp lý và ngày tôi trở lại sẽ là thời điểm mà ông Prayuth Chan-ocha vẫn còn là người tạm quyền tại văn phòng”.

 Cựu Thủ tướng Thaksin và con gái Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: Asia Times.

Cựu Thủ tướng Thaksin và con gái Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: Asia Times.

Trả lời câu hỏi về tuyên bố của ông Thaksin, một phát ngôn viên của đảng Pheu Thai cho biết đây là quan điểm cá nhân của cựu thủ tướng và không liên quan đến đảng.

Song giới phân tích nhận định thông báo của ông Thaksin có thể gây xôn xao khi các cử tri chuẩn bị bỏ phiếu, kéo theo những hệ lụy cho cuộc bầu cử và các thỏa thuận khó tránh nhằm thành lập chính phủ sau đó.

Nếu ông Thaksin quyết định trở về nhà, điều đó có thể làm phức tạp thêm nỗ lực sau bầu cử của đảng Pheu Thai nhằm thành lập một liên minh với các đảng ủng hộ dân chủ khác.

Nguyên nhân là ông Thaksin - người đang đối mặt với án tù - sẽ phải thỏa thuận với một số thành phần trong quân đội nếu muốn về nước, theo Reuters.

"Thông báo này có thể gợi ý rằng đảng Pheu Thai đang tìm kiếm một thỏa thuận giúp họ liên kết với các đối thủ cũ để đưa ông Thaksin về nước", ông Titipol Phakdeewanich, trưởng khoa khoa học chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani, cho biết.

Dù với mục đích nào, ông Thaksin một lần nữa đặt mình vào trung tâm của các cuộc thảo luận về chính trị tại Thái Lan.

"Để ông Thaksin về nước, cần phải có một thỏa thuận. Ông ấy không thể cứ thế bước vào Thái Lan", ông Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, cho biết.

"Hậu bầu cử, đảng Pheu Thai sẽ chờ đợi thời cơ và tìm kiếm thỏa thuận. Đó là lý do tôi nghĩ khả năng đảng Pheu Thai đồng hành với Move Forward rất mong manh", ông nhận định.

Về lý do khiến phe bảo thủ có thể sẵn sàng thỏa thuận và cho phép đối thủ trong nhiều thập kỷ quay trở lại, ông Thitinan nói rằng sau nhiều sóng gió, nhiều người tin đã đến lúc không còn đáng để chống lại ông Thaksin.

Trên thực tế, các chính sách dân túy từng được coi là cực đoan đã được lồng ghép vào hầu hết đảng phái tại Thái Lan, kể cả những đảng ủng hộ quân đội, vị chuyên gia từ Đại học Chulalongkorn cho biết.

“Các đối thủ và những người khác sẽ suy nghĩ nếu muốn Thái Lan vượt qua khó khăn này, tìm lại hòa bình và ổn định, họ phải giải quyết được câu hỏi hóc búa về ông Thaksin”, ông nói thêm.

Đối với nhóm theo chủ nghĩa bảo hoàng và ủng hộ quân đội, ông Titipol cho biết mối đe dọa mà ông Thaksin đại diện bấy lâu nay đã được thay thế bằng Move Forward - chính đảng có những đề xuất thậm chí còn cấp tiến hơn như kêu gọi sửa luật trừng phạt hành vi chỉ trích nhà vua.

"Họ ghét đảng Move Forward hơn. Họ coi đảng này là mối đe dọa lớn hơn do các chương trình cải cách của họ", ông nói thêm.

Ai muốn thay đổi?

Ông Thaksin và tướng Prayuth từng là hai trong số những nhân vật chủ chốt gây ra sự rạn nứt chính trị ở Thái Lan.

Song những thế lực cũ này đều phải đối mặt với mối đe dọa mới từ sự ủng hộ ngày càng tăng dành cho đảng Move Forward (MFP) - phe được bầu chọn nhiều thứ hai sau đảng Pheu Thai.

MFP muốn chấm dứt nghĩa vụ quân sự, phá vỡ độc quyền, cắt giảm quyền lực quân đội và sửa đổi luật gây tranh cãi nhất về tội phỉ báng hoàng gia.

 Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward. Ảnh: Reuters.

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward. Ảnh: Reuters.

Trong tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử, ông Prayuth đã đi thăm các vùng trung tâm của phe bảo hoàng ở phía nam, cảnh báo những người ủng hộ thay đổi sẽ chia cắt lịch sử và văn hóa Thái Lan.

“Thái Lan không thể bị chia cắt”, ông nói từ chiếc xe buýt vận động tranh cử hôm 8/5. “Chúng ta phải đoàn kết phát triển. Hãy yêu quốc gia, tôn giáo và nhà vua của bạn”.

Ông Prayuth tuyên truyền câu chuyện về bản thân, rằng một người lính miễn cưỡng phải nắm quyền để cứu đất nước khỏi cảnh hỗn loạn và mất đoàn kết. Ông nói rằng Thái Lan vẫn có nguy cơ bất ổn trừ khi các lá phiếu ủng hộ ông.

Trước đó, một video chiến dịch bóng bẩy do đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) phát hành vào ngày 7/5 đã mô tả “sự thay đổi” như một mối đe dọa với lối sống của người Thái.

Video dàn dựng các tình huống khi biên giới không được bảo vệ do chấm dứt nghĩa vụ quân sự, trẻ em chế nhạo người lớn tuổi trong bữa tối và phụ nữ trẻ tự bán hình ảnh trên mạng, trong khi niềm tin và giá trị biến mất.

Quảng cáo kết thúc với câu hỏi: “Bạn có thực sự muốn Thái Lan không còn như trước?”.

“Đó là một thông điệp tuyệt vọng, nhưng điều đó không có nghĩa nó không hiệu quả”, ông Voranai Vanijaka, ứng viên của đảng Chartpattankla, nói với This Week in Asia.

Khoảng 40% cử tri đủ điều kiện thuộc thế hệ millennials hoặc Gen Z, những người ủng hộ các đảng đề cao dân chủ và muốn tướng Prayuth rời đi.

Tuy nhiên, Thái Lan vẫn còn một số lượng lớn cử tri ở độ tuổi cuối 40 trở lên và các chuyên gia cho rằng họ là những cử tri mà ông Prayuth và các đảng bảo thủ khác đang thuyết phục.

“Ông (Prayuth) không muốn từ bỏ quyền lực. Ông tin tưởng sâu sắc vào việc Thái Lan vẫn luôn như vậy và sẽ không đứng sang một bên để người khác phát triển đất nước này”, ông Vanijaka nói thêm.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-thaksin-tinh-toan-gi-khi-tuyen-bo-tro-ve-thai-lan-post1430271.html