Ông Trần Đình Triển nhận án 3 năm tù

Sau 2 ngày xét xử, sáng nay (10/1), TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Trần Đình Triển mức án 3 năm tù về tội 'Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân'.

Theo cáo buộc, ngày 3/2/2013, ông Trần Đình Triển tạo lập tài khoản trên trang mạng xã hội Facebook mang tên “Trần Đình Triển”, đăng ký với thông tin là Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân.

Tài khoản Facebook này chỉ do cá nhân ông Triển quản lý, sử dụng, không chia sẻ quyền quản trị với người nào khác. Quá trình hành nghề luật sư, ông Triển nảy sinh bức xúc cá nhân, cho rằng ngành tòa án và việc điều hành của lãnh đạo TAND Tối cao có những vấn đề chưa hợp lý.

Do đó, trong thời gian từ ngày 23/4 - 9/5/2024, ông Triển đã soạn thảo và sử dụng ứng dụng Facebook cài đặt trên điện thoại di động cá nhân của mình để đăng tải 3 bài viết trên trang Facebook “Trần Đình Triển”.

Quá trình điều tra, ông Triển khai, các thông tin, nội dung nêu trong các bài viết do ông tự thu thập, nhận xét, đánh giá theo ý kiến chủ quan về ngành tòa án và cá nhân ông Chánh án TAND Tối cao mà không có thông tin, tài liệu, chứng cứ xác thực để kiểm chứng.

TAND Tối cao xác định, nội dung bài viết liên quan đến công tác của hệ thống TAND và Chánh án TAND Tối cao trên Facebook của chủ tài khoản “Trần Đình Triển” là các nội dung bịa đặt, không đúng sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân ông Chánh án TAND Tối cao; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hệ thống TAND.

Kết luận giám định cho thấy: Thông tin đăng tải có nội dung gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, xâm phạm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của hệ thống TAND và cá nhân lãnh đạo TAND Tối cao. Việc này đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo cáo trạng, ông Trần Đình Triển phạm tội lần đầu, có thái độ thành khẩn khai báo; nhận thức được sai phạm. Ngày 5/6/2024, ông Triển đã có thư xin lỗi gửi Chánh án TAND Tối cao nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tại phiên tòa, bị cáo Trần Đình Triển và một số luật sư có ý kiến cho rằng việc bị cáo soạn thảo, đăng tải các bài viết là thực hiện quyền tự do ngôn luận, không vi phạm pháp luật. Bản án sơ thẩm nêu rõ, quyền tự do ngôn luận là quyền được Hiến pháp và pháp luật công nhận.

Tuy nhiên, khi thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình, mọi cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.

Việc bị cáo Trần Đình Triển sử dụng mạng xã hội để soạn thảo, đăng tải các bài viết có nội dung xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác như đã được nêu trong kết luận giám định là vi phạm pháp luật. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Các ý kiến của bị cáo Trần Đình Triển và một số luật sư cho rằng việc bị cáo soạn thảo các bài viết trên là thực hiện quyền tự do ngôn luận là không có cơ sở. Theo nhận định của HĐXX, hành vi của bị cáo Trần Đình Triển rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Bị cáo soạn thảo bài viết, đăng tải trên mạng xã hội, trong đó có nhiều nội dung qua giám định xác định là vi phạm pháp luật, xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác trong xã hội.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ong-tran-dinh-trien-nhan-an-3-nam-tu-2361777.html