Ông trùm 'Răng gãy' của Hội Tam Hoàng nguy hiểm tới mức nào?

Wan Kuok-koi, người vừa bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt, từng đứng đầu băng nhóm 14K tại Macau và sở hữu quyền lực vô song khi đặc khu còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha.

Cuối thập niên 1990, khi nhà sản xuất điện ảnh Hong Kong Henry Fong Ping lần đầu gặp người là chủ đề của bộ phim mà ông sắp sửa làm, ông đã sợ tới mức không nói nên lời.

Wan Kuok-koi (Doãn Quốc Câu), hay còn được biết đến với biệt danh Câu "Răng gãy", là ông trùm của băng nhóm 14K thuộc Hội Tam Hoàng ở Macau, vùng đất nhỏ bé khi đó vẫn còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha và nằm ngay sát Hong Kong.

 Bố già Wan Kuok-koi, người từng là thủ lĩnh băng 14K tại Macau, được trả tự do năm 2012, sau khi phải ngồi tù 14 năm vì nhiều tội danh. Ảnh: Getty.

Bố già Wan Kuok-koi, người từng là thủ lĩnh băng 14K tại Macau, được trả tự do năm 2012, sau khi phải ngồi tù 14 năm vì nhiều tội danh. Ảnh: Getty.

Sợ quá không dám ăn

Mùa thu năm 1997, ông Fong tới gặp Wan và đề nghị làm một bộ phim dựa trên cuộc đời của ông trùm xã hội đen. Wan, người lái một chiếc Lamborghini Diablo SE màu tím, mặc áo vest 3 mảnh và vòng tay bằng kim cương, là người rất thích quảng bá tên tuổi của mình.

Không ngần ngại, ông trùm nhận lời và thậm chí còn hỗ trợ tài chính cho đoàn làm phim. Trên thực tế, nếu xem bộ phim này - có nhan đề Casino với Nhậm Đạt Hoa thủ vai chính - bạn sẽ thấy có dòng ghi "Nhà sản xuất: Wan Kuok-koi".

"Ông ấy mời chúng tôi đến Macau ăn tối", ông Fong kể lại và cho biết mình đã dẫn theo một người viết kịch bản. "Tôi quá sợ hãi để nói chuyện hay ăn uống. Trong suốt bữa ăn, tôi chỉ cúi mặt xuống đất. Âm thanh duy nhất mà tôi tạo ra là tiếng cười nhỏ mỗi khi ông Wan pha trò", nhà sản xuất nhớ lại.

Sự sợ hãi của ông Fong là điều dễ hiểu, Wan Kuok-koi khi đó là thủ lĩnh thế giới ngầm quyền lực nhất ở Macau và phía nam Trung Quốc. Trong những năm trước khi được trao trả về cho Trung Quốc, tình hình an ninh ở Macau diễn biến phức tạp và rất nghiêm trọng. Là một trong những thánh địa cờ bạc ở châu Á, Macau bị các băng đảng Trung Quốc tràn vào, tranh giành địa bàn hoạt động ở thị trường béo bở này.

Ngày 24/3/1998, Francisco Amaral, quan chức quyền lực thứ 3 trong hội đồng thanh tra cờ bạc của Macau, bị sát hại ngay gần Hotel Lisboa, sòng bạc hàng đầu của thành phố. Hai ngày sau, một sát thủ đi bộ tới chiếc xe của cảnh sát hải quan Chuy Ion Kao và bắn vào đầu anh này ngay trước mặt vợ và con gái.

Mặc dù vòng xoáy bạo lực của Macau không phải là tin tốt đối với bộ phận lớn người dân thành phố, nhưng nó lại là chủ đề hấp dẫn đối với ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong.

"Thị trường đang rất thương mại. Mọi người đều muốn có một bộ phim hành động với nhiều cảnh đánh nhau. Vì vậy, chúng tôi quyết định làm câu chuyện về nhân vật 'bố già'", ông Fong chia sẻ.

Việc ông Fong tham gia một bộ phim như vậy là minh chứng cho thấy sự đi xuống của nền điện ảnh Hong Kong cuối thập niên 1990. Nổi tiếng với việc sản xuất các bộ phim nghệ thuật cùng các đạo diễn xuất sắc nhất khu vực, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 đã khiến ngành công nghiệp điện ảnh từng phát triển rực rỡ của thành phố gần như chững lại. Sản lượng phim giảm một nửa từ năm 1996 đến 1998 và những bộ phim thương mại như "Casino" là số ít có thể thu hút nhà đầu tư.

 Chiếc Lamborghini Diablo màu tím của ông trùm Wan Kuok-koi, cũng được sử dụng bởi nhân vật chính do Nhậm Đạt Hoa đóng trong bộ phim Casino.

Chiếc Lamborghini Diablo màu tím của ông trùm Wan Kuok-koi, cũng được sử dụng bởi nhân vật chính do Nhậm Đạt Hoa đóng trong bộ phim Casino.

Ông trùm khiến cả đoàn làm phim kinh ngạc khi đồng ý tham gia các cuộc họp để nghiên cứu phát triển kịch bản. Phần lớn trong số 1,7 triệu USD kinh phí làm phim đến từ túi tiền của chính Wan, và trong phim người ta cũng thấy Nhậm Đạt Hoa lái chiếc Lamborghini Diablo SE màu tím của ông trùm.

