'Ông thủy nông'

Trụ sở Cụm thủy nông N3 ở đâu bác?, tôi hỏi một vài người dân nhưng đều nhận được cái lắc đầu không biết. Một bác nông dân hỏi lại: 'Có phải chú muốn hỏi mấy 'ông thủy nông' không, là mấy người chuyên mở nước về ruộng cho bà con đó. Ông thủy nông thì ai cũng biết'. Thì ra, ở đây người dân gọi công nhân thủy nông là 'ông thủy nông'. Suốt ngày cứ: 'Ông thủy nông' ơi cho tôi nước để mai sạ lúa. 'Ông thủy nông' ơi ruộng tôi đầy nước rồi. 'Ông thủy nông' ơi vô ăn cơm với gia đình tui. 'Ông thủy nông ơi'… Và cứ thế, cái tên 'ông thủy nông' theo tiếng gọi tha thiết mà lặng lẽ bước vào cuộc sống của người nông dân lam lũ như một dòng nước nghĩa tình gắn với ruộng đồng quê hương.

 Công nhân thủy nông tranh thủ nạo vét kênh mương để khơi thông dòng chảy. Ảnh: MT

Công nhân thủy nông tranh thủ nạo vét kênh mương để khơi thông dòng chảy. Ảnh: MT

Nghề nguy hiểm

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, từ xưa đến nay, nước luôn chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, quyết định năng suất cây trồng, đời sống kinh tế mỗi gia đình. Nên về thăm cánh đồng lúa thuộc huyện Triệu Phong, ông Trần Nguyễn Dược, cán bộ Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn nhớ lại, cách đây mấy chục năm cũng làm một công nhân thủy nông điều tiết nước cho nông dân. Hồi đó hệ thống đê điều manh mún nên ruộng đồng thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước, phải chia công bằng từng phân một. Nguy hiểm lắm, công nhân vừa quay lưng là một số người rút miệng cống ngăn nước, gây ra nhiều trận xô xát. Thế nên, cạnh “ông thủy nông” bao giờ cũng bố trí lực lượng công an bảo vệ.

Câu chuyện của ông Dược làm tôi nhớ lại hình ảnh bà nội tôi phá bờ ruộng chia nước với bà con. Dạo ấy đưa nước về ruộng phải huy động nhiều nhân lực và làm thay nhau dùng gàu, xô tát nước suốt đêm. Gia đình tôi đông người nên chẳng mấy chốc ruộng đầy nước. Nhưng thay vào đó hồ chứa cũng cạn trơ đáy. Cách gia đình mấy đám ruộng, o Loan, một phụ nữ góa chồng ôm đứa con nhỏ ngồi bệt xuống bờ đất tuyệt vọng nhìn đám ruộng khô nứt nẻ, cây lúa héo vàng xơ xác. Mọi người chưa biết xử lý sao thì bà tôi vác cuốc xăm xăm đến phá một đoạn bờ ruộng của gia đình. Nước từ ruộng nhà tôi chảy ào ào sang đám ruộng liền kề. Chú tôi kêu lên: “Mạ mần rứa, lúa mình chết hết thì răng”. Bà mắng: “Họ chết bây sống một mình à”. Thế là mấy nông dân có đám ruộng liền kề như bừng tỉnh, họ dùng cuốc phá bờ ruộng mình nối thành dòng chảy đến tận đám ruộng o Loan. Bài học làm người của chúng tôi phần nào cũng từ những nhát cuốc nghĩa tình của bà nội.

Cụm thủy nông N3, Xí ngiệp Thủy nông Nam Thạch Hãn, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi (QLKTCTTL) Quảng Trị có 8 công nhân quản lý gần 14 km kênh với hơn 65 van chắn nước, tưới gần 1,5 nghìn ha ruộng huyện Triệu Phong. Trung bình mỗi công nhân quản lý 1,6 km kênh mương với khoảng 8 hệ thống van chắn nước. Ông Phan Thanh Thành, Cụm trưởng thủy nông N3 nói, nghề thủy nông đòi hỏi lòng dũng cảm, sức khỏe và sự dẻo dai.

