Ông trùm LVMH, Kering bị 'bốc hơi' hàng chục tỷ USD

Khi nhu cầu về mặt hàng xa xỉ giảm, tài sản của một số cá nhân giàu có nhất thế giới cũng giảm theo, bao gồm Bernard Arnault, Francoise Bettencourt Meyers và Francois Pinault.

 LVMH là công ty mà Bernard Arnault đã xây dựng trong hơn ba thập kỷ để trở thành tập đoàn gồm 75 thương hiệu bao gồm Christian Dior, Tiffany & Co. và Hennessy Cognac. Ảnh: Bloomberg.

LVMH là công ty mà Bernard Arnault đã xây dựng trong hơn ba thập kỷ để trở thành tập đoàn gồm 75 thương hiệu bao gồm Christian Dior, Tiffany & Co. và Hennessy Cognac. Ảnh: Bloomberg.

Sự suy thoái của thị trường hàng xa xỉ đã trở nên rõ rệt hơn trong tuần này khi các báo cáo thu nhập bắt đầu cho thấy nhiều vấn đề.

Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng của Burberry, thương hiệu áo trench coat nổi tiếng, cùng doanh số bán hàng sụt giảm của tập đoàn đồng hồ lớn nhất thế giới Swatch Group.

L'Oreal, LVMH và các đối thủ nặng ký khác trong ngành được các tỷ phú hậu thuẫn dự kiến sẽ báo cáo thu nhập của họ vào cuối tháng này, theo Bloomberg.

 Francoise Bettencourt Meyers đã trở thành người phụ nữ đầu tiên có khối tài sản 100 tỷ USD vào tháng 12 vừa qua nhưng con số này kể từ đó đã giảm xuống còn khoảng 90 tỷ USD. Ảnh: Ian Langsdon/AP.

Francoise Bettencourt Meyers đã trở thành người phụ nữ đầu tiên có khối tài sản 100 tỷ USD vào tháng 12 vừa qua nhưng con số này kể từ đó đã giảm xuống còn khoảng 90 tỷ USD. Ảnh: Ian Langsdon/AP.

Vị thế thay đổi

Bernard Arnault (75 tuổi), người sáng lập tập đoàn LVMH chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ, đã mất vị trí dẫn đầu trên Bloomberg Billionaires Index (bảng xếp hạng hàng ngày của 500 người giàu nhất thế giới dựa trên giá trị tài sản ròng của họ).

Tài sản của Arnault đã giảm 10,8 tỷ USD trong năm qua xuống còn 196,7 tỷ USD. Ông hiện sếp sau Elon Musk của Tesla và Jeff Bezos của Amazon về mức độ giàu có.

Bên cạnh đó, Francoise Bettencourt Meyers (71 tuổi), người thừa kế của tập đoàn mỹ phẩm khổng lồ L’Oreal, đã nhanh chóng mất danh hiệu người phụ nữ giàu có nhất thế giới vào tay Alice Walton, thành viên của gia đình sáng lập Walmart, tập đoàn bán lẻ đa quốc gia của Mỹ.

Sự sụt giảm tài sản của Francois Pinault, người sáng lập tập đoàn Kering, là đáng chú ý nhất. Tài sản của ông giảm một nửa trong 3 năm qua, xuống còn 28 tỷ USD. Đế chế của ông gặp phải những vấn đề vượt xa sự suy thoái ở Trung Quốc và sự bất ổn chính trị ở Pháp.

Tập đoàn Kering đã cảnh báo vào tháng 4 rằng lợi nhuận sẽ giảm trong nửa đầu năm vì tập đoàn đang cố gắng vực dậy Gucci, thương hiệu lớn nhất của mình, vốn đang lâm vào khó khăn.

 Francois-Henri Pinault, con trai của Francois Pinault, ông trùm Kering. Ảnh: Benjamin Girette/Bloomberg.

