'Ông trùm' sáng chế thiết bị chữa bệnh bằng laser

Phòng làm việc của PGS-TS Thái chỉ chừng 20 m2 ngập tràn tài liệu, sổ sách và từng chồng thiết bị laser đựng trong các vali sang trọng.

“Các thiết bị laser bán dẫn công suất thấp của ông chất lượng hơn hẳn ở Canada nhưng mẫu mã xấu quá. Ông có thể bán bản quyền cho chúng tôi với giá 2 triệu USD không?”

PGS-TS Trần Minh Thái (ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) bất ngờ trước lời đề nghị của một đối tác nước ngoài sau khi kết thúc hội nghị về nghiên cứu khoa học diễn ra tại Canada năm 1992.

Mười phút sau, ông đáp: “Không!”.

Ông lý giải: “Tôi biết, tôi bán sẽ được một số tiền lớn nhưng Việt Nam sẽ bị mất đi nhiều thứ, bởi thiết bị dựa trên nền châm cứu Việt Nam mới có. Họ chê nhưng mua giá cao đã làm tôi tự ái, sự tự ái dân tộc. Và tôi nghĩ sẽ quyết tâm trở về để đầu tư, để họ sẽ “chết” với tôi”.

Đã 80 tuổi nhưng những lời ông nói về sự nghiệp và gia tài nghiên cứu của mình vẫn đầy khí chất như thế.

7 giờ 30, chiếc xe ôm “hợp đồng” của PGS-TS Trần Minh Thái từ quận 5 dừng trước cổng Trường ĐH Bách khoa (quận 10). Ông xuống xe và đi bộ lên phòng làm việc ở lầu hai, tòa nhà B4.

Từ thứ Hai đến thứ Bảy, ngày làm việc của người thầy tuổi 80 ấy luôn bắt đầu như thế. Và kết thúc ngày làm việc với ông cũng bằng chuyến xe ôm ấy đón ông tại cổng trường lúc 17 giờ 15 để về nhà.

Phòng làm việc của PGS-TS Thái chỉ chừng 20 m2 ngập tràn tài liệu, sổ sách và từng chồng thiết bị laser đựng trong các vali sang trọng. Nhiều đến nỗi khiến thân hình nhỏ nhắn của ông lọt thỏm giữa những chồng tài liệu. Và nếu không có ông ngồi đó, nhìn kỹ cũng khó hình dung đó là chỗ ngồi làm việc của một trưởng phòng - “ông trùm” của các thiết bị laser bán dẫn.

Chỉ tay vào chồng thiết bị và những bảng khen tặng treo trên tường, ông vừa cầm tờ bản đồ vừa nói: “Chúng tôi chỉ có nhiêu đây, những thiết bị nhỏ gọn đã có mặt khắp nơi trên đất nước này, chữa bệnh rất ngon lành”.

Ông là người khai sinh ra phòng thí nghiệm công nghệ laser và làm trưởng phòng suốt 40 năm qua (năm 1979) tại trường ĐH này. Chính ông đã nghiên cứu thành công và chế tạo các thiết bị laser bán dẫn công suất thấp để ứng dụng trong y học và sinh học. Từ hiệu quả của phòng này, ông cũng là người thành lập ra Khoa khoa học ứng dụng và làm trưởng khoa đầu tiên từ năm 2003 cho đến khi nghỉ hưu.

Và một điều đặc biệt mà ai cũng dễ nhận thấy khi bước vào phòng ông là không có máy vi tính. Bởi ông làm việc và tìm tòi trên tài liệu được cộng sự in sẵn. Cần làm gì, ông chỉ viết tay nên ông nhớ rất kỹ.

Lý giải điều này, PGS-TS Thái cho hay do ông học cách làm việc của những người thầy của ông khi du học ở Nga. “Tôi giữ tất cả ở trong đầu. Tôi muốn bộ não hoạt động liên tục để gìn giữ và phát triển bộ não. Còn máy tính, tôi chỉ dùng ở nhà để tìm hiểu thông tin và nhận, gửi tài liệu các nơi thôi” - ông nói.