Tiếp theo đó, bố già đảm bảo rằng đoàn làm phim có thể làm bất cứ những gì họ muốn mà không cần biết chính quyền thuộc địa có cho phép hay không. Trước khi bộ phim được sản xuất, Viện Văn hóa Macau đã từ chối đơn xin cấp phép quay phim công khai vì lý do nội dung liên quan đến tội phạm băng đảng. Wan không chấp nhận sự từ chối này và sau đó "sắp xếp" để đoàn làm phim quay phim ở bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào họ muốn.

Mr. Răng gãy vs Mr. Rambo

Đoàn làm phim thậm chí đã thực hiện một phân cảnh khi hàng trăm thành viên của hai băng đảng đánh nhau ngay phía trước trụ sở cảnh sát Macau.

"Mọi thứ rất dễ dàng cho chúng tôi, rất dễ dàng. Chúng tôi chỉ việc quay phim rồi rời đi", ông Fong kể.

Một trong những hành động được coi là đi vào huyền thoại của bố già Wan Kuok-kai là chặn cầu Macau-Taipa trong vài giờ để đoàn làm phim thực hiện một cảnh quay quan trọng trong phim. Các nhà sản xuất đã xin phép chính quyền Macau tạm dừng lưu thông xe cộ và cho phép quay phim trên cầu, nhưng yêu cầu này bị từ chối.

Bố già muốn bộ phim "về cuộc đời mình" được thực hiện trọn vẹn nên đã ra lệnh cho đàn em tự chặn xe 2 đầu cầu mà không có bất cứ cảnh báo nào. Giao thông đến và đi từ Macau vì thế đã phải tạm dừng trong khoảng 2 tiếng. Không có bất cứ sự can thiệp nào của cảnh sát hay chính quyền thành phố để mở lại cây cầu, khi đó là một trong 2 đường nối giữa Macau đại lục và đảo Taipa-Coloane.

Nhưng ít ai biết đó cũng là hành động đáng chú ý cuối cùng của Wan Kuok-koi. Mặc dù giới chức Macau vốn có cách tiếp cận không quyết liệt với tội phạm có tổ chức, nhưng việc ông trùm phát động một cuộc chiến băng đảng đẫm máu để giành quyền kiểm soát các sòng bạc ở thành phố, khiến bạo lực leo thang trong nửa sau thập niên 1990 đã khiến chính quyền thuộc địa Bồ Đào Nha cuối cùng cũng hành động.

Trong một nỗ lực cuối cùng để ngăn cản Mr. Răng gãy, chính quyền Macau nhờ tới sự giúp đỡ của một công tố viên đến từ Lisbon. Antonio Marques Baptista được đặt biệt danh là Mr. Rambo vì vóc dáng lực lưỡng và bộ râu dữ tợn. Ông không ngừng theo dõi các lãnh chúa băng đảng ở Macau, và thậm chí còn trực tiếp tham gia vào các nhiệm vụ truy bắt trên đường phố.

 Bố già Wan Kuok-koi sau khi bị bắt, người áp giải chính là công tố viên người Bồ Đào Nha Antonio Marques Baptista. Ảnh: South China Morning Post.

Bố già Wan Kuok-koi sau khi bị bắt, người áp giải chính là công tố viên người Bồ Đào Nha Antonio Marques Baptista. Ảnh: South China Morning Post.

Tuy nhiên, ông vấp phải một trở ngại, đó là sự không sẵn lòng của lực lượng cảnh sát địa phương trong việc đối phó với Hội Tam Hoàng. Với một thành phố chỉ có gần nửa triệu dân và rất kín kẽ, nhiều sĩ quan quen biết các thành viên băng đảng, và họ không muốn mạo hiểm để rồi mình và gia đình bị trả đũa.

Nhưng cuối cùng cơ hội của Mr. Rambo đã đến. Ngày 1/5/1998, khi đang chạy bộ cùng con chó của mình, chiếc xe của ông Baptista đột ngột phát nổ ngay cạnh đó. Cảnh sát kết luận quả bom có liên quan đến Mr. Răng gãy và trong một cảnh tượng có thể nói là giống trong phim hơn là ngoài đời thực, cảnh sát xông vào phòng VIP của sòng bạc Hotel Lisboa, nơi ông trùm và các đàn em thân thích đang xem bản chiếu sớm của bộ phim Casino.

Không rõ là ông Baptista đã may mắn thoát chết, hay đó chỉ là hành động hăm dọa của bố già Wan Kuok-koi đối với vị công tố viên. Nhưng nhiều người ở Macau tin rằng quả bom chỉ là cái cớ để cho cảnh sát có thể bắt giữ tên tội phạm nổi tiếng nhất thành phố.

Sau khi ngồi tù 14 năm ở Macau, Wan được trả tự do vào năm 2012. Sau khi ra tù, ông trùm băng 14K đã mở rộng hoạt động ở Campuchia, Myanmar và Palau. Theo Bộ Tài chính Mỹ, Wan bị cáo buộc dựa vào Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Bắc Kinh để mở rộng hành vi phạm tội.

Hiệp hội Văn hóa và Lịch sử Hồng Môn Thế giới có trụ sở tại Campuchia của Wan bị cáo buộc là bình phong cho các hoạt động tội phạm, phát triển tiền điện tử, kinh doanh bất động sản và sòng bạc. Ông trùm 65 tuổi cũng thành lập một công ty bảo an tập trung vào các khoản đầu tư trong BRI.

Sơn Trần

theo New York Times và South China Morning Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-trum-rang-gay-cua-hoi-tam-hoang-nguy-hiem-toi-muc-nao-post1162027.html