Ông tôi noi gương Bác Hồ

Tôi nhận ra những điều hàng ngày ông tôi đã và đang thực hiện đều là biểu hiện của những tư tưởng, phẩm chất, phong cách tiêu biểu đã được kết tinh ở Bác Hồ.

Ông tôi vẫn thường nói: Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương để ta có thể học tập và làm theo; biết lựa chọn, tiếp thu những điều tốt đẹp ngay ở những người xung quanh ta chính là cách để mỗi người không ngừng vươn lên hoàn thiện bản thân mình. Bởi vậy, từ lâu, phương pháp giáo dục con cháu theo kiểu nêu gương vốn đã trở thành nếp nhà trong gia đình tôi. Ví như tôi thấy, cả cuộc đời ông tôi đã học tập và làm được nhiều điều tốt đẹp từ Bác Hồ kính yêu!

Ông tôi không nhớ rõ ngày sinh của mình nhưng ước chừng ông đã ngoài 80 tuổi, vì ông thuộc thế hệ những chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ giai đoạn đầu. Ông bảo: Tuổi thanh xuân của ông thời ấy, ai cũng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Bác Hồ, của Đảng mà hăng hái lên đường tham gia kháng chiến. Chính từ tấm gương của Bác, tuổi thanh niên đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, sau bao nhiêu năm bôn ba trở về, Bác cũng chỉ đau đáu với mong muốn “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vậy nên bao thế hệ thanh niên đương thời cũng đã luôn biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu.

Có lẽ vì rất cảm phục, kính mến Bác Hồ mà từ nhỏ, tôi đã thấy ông tôi treo trong nhà tấm ảnh Bác. Tấm ảnh chân dung Bác được ông tôi tự tay đóng khung, treo trên bức tường vôi ngay ở gian chính giữa nhà, cạnh bàn thờ gia tiên. Và thể nào cuối năm, khi dọn dẹp nhà cửa, tấm ảnh Bác Hồ cũng được ông lau chùi cẩn thận. Đến giờ, ông tôi vẫn thích xem những hình ảnh, tư liệu, nhất là những thước phim về cuộc đời của Bác Hồ. Mỗi lần như thế, tôi lại thấy ông không giấu nổi sự thành kính xen lẫn niềm xúc động. Tuổi thơ tôi đã được nghe ông kể nhiều chuyện về Bác Hồ và thích nhất là được ông đọc cho nghe những vẫn thơ chúc tết của Bác!

Nghe bà tôi kể: Khi hòa bình lập lại, vì từng là cựu chiến binh, lại có chút học vấn nên ông tôi từng được mọi người tín nhiệm làm chủ nhiệm hợp tác xã, rồi làm chủ tịch xã. Thời gian ấy, dù ông làm cán bộ, tận tụy cả ngày với việc công nhưng gia đình ông bà tôi vẫn như bao gia đình khác, tuyệt nhiên ông không hề tơ hào đến cái kim sợi chỉ của người dân. Ông bảo, làm cán bộ có “chí công vô tư” thì mới có thể xây dựng được niềm tin trong lòng dân; mới được dân tin tưởng, ủng hộ. Đó chính là phẩm chất chính trị, đạo đức đầu tiên của một người làm cán bộ và cũng là điều ông luôn tâm niệm từ lời dạy của Bác.

Trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong công việc, ông tôi luôn thực hành lối sống giản dị, tiết kiệm, gọn gàng, sạch sẽ. Ông thích đi dép cao su, mặc áo quân phục, thích ăn uống đơn giản, đạm bạc. Đồ dùng của ông, nhất là nơi ông nằm, mọi thứ đều được sắp xếp, cất đặt cẩn thận, ngăn nắp và được lau chùi, quét dọn thường xuyên. Trong gia đình cũng như với xóm giềng, làng xã, ông tôi luôn giữ tinh thần đoàn kết, bác ái. Những việc chung của cộng đồng, ông đều tích cực tham gia góp mặt, góp ý trên tinh thần xây dựng. Với những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn, ông cũng gần gũi, động viên, sẻ chia trong khả năng có thể… Tôi nhận ra những điều hàng ngày ông tôi đã và đang thực hiện đều là biểu hiện của những tư tưởng, phẩm chất, phong cách tiêu biểu đã được kết tinh ở Bác Hồ.

Có lần, ông tôi còn bảo: Hiện nay, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành một phong trào, hoạt động sâu rộng và hữu ích. Tuy nhiên, hoạt động này cũng cần phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa và cần phải gắn với những hoạt động cụ thể, thiết thực hơn nữa. Đó cũng là cách mỗi người thể hiện sự tri ân với Bác, góp phần xây dựng lối sống văn minh, đất nước đẹp giàu như mong muốn của Bác… Nghe vậy, tôi càng thêm yêu mến ông và càng nhận ra cần phải tích cực hơn nữa trong việc học tập, làm theo tấm gương từ Bác.

Thu Đình

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/ong-toi-noi-guong-bac-ho-212320.html