Ngoài ra, ông nói thêm: “Tôi làm việc được đến bây giờ là nhờ tập luyện và dùng thiết bị laser. Các thiết bị trước khi đưa ra ngoài là tôi hứng đủ hết thì mới biết được hay không. Có như thế người ta mới tin chứ”.

Ông kể năm 1962, sau khi tốt nghiệp lớp 10, ông đi Nga du học. Ông muốn học về chế tạo máy nông nghiệp nhưng do chính sách nhà nước lúc đó nên ông phải chọn học về lĩnh vực vật lý.

“Ban đầu đi học chỉ vì “trên sắp đặt” nhưng khi được sinh viên Nga rủ rê “Thái ơi, có một phát minh mới năm 1960 về chiếc laser, đi nghe với tụi tao, cái gì mày không biết tụi tao giảng cho”. Tôi đi, thấy laser có nhiều ứng dụng vào thực tế cuộc sống nên tôi tìm mọi cách học tiếng Nga, rồi học từ bạn bè, sách vở lẫn giảng viên để có kiến thức về laser và tự nhiên đam mê luôn”.

Tốt nghiệp ĐH, ông tiếp tục ở lại Nga làm nghiên cứu sinh thạc sĩ, rồi tiến sĩ về lĩnh vực laser bán dẫn.

Năm 1979, ông về Trường ĐH Bách khoa làm giảng viên chính và thành lập phòng thí nghiệm công nghệ laser để phát triển chuyên môn mới ở Việt Nam, theo hướng ứng dụng laser trong y học và sinh học.

Năm 1987, ông đã có những thành quả đầu tiên khi chế tạo ra thiết bị quang châm và quang trị liệu bằng laser bán dẫn công suất thấp. Những thiết bị này dùng ánh sáng laser tạo hiệu ứng kích thích sinh học lên các bộ phận cơ thể để điều trị bệnh trên nền tảng y học cổ truyền của Việt Nam, tức hướng châm cứu cổ truyền nhưng không dùng kim. Và những ứng dụng đầu tiên từ các thiết bị này là điều trị phục hồi chức năng liệt nửa người sau tai biến mạch máu não, điều trị viêm xoang, viêm màng não, viêm amidan, viêm khớp…

“Khi tôi thử trên thỏ và được các chuyên gia châm cứu sử dụng trước, thấy ngon lành rồi, tôi sung sướng quá, bao nhiêu năm đi học và tích lũy đã có kết quả. Làm nghiên cứu, không gì hạnh phúc bằng làm ra được thiết bị ứng dụng vào thực tế cho người dân sử dụng” - ông tự hào.

Từ sau đó, nhiều người biết đến và đặt hàng mua thiết bị của ông nên từ năm 1990 phòng thí nghiệm bắt đầu nhận sản xuất thiết bị để cung ứng cho các cơ sở y tế như BV Y học cổ truyền tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Bình Dương… theo hợp đồng thầu giữa họ với nhà trường.

Từ các nghiên cứu ban đầu của học trò và qua mỗi lần đi thực tế ở các cơ sở, thấy thực tế việc điều trị bệnh cho người dân còn nhiều khó khăn, ông cùng các cộng sự lại mày mò nghiên cứu để chế tạo thêm nhiều dạng thiết bị chữa được nhiều bệnh khác.

Như khi ông đi thăm trung tâm bại não ở Bình Thạnh, ám ảnh về sự khổ cực của những đứa trẻ khiến ông lao vào nghiên cứu ròng rã vài năm trời rồi chế tạo thành công thiết bị chữa di chứng bại não ở trẻ em bằng laser loại 12 kênh. Tức bằng việc sử dụng hai bước sóng đồng thời từ hai loại laser bán dẫn và kích thích các huyệt ở tay, chân bị liệt để giúp các em có thể vận động, vững cột sống, tăng vi tuần hoàn não...

Hay đến thăm cơ sở cai nghiện ma túy ở Bình Phước, thấy phương pháp điều trị cai nghiện còn thô sơ, ông mày mò chế tạo thành công thiết bị điều trị cắt cơn và cai nghiện ma túy bằng laser bán dẫn công suất thấp.

