Ông Trump bị ám sát hụt lần hai: Bước ngoặt mới cho cuộc đua vào Nhà Trắng?

Chỉ trong vòng 2 tháng, nước Mỹ đã trải qua 2 sự cố và cả 2 đều nhằm vào ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Vậy liệu vụ ám sát lần này có tạo hiệu ứng tích cực như lần trước và giúp ông Trump chiếm nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng?

Tình trạng đáng báo động

Chiều 15/9 (giờ địa phương), trong khi chơi golf, ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump dường như lại trở thành mục tiêu của một vụ ám sát. Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nghi phạm có tên Ryan Routh đã bị bắt giữ. Các nhà điều tra cho biết, nghi phạm mang theo súng trường AK-47 đang rình trong bụi rậm lúc ông Trump chơi golf tại West Palm Beach, sau đó bị các nhân viên Mật vụ phát hiện và nổ súng.

 Nghi phạm Ryan Routh trong một lần bị bắt giữ khi vi phạm giao thông trước đây. Ảnh: Reuters

Nghi phạm Ryan Routh trong một lần bị bắt giữ khi vi phạm giao thông trước đây. Ảnh: Reuters

Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, nước Mỹ đã trải qua 2 sự cố và cả 2 đều nhằm vào ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Điều này cho thấy tình trạng bạo lực súng đạn đáng báo động ở Mỹ, đặc biệt trước thềm các cuộc bầu cử. Người dân Mỹ đã phải điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi trong nền chính trị nước này, dường như mạnh mẽ hơn trong vài năm qua. Ngôn từ đã trở nên gay gắt hơn, tình trạng chia rẽ đảng phái trở nên sâu sắc và các tiêu chuẩn ứng xử của ứng viên bị xói mòn.

Xét đến tình trạng bạo lực súng đạn đang lan tràn khắp nước Mỹ, những cuộc tấn công như thế này có thể là một “điều bình thường mới” không thể tránh khỏi. Nhưng hiện tại, điều này vẫn còn gây sốc. Phó Tổng thống Kamala Harris nói trong một tuyên bố sau sự cố ở Florida: “Bạo lực không có chỗ ở Mỹ”.

Những chi tiết về vụ ám sát hụt, đặc biệt là danh tính và động cơ của kẻ tấn công, dù thế nào cũng sẽ tác động đối với nền chính trị Mỹ. Tuy nhiên, trong tuyên bố đầu tiên sau sự cố ở sân golf, ông Trump đã cam kết rằng không điều gì có thể làm chậm bước hoặc khiến ông đầu hàng. Phản ứng này phù hợp với chiến dịch tranh cử mà ông Trump thường lập luận rằng ông đã trở thành mục tiêu bị tấn công vì ông lên tiếng thay cho những người Mỹ bị lãng quên. Những lời ông phát biểu sau lần suýt bị ám sát đầu tiên vào tháng 7 vừa qua là “chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu” và đây đã trở thành tiếng hô hào của những người ủng hộ ông.

Tác động của vụ ám sát tới cuộc đua tổng thống Mỹ

Theo RBC, chuyên gia Hội đồng về các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) Alexey Naumov nhận định, vụ ám sát lần hai diễn ra trong bối cảnh chiến dịch tranh cử của ứng viên Đảng Cộng hòa chững lại. Tại cuộc tranh luận trực tiếp giữa 2 ứng viên vào đêm ngày 10/9 (theo giờ địa phương), Phó Tổng thống Kamala Harris đã kiểm soát cuộc tranh luận và liên tục công kích để ông Trump bộc lộ điểm yếu trong gần như toàn bộ 2 giờ của cuộc tranh luận.

Màn thể hiện của bà Harris có thể coi là thành công với Đảng Dân chủ khi bà đã không để thua trên mặt trận được cho là “sở trường” của ông Trump. Bên cạnh đó, ông Trump cũng đứng sau đối thủ của mình trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận thời gian gần đây. Trong một nghiên cứu của The New York Times, cựu tổng thống Donald Trump đang bị dẫn trước - hiện ông nhận 47% tỷ lệ ủng hộ so với 49% dành cho bà Harris.

 Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Ông Donald Trump kém ba bậc so với đối thủ của mình trong cuộc thăm dò của ABC News, 45% so với 48%. Theo dữ liệu trên Polymarket (một nền tảng phi tập trung dành cho thị trường dự đoán cho phép người dùng đặt cược vào kết quả của các sự kiện thế giới), ông Trump đã thủ hẹp khoảng cách xuống mức tối thiểu - 49% so với 50%, mặc dù vào cuối tháng 8, nền tảng này đã ghi nhận bà Harris chiếm lợi thế hơn 4% so với ông Trump.

Tuy nhiên, chuyên gia Alexey Naumov cho rằng, sự cố lần này không có tác động nhiều đến cục diện cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Thực tế, một số cơ quan truyền thông, bao gồm cả The New York Post và The New York Times, bắt đầu lan truyền ý kiến rằng, các báo cáo về vụ ám sát đã bị phóng đại. Tờ New York Post mô tả tình huống này là một vụ xả súng do hai đối tượng nhắm vào nhau chứ không phải vào ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Nhiều quan điểm cho rằng vụ việc đang được miêu tả là một vụ ám sát vì những lợi ích rõ ràng mà cựu lãnh đạo Nhà Trắng có thể rút ra từ cách giải thích như vậy.

Rõ ràng, sự cố lần này không có sức nặng cảm xúc như vụ xả súng ở Butler, Pennsylvania như vào hồi tháng 7 vừa qua. Cuộc tấn công đó xảy ra tại một cuộc vận động tranh cử công khai, trước ống kính truyền hình, ghi trọn hình ảnh cựu tổng thống bị thương và đầy quyết tâm. Lần này, sự cố xảy ra tại một sân golf mà ông Trump sở hữu nên ông ít gặp nguy hiểm hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, vụ ám sát ở Pennsylvania diễn ra sau cuộc tranh luận thắng lợi trên truyền hình giữa Donald Trump với đương kim Tổng thống Joe Biden và cho phép Đảng Cộng hòa huy động các thành viên trong đảng, một số người trong số họ thậm chí còn nói về “sự can thiệp thần thánh” đã cứu sống ứng cử viên của họ (những tuyên bố tương tự vẫn được nghe cho đến ngày nay). Tại đại hội Đảng Cộng hòa, nơi ông Trump chính thức được đề cử làm ứng cử viên Tổng thống Mỹ, một số đại biểu đã đeo băng ở tai phải như một biểu hiện của tình đoàn kết với ông.

Giờ đây, tình hình chính trị của nước Mỹ đã khác: ông Trump có vẻ như đã thất thế trong cuộc tranh luận trên truyền hình trước ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris, người thay thế ông Biden, và trong các cuộc thăm dò dư luận quốc gia, ông ấy tụt lại phía sau bà trung bình 2-3%. Hơn nữa, theo nghiên cứu của Morning Consult, lần đầu tiên kể từ năm 2012, Đảng Cộng hòa có nguy cơ mất Florida vào tay Đảng Dân chủ.

Diễn biến của 2 vụ ám sát cũng khác nhau rất nhiều. Vào tháng 7, ông Trump thực sự đã bị thương, cuộc biểu tình được truyền hình trực tiếp và nhiều người đã nhìn thấy ông rời sân khấu, cùng với các nhân viên mật vụ, với nắm đấm giơ cao, kêu gọi những người ủng hộ “Chiến đấu!”. Lần này không có người bị thương, và cử tri Mỹ chỉ nghe thấy một ngôn từ khá mờ nhạt: “Có một vụ nổ súng gần cựu Tổng thống Donald Trump”.

Chuyên gia Alexey Naumov nhận định, vụ ám sát hụt sẽ “cung cấp thêm đạn dược cho các nhà tuyên truyền hoạt động của Đảng Cộng hòa” nhưng sẽ ít ảnh hưởng đến xếp hạng ứng cử viên của đảng này. Theo Naumov, trong những tuần còn lại trước cuộc bầu cử, Donald Trump cần đấu tranh với Phó Tổng thống Kamala Harris trên chính các “lãnh địa” của Đảng Dân chủ, đưa ra các sáng kiến chính trị cụ thể, thuyết phục thì mới có thể lôi kéo sự ủng hộ từ cử tri Mỹ.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ong-trump-bi-am-sat-hut-lan-hai-buoc-ngoat-moi-cho-cuoc-dua-vao-nha-trang-post312864.html