Ông Trump 'bên ngoài phấn khởi, bên trong rối bời'

Cựu Tổng thống Donald Trump liên tục khen ngợi bản thân sau buổi tranh luận trực tiếp hôm 10/9. Song nhiều ý kiến cho rằng ông chỉ đang cố che lấp sự thất vọng.

Ngay sau cuộc tranh luận tối 10/9, cựu Tổng thống Donald J. Trump đã nhanh chóng quảng bá bản thân. Ông bước xuống hậu trường, nơi tập trung cánh báo chí, và tự ca ngợi màn trình diễn của bản thân. Sau đó, ông xuất hiện trên Fox News và chia sẻ hàng loạt bài đăng về các cuộc thăm dò trực tuyến thiếu khoa học cho rằng ông đã đánh bại Phó tổng thống Kamala Harris.

"Đây là cuộc tranh luận hay nhất của tôi từ trước đến nay, đặc biệt là trong tình huống có tới 3 người đối đầu!", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social, chỉ vài phút sau khi cuộc tranh luận kết thúc, ám chỉ hai người dẫn chương trình của ABC News và bà Harris.

Cựu tổng thống cũng đưa ra tuyên bố tương tự trong các cuộc trò chuyện riêng với nhóm cố vấn và đồng minh, theo ba nguồn tin thân cận. Các nguồn tin cho biết ông Trump tỏ ra phấn khởi, như thể ông thực sự tin những gì mình nói.

Tuy nhiên, hành động của cựu tổng thống sau buổi tranh luận lại cho thấy một câu chuyện khác.

Trước cuộc tranh luận với Tổng thống Joe Biden vào cuối tháng 6, các trợ lý đã gợi ý khi kết thúc chương trình, ông Trump có thể vào phòng giao lưu với báo chí, song ông đã từ chối. Sau màn trành diễn thành công, cựu tổng thống không cảm thấy điều này là cần thiết. Ông tự tin bản thân chỉ cần ngồi lại và xem báo chí chỉ trích đối thủ.

Ngược lại, ông Trump đã phá vỡ truyền thống vào đêm 10/9. New York Times nhận định việc cựu tổng thống đột nhiên tích cực quảng bá bản thân ngay sau màn đối đầu với bà Harris dường như ngầm thừa nhận rằng màn trình diễn của ông không đạt yêu cầu.

Đổ lỗi

Một ngày sau buổi tranh luận, hầu hết trợ lý và đồng minh của ông Trump đều khen ngợi màn trình diễn của cựu tổng thống trước công chúng. Tuy nhiên, trong các cuộc trò chuyện riêng tư, nhiều người thừa nhận ông Trump đã thể hiện không tốt, hoàn toàn trái ngược với sự áp đảo khi đối đầu với ông Biden.

Người duy nhất công khai chê trách là ông Robert F. Kennedy Jr., cháu trai cố Tổng thống Mỹ John Kennedy. Trước đó, chính khách này từng lên tiếng ủng hộ ông Trump.

"Phó tổng thống Harris rõ ràng đã thắng trong cuộc tranh luận cả về cách thể hiện, sự mạch lạc, tổ chức và chuẩn bị", ông Kennedy nói trên Fox News vào ngày 11/9, đồng thời nhấn mạnh dù trội hơn về mặt nội dung, ông Trump "đã không thể truyền tải nó".

Trong khi đó, một số đồng minh công khai đổ lỗi cho các cố vấn của cựu tổng thống. Song những người thân cận vẫn tin tưởng buổi tranh luận gây thất vọng vừa qua sẽ không kéo theo hậu quả lớn cho ông Trump - một ứng viên tổng thống khó đoán và luôn phá vỡ các quy chuẩn, người từng trải qua vô số đêm không mấy tốt đẹp suốt 9 năm qua.

Ngay sau cuộc tranh luận, các cố vấn của ông Trump đã chuẩn bị đón làn sóng tin tức tiêu cực. Họ cho rằng tình huống này có thể giúp bà Harris tạm thời giành lợi thế khiêm tốn trong các cuộc thăm dò.

 Ông Trump tự khen ngợi bản thân sau buổi tranh luận ngày 10/9. Ảnh: New York Times.

Ông Trump tự khen ngợi bản thân sau buổi tranh luận ngày 10/9. Ảnh: New York Times.

Trong khi đó, chiến dịch của bà Harris lập tức chấp nhận lời đề nghị tiến hành cuộc tranh luận thứ hai. Ngược lại, ông Trump tỏ ra thận trọng hơn.

“Lý do họ muốn thực hiện cuộc tranh luận thứ hai là họ đã thua”, ông Trump nói trên Fox News vào đêm 10/9. Một ngày sau đó, ông chỉ trích ABC News rằng “họ nên bị thu hồi giấy phép vì cách làm việc” và ông sẽ cân nhắc những người dẫn chương trình từ Fox News nếu tổ chức buổi tranh luận thứ hai.

Dù không bị đồng minh công khai chỉ trích, ông Trump có thể phải nhận những phản hồi gay gắt nhất qua truyền hình, ngay cả trên những chương trình thường ủng hộ ông. Trong khi một số người dẫn chương trình của Fox News, như ông Jesse Watters, cố gắng tìm kiếm điểm tích cực trong màn trình diễn của ông Trump, nhiều bình luận viên đã đưa ra nhận xét không mấy khả quan.