Hoặc mới nhất là thiết bị laser nội tĩnh mạch bước sóng 650 và bước sóng 532. Thiết bị này có thể tương tác lên máu làm cải thiện chất lượng máu và cải thiện máu lên não hỗ trợ điều trị bệnh phục hồi chức năng vận động sau tai biến mạch máu não...

Cứ như thế, đến nay ông cùng các cộng sự đã chế tạo thành công trên 15 dạng thiết bị điều trị trên nền sử dụng laser bán dẫn công suất thấp và đã chuyển giao trên 1.000 thiết bị cho hơn 312 cơ sở chữa trị của 30 tỉnh và ba thành phố lớn phía Nam.

“Để làm ra một thiết bị hoàn thiện phải mất khoảng một tháng và để có ra một thiết bị từ nghiên cứu mới thì phải mất vài năm, từ mày mò nghiên cứu, sáng chế thiết bị, thử nghiệm xong xuôi mới chuyển giao công nghệ. Đó là tự lực rất lớn của chúng tôi” - ông tự hào nói.

Và đặc biệt, năm 2007, công nghệ laser của ông đã được trưng bày tại Triển lãm quốc tế về thành tựu khoa học châu Á do Viện Bảo tàng về thành tựu khoa học Miraikan ở Nhật Bản tổ chức.

Về hướng đi sắp tới, ông cho biết ông và cộng sự đã nghiên cứu và sẽ ứng dụng thiết bị laser bán dẫn công suất thấp để nâng cao chất lượng đông dược quý, cây trồng và cả cho động vật ở Việt Nam.

Khó khăn duy nhất của ông là kinh tế vì tiền nhập linh kiện từ nước ngoài về rất đắt. Có thời điểm ông đã phải bán những chiếc nhẫn mà vợ ông để lại cho hai cha con dùng khi khó khăn trước khi bà đi công tác nước ngoài dài ngày.

“Nếu không có vợ lo về kinh tế thì tôi không thể chuyên tâm nghiên cứu như thế. Đến bây giờ cũng vậy, lương hợp đồng 3 triệu cũng chỉ để tôi đi xe ôm. Bán thiết bị được bao nhiêu tiền, sau khi nộp về nhà trường, còn bao nhiêu thì chia cho anh em cộng sự và giữ một phần dành cho nghiên cứu” - ông nói.

Tuy vậy, ông luôn lạc quan và không bao giờ thấy chán nản vì ông luôn tìm thấy cái mới để tiếp tục nghiên cứu cho xã hội.

Và một minh chứng đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của ông đã vô tình tạo động lực để ông làm được như thời gian qua là từ một sự kiện năm 1992.

Ông kể ông sang Canada dự hội nghị về nghiên cứu khoa học. Lúc trình bày và giới thiệu thiết bị do mình sáng chế để ứng dụng trong chữa bệnh, họ đánh giá chất lượng hơn hẳn Canada nhưng chê mẫu mã xấu quá. Sau đó, họ có đề nghị ông bán bản quyền giá 2 triệu USD.

“Chỉ 10 phút sau, tôi trả lời là “không”. Tôi biết nếu bán sẽ được một số tiền lớn nhưng Việt Nam sẽ mất đi nhiều thứ. Bởi thiết bị dựa trên nền châm cứu Việt Nam mới có. Họ chê nhưng mua giá cao làm tôi tự ái, sự tự ái dân tộc. Và tôi nghĩ sẽ quyết tâm trở về để đầu tư, để họ sẽ “chết” với tôi” - ông dõng dạc.

Sau lần đó, nhiều nơi đã mời ông về làm với mức lương hàng chục triệu đồng, có xe đưa rước nhưng ông từ chối. Bởi lẽ ông tâm niệm: “Nếu muốn làm kinh tế thì chỉ cần đứng ra mở công ty riêng là ngon lành. Nhưng tôi nghĩ phải nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ thì mới phục vụ cho việc đẩy mạnh đào tạo, thế mới có cái mới để phát triển”.

Thực hiện: PHẠM ANH (nội dung + ảnh) - HOÀNG QUYÊN (đồ họa)

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/ong-trum-sang-che-thiet-bi-chua-benh-bang-laser-872880.html