Ông Tony Blair: Việt Nam có tiềm năng rất lớn để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực kinh tế số
Sáng ngày 17/4, tại trụ sở Bộ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp và trao đổi với ông Tony Blair, cựu Thủ tướng Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Chủ tịch Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) nhân dịp ông thăm và làm việc tại Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Anh và đánh giá cao việc Anh quan tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Quan hệ hợp tác Việt Nam-Anh đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất.
Anh là nước châu Âu có hoạt động trao đổi đoàn cấp cao sôi động nhất với Việt Nam. Thương mại hai chiều đã lấy lại đà tăng trưởng nhờ việc tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA) .
Kim ngạch thương mại năm 2023 đạt 7,1 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2022; Anh là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai của châu Âu đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD.
Hợp tác song phương trong các lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục-đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế tiếp tục được thúc đẩy.
Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2024 là năm tổng tuyển cử của Anh, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ hy vọng quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp trên nền tảng quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai quốc gia.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao những đóng góp của ông Tony Blair trong nhiệm kỳ Thủ tướng Vương quốc Anh (1997-2007) đối với quan hệ giữa hai nước.
Nhấn mạnh mong muốn ông Tony Blair - một thành viên uy tín trong chính trường Anh nói chung và trong Đảng Lao động nói riêng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục quan tâm, có tiếng nói góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam-Anh trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác phát triển, giáo dục đào tạo, công nghệ cao, phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam rất coi trọng tăng cường hợp tác quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài để phát triển đất nước bền vững, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược mới như kinh tế xanh và phát triển bền vững, kinh tế số và đổi mới sáng tạo...
Trong đó, về phát triển bền vững, Việt Nam đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải tại Hội nghị COP 26 và đang tích cực triển khai, bao gồm việc thông qua Tuyên bố chính trị về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước G7.
Về kinh tế số, Chính phủ đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng trên cơ sở 3 trụ cột về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Trong tiến trình này, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác quốc tế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm... trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư từ các đối tác tiềm năng, bao gồm các tập đoàn, các quỹ đầu tư từ khu vực Trung Đông; đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các yêu cầu mới của thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Trong bối cảnh công tác ngoại giao kinh tế được khẳng định là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong đàm phán và thực thi các thỏa thuận kinh tế song phương và đa phương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thu hút nguồn vốn, đầu tư, công nghệ và các nguồn lực cho phát triển.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn các đối tác quốc tế hợp tác, hỗ trợ triển khai công tác ngoại giao kinh tế ngày càng hiệu quả, thực chất, thúc đẩy ngoại giao số, đào tạo năng lực cho cán bộ ngoại giao và cán bộ các địa phương làm công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế.
Bộ trưởng đề nghị Viện TBI hỗ trợ Học viện Ngoại giao kết nối với các cơ quan, tập đoàn, doanh nghiệp, viện nghiên cứu lớn trên thế giới để tăng cường trao đổi thực chất, nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề, xu hướng mới của kinh tế thế giới như: trí tuệ nhân tạo tạo sinh, sản xuất chip bán dẫn, chuyển đổi năng lượng sạch.
Chia sẻ các ý kiến của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, ông Tony Blair bày tỏ vui mừng thăm lại Việt Nam và chứng kiến những thay đổi ấn tượng về kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ông Tony Blair khẳng định các chính quyền của Anh nhất quán trong đường lối ngoại giao với Việt Nam, mong muốn thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, một đối tác quan trọng của Anh tại khu vực. Cá nhân ông Tony Blair sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp để quan hệ Việt Nam-Anh phát triển hơn nữa trên mọi lĩnh vực.
Cựu Thủ tướng Anh đưa ra nhận định nền kinh tế thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, được thúc đẩy bởi các động lực mới, đặc biệt là sự phát triển thần tốc của trí tuệ nhân tạo tạo sinh, nhiều quốc gia đang đầu tư mạnh nâng cao năng lực tính toán, tranh thủ các thành tựu trong lĩnh vực này để tạo ra đột phá về năng suất.
Ông Blair nhận định trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra thay đổi thần tốc và bao trùm đối với nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, ông Tony Blair cho rằng Việt Nam đang có những tiềm năng rất lớn để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực kinh tế số.
Chủ tịch Viện Tony Blair đánh giá cao những nỗ lực mạnh mẽ và thực chất của Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, đa dạng hóa các thị trường và đối tác kinh tế, đầu tư.
Ông cũng cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác quốc tế về thu hút nguồn lực cho tăng trưởng xanh và phát triển năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo và kinh tế số, thu hút đầu tư từ khu vực Trung Đông trên cơ sở có kế hoạch và dự án hợp tác cụ thể.
Cựu Thủ tướng Anh bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Viện TBI sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động trao đổi, hợp tác với một số bộ, ngành của Việt Nam trong một số lĩnh vực cùng quan tâm.