 Thường xuyên bảo dưỡng hệ thống van chắn nước. Ảnh: MT

Thường xuyên bảo dưỡng hệ thống van chắn nước. Ảnh: MT

Theo giải thích của ông Thành, lịch công tác mỗi cụm luân phiên nhau 6 ngày mở nước, 6 ngày đóng nước. Trong suốt thời gian này, ngày như đêm, người công nhân thủy nông như một vận động viên ma ra tông mãi miết di chuyển trên cung đường dài 1.600 m, chẳng ai có thể đếm hết số vòng chạy. Thêm vào đó phải liên tục mở, đóng các van để điều chỉnh lượng nước. Van chắn nước, cái nhẹ nhất cũng 50 kg, phải dùng một vô lăng như của xe ô tô cùng với hệ thống ren để nhấc mở hoặc hạ van đóng nước. Nhiều van lớn phải ba đến 4 người mới điều khiển được. Mọi người cho rằng, mỗi công nhân thủy nông xứng đáng là một vận động viên điền kinh, vận động viên thể hình là thế. Ngày đội nắng mưa, đêm thức canh nước. Thời điểm hạn hán nước khan hiếm, một số người dân sợ lúa chết nên thừa lúc vắng người tự ý mở nước chảy vào khu vực ruộng gia đình mình. Nhiều hộ tuy ruộng đầy nước, nhưng ban ngày nắng gắt khiến nước ở ruộng nóng lên, lợi dụng ban đêm lén xả nước nóng này ra sông và mở van đưa nước từ kênh vào thay thế. Công nhân thủy nông thường xuyên kiểm tra van đóng mở ở các kênh, vừa theo dõi cống xả ra các sông để ngăn chặn tình trạng này. Phát hiện bà con sai phạm thì nhẹ nhàng góp ý, vận động tuân thủ lịch mở nước để phân bố đồng đều ruộng đồng trong khu vực.

Những người mê nghề

Vất vả, hiểm nguy thế, nhưng hầu như chưa một ai bỏ nghề để tìm công việc nhẹ nhàng khác.

Ở Cụm thủy nông N3, các ông: Phan Thanh Thành có 20 năm trong nghề, Nguyễn Tiến Dũng 23 năm, Lê Văn Lập 28 năm, cũng có nhiều người chưa tới 25 tuổi, vài năm nghề. Đặc biệt, ở đây có một nữ công nhân là Đoàn Thị Diệu Thủy, sinh năm 1980, có 18 năm trong nghề. Thủy mới nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp thủy nông. Chồng chị Thủy cũng là công nhân thủy nông ở một cụm khác. Chị tâm sự: Mỗi khi cả hai vợ chồng trực nước, mọi việc giao cho cháu lớn năm nay học lớp 11. Nhiều khi bão lụt xảy ra, công tác cứu hộ đê khẩn cấp, các con ở nhà cũng đối mặt với nhiều bất trắc. Công việc xong xuôi điện thoại về nghe tiếng các con a lô là mừng phát khóc.

Anh Dũng, một công nhân nói thêm: Dù khó khăn đến đâu, nhưng làm công nhân thủy nông thì nhà cửa phải kiên cố, xây dựng nơi cao ráo, đảm bảo chống chọi với thiên tai. Vì mùa bão lụt, chúng tôi phải trực 100% trên mặt đê, nên “hậu phương” phải vững chắc.

Ông Phan Thanh Thành tâm sự, từ bản thân tôi để thấy các đồng nghiệp khác, nếu không mê nghề này thì không bao giờ trụ vững. Nghề này phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Đặc biệt mùa bão lũ phải thức suốt đêm canh gác mặt đê, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Trong khi đó lương công nhân lại thấp, trước kia trực đêm có chế độ bồi dưỡng mỗi người một gói mì tôm, quả trứng, nhưng 8 năm nay không thấy.

Khi tôi đề nghị công nhân mang bộ đồ bảo hộ lao động để chụp một kiểu ảnh kỷ niệm, các anh bối rối thú nhận, mỗi năm một người công nhân được nhận một bộ áo quần nên giặt… chưa kịp khô. Các anh nói thế, nhưng tôi biết, nếu chỉ một bộ đồ bảo hộ để dùng cho một công nhân suốt ngày dầm mưa dải nắng, thì chẳng có chất liệu vải nào có thể trụ nổi quá mươi ngày.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên QLKTCTTL Quảng Trị giải thích: Nguồn kinh phí của công ty được Nhà nước cấp bù thủy lợi phí trên cơ sở diện tích tưới tiêu phục vụ. Từ năm 2013 đến nay định mức cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước không thay đổi và diện tích tưới tiêu của công ty tăng không nhiều. Trong khi đó do biến động giá cả, tiền lương, vật tư nhiên liệu tiền điện bơm tưới hằng năm đều tăng nên từ năm 2016 đến nay nguồn thu không đủ để chi thường xuyên. Các năm 2016-2019, UBND tỉnh chỉ giao kế hoạch các khoản chi gói gọn trong tổng doanh thu của công ty nên chúng tôi không có kinh phí để chi trả cho người lao động, nhiều khoản chi bị cắt như: Tiền trực đêm bảo vệ công trình, bảo vệ nước, làm thêm giờ vào các ngày nghỉ lễ…

Trước bao trăn trở của ông Lê Văn Trường, chúng tôi thiết nghĩ, công ty nên có giải pháp ưu tiên hàng đầu cho tái sản xuất sức lao động của đội ngũ công nhân. Vì chắc chắn rằng, với lòng nhiệt huyết, đam mê cống hiến của họ, nếu được cộng hưởng bằng sự quan tâm động viên kịp thời thì hiệu quả công việc sẽ được nâng lên.

Khuya vắng, khi vạn vật chìm vào tĩnh mịch, thì ngoài cánh đồng hun hút gió, trên mặt kênh trơn ẩm, những ánh đèn pin vẫn loang loáng canh thức sáng hôm. Người dân sẽ lại nói: “Ông thủy nông” đang vào ca tối.

Minh Tuấn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=147330