Ông Trần Thanh Mẫn nêu 5 bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Ông Trần Thanh Mẫn nêu 5 bài học và nhấn mạnh trong mọi hoạt động phải quán triệt sâu sắc quan điểm 'dân là gốc', khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân.
Ngày 27/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày làm việc chính thức thứ hai, dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Phát biểu tham luận về vấn đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: "Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước".
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, trước đại dịch COVID-19 và ứng phó với thiên tai, bão lũ vừa qua, truyền thống yêu nước nồng nàn, tình nghĩa đồng bào sâu lặng, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được thể hiện đậm nét và mạnh mẽ.
Qua thực tiễn hoạt động, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu 5 bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của MTTQ Việt Nam.
Bài học thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ hai, trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Bài học thứ ba theo ông Mẫn đó là, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và hiệp thương phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên.
Thứ tư, Mặt trận phải thường xuyên đổi mới cho phù hợp với thực tiễn, quán triệt phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.
Bài học thứ năm, thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết gắn với đấu tranh, có lý, có tình với các hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, đất nước ta đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề mới, sự phát triển đa dạng, năng động và yêu cầu cao hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày một gia tăng; phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội diễn ra ngày càng sâu sắc.
Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, có mặt, có nơi còn diễn biến phức tạp; sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng nguy hiểm và tinh vi.
"Những thách thức đó đặt ra yêu cầu cấp thiết đòi hỏi Mặt trận phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng tốt hơn trước những yêu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước", ông Mẫn nói.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam; thực hiện nhất quán quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân phát triển tài năng, sức sáng tạo, mang lại lợi ích cho đất nước.
Các ban, bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo; vận động đồng bào ta ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, đóng góp trí tuệ, tài năng, nguồn lực để xây dựng đất nước; thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác quốc tế, hình thành mặt trận rộng rãi ủng hộ công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.