Ông tổ châm cứu Việt Nam

Nhiều thế kỷ nay, những di sản về cách trị bệnh không dùng thuốc mà danh y Nguyễn Đại Năng để lại cho đời vẫn được các thế hệ lương y trong cả nước gìn giữ và phát huy trong chữa bệnh cứu người, góp phần nâng tầm vị thế nền y học nước nhà.

Cuốn sách "Châm cứu tiệp hiệu diễn ca" là di sản quý về phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc

Cuốn sách "Châm cứu tiệp hiệu diễn ca" là di sản quý về phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc

Cuốn sách quý "Châm cứu tiệp hiệu diễn ca"

Trong lịch sử y dược học của dân tộc, Hải Dương xưa tự hào là nơi sinh ra, nuôi dưỡng nhiều thầy thuốc có đóng góp rất lớn cho nền y - dược học nước nhà như đại danh y Tuệ Tĩnh - người được suy tôn là Thánh thuốc nam hay Hải Thượng Lãn Ông - một đại danh y uyên thâm nhiều lĩnh vực vốn sinh trưởng trên đất Thượng Hồng… Trong số các thầy thuốc nổi danh của vùng đất xứ Đông xưa, danh y Nguyễn Đại Năng nổi lên như một trường hợp đặc biệt khi ông sử dụng thuật châm cứu để chữa bệnh cứu người. Phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc của ông được các thế hệ lương y trong cả nước kế thừa, phát huy đến tận ngày nay.

Thời gian đã lùi xa hơn 6 thế kỷ, rồi chiến tranh loạn lạc liên miên nên những di sản của danh y Nguyễn Đại Năng để lại cho đời không còn nhiều. Công trình lớn nhất góp phần tạo nên danh tiếng của ông là tác phẩm: "Châm cứu tiệp hiệu diễn ca" - cuốn sách "gối đầu giường" của các nhà châm cứu Việt Nam nhiều thế kỷ nay. Nội dung của cuốn sách không phải là những câu chữ chuyên ngành y học khô khan mà là những bài thơ viết bằng chữ Nôm ghi lại cách chữa 130 loại bệnh với 170 huyệt châm cứu, trong đó có 34 huyệt trước đó chưa hề có trong bất cứ tác phẩm y dược học nào. "Cách chữa bệnh bằng châm cứu đã xuất hiện ở nước ngoài đương thời nhưng nhiều huyệt châm trong sách này chỉ thấy ở Việt Nam. Đây là những sáng tạo quý báu do Nguyễn Đại Năng tìm ra hoặc do kinh nghiệm đương thời mà ông đã áp dụng và ghi lại. Đặc biệt, cuốn sách được viết bằng chữ Nôm đã thể hiện lòng tự hào dân tộc cao đẹp của vị danh y này", nhà sử học Tăng Bá Hoành nhận xét.

Cầm trên tay cuốn "Châm cứu tiệp hiệu diễn ca", lương y Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Đông Bắc thuộc Trung tâm Dịch vụ Nam y (Hội Nam y Việt Nam) cho biết cuốn sách đã đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình chữa bệnh cứu người, hướng dẫn cách lấy huyệt, chỉ định huyệt chữa bệnh, sắp xếp các huyệt theo từng bộ vị, từng kinh mạch của cơ thể. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tác phẩm “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca” là di sản quý báu về phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc mà danh y Nguyễn Đại Năng đã để lại cho hậu thế, góp phần xây dựng nền khoa học châm cứu Việt Nam. Hình thức, ngôn ngữ của tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Những kiến thức về châm cứu của danh y để lại đã ảnh hưởng to lớn đến nhiều thế hệ những nhà châm cứu sau này, trong đó có “bàn tay vàng” Nguyễn Tài Thu, người đưa châm cứu Việt Nam ra thế giới, khiến cho cả thế giới ngưỡng mộ.

Quảng trường trung tâm thị xã Kinh Môn mang tên Nguyễn Đại Năng

Quảng trường trung tâm thị xã Kinh Môn mang tên Nguyễn Đại Năng

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Đến nay, những gì hậu thế biết về danh y Nguyễn Đại Năng chỉ là một số thông tin ít ỏi được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư: Năm Quý Mùi, niên hiệu Khai Đại nguyên niên (1403): “Người phương sĩ ở Giáp Sơn tên là Nguyễn Đại Năng có thuật lấy lửa chích hoặc lấy kim châm để chữa bệnh cho người. Hán Thương bổ làm chức Tự thừa, đặt quan thuộc thự Quảng tế (cơ quan y tế) bắt đầu từ đấy. Đại Năng… có sức khỏe, có thể bắn được nỏ cứng. Sau làm Quảng tế lệnh kiêm giữ dinh Binh qua, coi quân Sùng uy". Những dòng ghi chép ngắn ngủi trong chính sử chỉ cho chúng ta biết ông quê ở Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, nay là phường Hiệp An (Kinh Môn). Ngoài ra không có bất cứ thông tin nào về năm sinh, năm mất, dòng tộc hoặc nơi thờ tự của ông.

Để làm rõ thân thế, quê quán, dòng tộc và nơi thờ phụng danh y Nguyễn Đại Năng, Hội Châm cứu Hải Dương phối hợp với Bảo tàng tỉnh đã nghiên cứu trên quy mô rộng gồm 101 di tích lịch sử, văn hóa của Kinh Môn và vùng phụ cận với sự hỗ trợ, cộng tác của các bảo tàng phía Bắc, kết hợp điền dã ở các xã trọng điểm thuộc thị xã Kinh Môn và các huyện Thủy Nguyên, An Hải (Hải Phòng). Tuy nhiên, tất cả những cố gắng đó đến nay vẫn chưa có kết quả. Thời gian đã xóa nhòa những dấu tích về một thầy thuốc kỳ tài trong lịch sử dân tộc.

Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể vào những năm cuối triều Trần, đầu triều Hồ đất nước rơi vào cảnh loạn lạc rồi quốc gia Đại Việt lại chịu 20 năm đô hộ của nhà Minh nên những di tích về ông đã bị phá hủy. Hay vì là một trung thần nên khi nhà Hồ bị diệt ông đã mai danh ẩn tích, thay tên đổi họ để cho người đời không còn ai biết đến cái tên "Nguyễn Đại Năng" nữa? Hoặc ông đã chịu chung số phận với hàng nghìn thợ khéo, thầy thuốc giỏi đã bị nhà Minh bắt đưa về Trung Quốc để rồi mãi mãi nằm lại nơi xứ người?

Những câu hỏi đó cần được giải đáp để hậu thế có thể hiểu rõ hơn về ông tổ thuật châm cứu Việt Nam. Tên của ông đã được đặt cho nhiều tuyến đường ở TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn và một số tỉnh, thành phố khác trong nước. Quảng trường trung tâm thị xã Kinh Môn cũng được mang tên ông. Thế nhưng những người nặng lòng với nền y học cổ truyền còn mong muốn tôn vinh Nguyễn Đại Năng là đại danh y, thành lập viện châm cứu mang tên ông, xây đền thờ hoặc khu tưởng niệm trên quê hương Kinh Môn... để xứng đáng với đóng góp của ông.

VỊ THỦY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/danh-nhan/ong-to-cham-cuu-viet-nam-158767