"Những người dẫn chương trình có thể không kiểm chứng phát ngôn của bà (Harris), nhưng không có lý do gì mà ông Trump lại không được làm điều đó”, cựu nghị sĩ bang South Carolina Trey Gowdy nhận định với Fox News.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, bang South Carolina, cũng ca ngợi ông Trump trên mạng xã hội sau cuộc tranh luận vì tuyên bố nước Mỹ an toàn hơn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Tuy nhiên, sau đó, ông Graham tỏ ra thất vọng, nói rằng lẽ ra ông Trump nên nói những lời như: “Khi tôi rời nhiệm sở, chúng ta có biên giới an toàn nhất trong 40 năm, lãi suất thế chấp dưới 3%, giá xăng 1,87 USD, Hiệp định Abraham, độc lập năng lượng, nhưng (những người kế nhiệm) đã làm hỏng tất cả”, theo Politico.

Cơ hội bị bỏ lỡ

Một số đồng minh và cố vấn của ông Trump nói rằng họ coi đêm 10/9 là một cơ hội lớn bị bỏ lỡ. Mục tiêu quan trọng duy nhất trong buổi tranh luận là buộc bà Harris phải thừa nhận các chính sách thiên tả và khiến cử tri nhớ đến bà với những khía cạnh không được lòng dân nhất của chính quyền đương nhiệm.

Song ông Trump đã không làm được điều này. Thay vào đó, ông bận giải thích nhiều quyết định và quan điểm trong quá khứ, lan truyền những tuyên bố vô căn cứ về việc người nhập cư ăn thịt vật nuôi.

 Ông Trump nhiều lần bị cuốn vào những đòn tấn công của bà Harris trong buổi tranh luận. Ảnh: New York Times.

Ông Trump nhiều lần bị cuốn vào những đòn tấn công của bà Harris trong buổi tranh luận. Ảnh: New York Times.

Khi được yêu cầu bình luận, bà Karoline Leavitt, phát ngôn viên chiến dịch của ông Trump, cho biết cựu tổng thống giao lưu với báo chí sau buổi tranh luận "vì ông không sợ hãi và không ngại trả lời câu hỏi từ phóng viên, không giống như bà Harris”.

Bà Leavitt cũng nói thêm ông Trump đã "nêu rõ" thông điệp cốt lõi rằng bà Harris “chịu trách nhiệm cho những vấn đề chúng ta đang đối mặt hiện nay”. Song trên thực tế, ông Trump hiếm khi nhắc đến điều này trong buổi tranh luận.

Các cố vấn và đồng minh vốn hy vọng ông Trump sẽ xoáy sâu vào việc yêu cầu bà Harris giải thích những kế hoạch dang dở sau hơn 3 năm phục vụ cùng ông Biden. Họ cũng kỳ vọng ông Trump có thể lặp lại câu hỏi chí mạng của cựu Tổng thống Ronald Reagan khi chất vấn Tổng thống Jimmy Carter rằng “cử tri hiện có sống tốt hơn so với 4 năm trước hay không”.

Tuy nhiên, chỉ đến cuối cuộc tranh luận, ông Trump mới đưa ra câu hỏi tương tự. Ông nhiều lần bị bà Harris lôi kéo và vướng vào các vấn đề bất lợi.

Trong các buổi chuẩn bị, các cố vấn của ông Trump đã gợi ý nhiều cách "chuyển hướng" để đối phó với những đòn tấn công của bà Harris. Tuy nhiên, thay vì áp dụng những chiến thuật này, ông Trump đã mắc kẹt vào mọi cạm bẫy mà bà Harris giăng ra.

Giờ đây, ông Trump và các cố vấn phải đối mặt với câu hỏi: Làm thế nào để xoay chuyển tình thế khi chỉ còn cách ngày bầu cử 8 tuần?

Trong quá khứ, khi phải đối mặt với những thời điểm nguy hiểm, ông Trump thường cố gắng chuyển hướng dư luận bằng một động thái táo bạo hoặc một cuộc cải tổ chiến dịch. Song hiện vẫn chưa rõ liệu cựu tổng thống và đội ngũ có bất kỳ thay đổi nào sau đêm 10/9 hay không.

Trong những ngày tới, ông Trump sẽ tiếp tục chuyến đi tới Bờ Tây, chuẩn bị cho một trong những giai đoạn gây quỹ bận rộn nhất. Cựu tổng thống sẽ phát biểu tại buổi vận động ở Tucson, Arizona, tổ chức họp báo tại sân golf gần Los Angeles và tham gia buổi mít tinh tại Las Vegas. Xen kẽ giữa các sự kiện vận động là hàng loạt buổi gây quỹ tại Los Angeles và Thung lũng Silicon.

Hơn hết, câu hỏi lớn còn lại là liệu ông Trump có đồng ý tranh luận với bà Harris một lần nữa hay không.

Điểm nhấn trong màn 'so găng' 105 phút giữa ông Trump và bà Harris Màn tranh luận trực diện Donald Trump - Kamala Harris tại Philadelphia, bang Pennsylvania hôm 10/9 (giờ địa phương) được cho là cơ hội lớn nhất để thay đổi cục diện cuộc bầu cử.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-ong-trump-khong-noi-post1497365.html