Francois-Henri Pinault, con trai của Francois Pinault, ông trùm Kering. Ảnh: Benjamin Girette/Bloomberg.

Nhìn chung, tài sản của khoảng 6 người siêu giàu kiếm tiền từ các sản phẩm xa xỉ đã giảm 5% trong năm nay, tương đương khoảng 24 tỷ USD, tính đến ngày 16/7.

Trong khi đó, những người còn lại trong danh sách 500 người giàu nhất lại chứng kiến tài sản của họ tăng 13%, tương đương 1 nghìn tỷ USD. Lần cuối cùng khoảng cách giữa hai nhóm này lớn như vậy là vào tháng 5/2022.

Có thể thấy, sự sụt giảm tài sản khác biệt với mỗi người trong ngành hàng xa xỉ tùy thuộc vào mức độ phổ biến và độc quyền của thương hiệu. Những người thiệt hại nhiều nhất là Francoise Bettencourt Meyers, Bernard Arnault và Francois Pinault. Các công ty Pháp mà họ sở hữu bị ảnh hưởng bởi những lo ngại của các nhà đầu tư về nước Pháp.

 Công ty Richemont sở hữu Cartier may mắn chứng kiến doanh số bán hàng tăng. Ảnh minh họa: Henry Nicholls/File Photo/REUTERS.

Công ty Richemont sở hữu Cartier may mắn chứng kiến doanh số bán hàng tăng. Ảnh minh họa: Henry Nicholls/File Photo/REUTERS.

Tương lai mù mịt

Tập đoàn LVMH mà Bernard Arnault sở hữu đã báo cáo mức tăng trưởng doanh số bán hàng thời trang và đồ da chậm hơn đáng kể trong quý đầu tiên. Đồng thời, doanh số bán hàng tổng thể giảm ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản.

L'Oreal, tập đoàn mà Francoise Bettencourt Meyers và gia đình sở hữu gần 35% cổ phần, đang cố gắng giải quyết tình trạng suy thoái ở các khu vực và mức giá khác nhau của sản phẩm.

Tập đoàn này sở hữu các thương hiệu cao cấp như Aesop, Lancome và Yves Saint Laurent cùng các hãng giá cả phải chăng hơn như L’Oreal Paris, Garnier và Maybelline.

Dù vậy, một số tỷ phú trong ngành hàng xa xỉ vẫn có thể phát triển tài sản của mình trong giai đoạn này.

Chẳng hạn, anh em nhà Wertheimer, đồng sở hữu Chanel, đã báo cáo mức tăng trưởng hai con số vào năm ngoái dù thị trường gặp khó khăn vì nhu cầu cho túi xách và đồ vải tweed của họ giảm ở châu Mỹ.

 (Từ trái sang) Gérard và Alain Wertheimer, cặp anh em điều hành Chanel. Ảnh: WireImage

(Từ trái sang) Gérard và Alain Wertheimer, cặp anh em điều hành Chanel. Ảnh: WireImage

Tỷ phú người Nam Phi Johann Rupert (74 tuổi), người điều hành Richemont, chủ sở hữu Cartier, cũng chứng kiến khối tài sản ngày càng tăng.

Richemont đã thể hiện khả năng phục hồi vào thứ Ba qua báo cáo doanh số bán hàng tăng từ các thương hiệu trang sức như Van Cleef & Arpels và Buccellati, bù đắp cho doanh thu giảm 27% từ thị trường Trung Quốc.

Cổ phiếu của LVMH, L'Oreal và Kering hầu như không thay đổi vào thứ Tư sau hai ngày thua lỗ liên tiếp. Cổ phiếu của Richemont mở cửa thấp hơn. Ngành công nghiệp hàng hóa xa xỉ nhìn chung vẫn đứng trên bờ vực do một loạt khó khăn của các ông lớn như Burberry hay Swatch.

Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ong-trum-lvmh-kering-bi-boc-hoi-hang-chuc-ty-usd-post1486910.html