Ông Trump biến 'cuộc chiến pháp lý' thành cơ hội chính trị
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump coi cuộc khám xét của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vào Mar-a-Lago là cơ hội để xây dựng hình ảnh bản thân và chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2024.
Đội ngũ pháp lý của ông Trump hôm 22/8 gửi đơn đề nghị một thẩm phán liên bang bổ nhiệm một quan chức đặc biệt (special master) để đảm bảo Bộ Tư pháp Mỹ trả lại các tài liệu cá nhân của ông bị thu giữ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, hành động mà ông cho rằng đã xâm phạm các quyền của mình.
Đòi hỏi trên không phải là điều bất ngờ và hoàn toàn có thể được chấp thuận, CNN nhận định. Động thái này giúp đảm bảo các tài liệu mang tính đặc quyền không bị cơ quan điều tra sử dụng một cách không cần thiết hoặc bất công.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump sử dụng công cụ pháp lý để trì hoãn, làm chệch hướng hoặc chính trị hóa các cáo buộc nhằm vào mình. Vụ việc lần này là ví dụ điển hình cho cách thức ông Trump phối hợp biện pháp chính trị và pháp lý khi phải đối mặt với các cuộc điều tra.
Lá đơn của ông Trump không chỉ đơn thuần là một công cụ pháp lý, mà còn cho thấy cách ông tự xây dựng hình ảnh bản thân như một ứng viên tổng thống bị chính quyền của Tổng thống Joe Biden bức hại vì nguyên nhân đảng phái.
Chỉ với việc điều tra ông Trump, các thể chế liên bang Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chính trị hóa và bị coi là “không hợp pháp” trong mắt hàng triệu người ủng hộ vị cựu tổng thống.
Mục tiêu ẩn giấu
Nhìn từ bề ngoài, mục tiêu chính trong lá đơn của ông Trump là đảm bảo một quan chức đặc biệt sẽ được bổ nhiệm. Nhà phân tích chính trị Elie Honig của CNN cho rằng đây dường như là một đòi hỏi hợp lý.
“Tôi nghĩ ông Trump có khả nhiều khả năng thành công”, bà Honig nói. “Đây là đòi hỏi hợp lý. Trên thực tế, đây không phải điều chưa có tiền lệ”.
Nếu phát hiện bất cứ tài liệu nào sở hữu đặc quyền luật sư - thân chủ hoặc đặc quyền tư pháp, quan chức đặc biệt này sẽ có nhiệm vụ ngăn nó được chuyển tới cơ quan công tố.
Dù vậy, đây cũng có thể được xem là cách thức trì hoãn vụ việc của ông Trump, cũng như tận dụng nó trong mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này - và xa hơn là cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Ông Trump sẽ có thêm cơ hội để tạo ra ấn tượng rằng ông bị tấn công vì nguyên nhân chính trị.
Lá đơn sinh động hơn rất nhiều so với một văn bản pháp lý khô khan thông thường. Ví dụ, khi mô tả về khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, lá đơn gọi đây là “công trình lịch sử” với 58 phòng ngủ, 33 phòng tắm.
Văn bản này khẳng định “chính trị không được ảnh hướng tới sự thi hành công lý” - tuyên bố có phần châm biếm khi bản thân ông Trump từng bị cáo buộc chính trị hóa Bộ Tư pháp Mỹ khi còn là tổng thống.
Bên cạnh đó, các thông tin mang đậm màu sắc chính trị cũng được tận dụng.
“Tổng thống Donald J. Trump rõ ràng là người nắm lợi thế trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa và cuộc tổng tuyển cử năm 2024 nếu ông quyết định ra tranh cử”, lá đơn viết. “Bên cạnh đó, sự ủng hộ của ông trong các cuộc bầu cử sơ bộ giữa nhiệm kỳ năm 2022 mang tính quyết định với các ứng viên đảng Cộng hòa”.
Đội ngũ pháp lý của ông Trump không quên phàn nàn về vụ lục soát hôm 8/8. “Lực lượng thực thi pháp luật là lá chắn bảo vệ người dân Mỹ. Họ không thể được sử dụng như một thứ vũ khí cho mục đích chính trị”, lá đơn tuyên bố.
Văn bản này dường như muốn ám chỉ rằng ông Trump - với tư cách cựu tổng thống Mỹ, cũng như ứng viên tiềm năng trong cuộc bầu cử năm 2024 - không nên là đối tượng của một vụ khám xét như vậy. Điều này phù hợp với niềm tin của ông Trump rằng ông có “địa vị đặc biệt”, không bị ảnh hưởng bởi sự gò bó của pháp luật.
Biến nguy thành cơ
Về mặt pháp lý, nếu ông Trump thực sự vi phạm pháp luật và xử lý tài liệu mật sai cách, vụ khám xét của FBI sẽ là “thảm họa” với vị cựu tổng thống. Dù vậy, ông Trump dường như coi đây là cơ hội về mặt chính trị, cũng như tận dụng thời cơ để buộc các ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa cùng chỉ trích vụ khám xét.
Lá đơn mà đội ngũ pháp lý của ông Trump gửi đi không hoàn toàn chú tâm vào mặt "lý" trong vụ khám xét của FBI. Thay vào đó, họ cáo buộc “hành động hung hăng gây sốc” của cơ quan này “không hiểu gì về nỗi đau mà vụ việc gây ra với hầu hết người dân Mỹ” - lối nói đậm chất ông Trump.
“Tổng thống Trump muốn bộ trưởng Tư pháp hiểu rằng ông đã nghe tiếng nói của người dân từ khắp đất nước về vụ khám xét. Nếu chỉ có một từ để miêu tả tâm trạng của họ, đó là ‘tức giận’”, lá đơn viết. “Tình hình đang nóng lên. Áp lực đang dâng lên. Nếu tôi có thể làm gì để làm nguội tình hình hay làm giảm áp lực, hãy nói với chúng tôi”.
Thông điệp này gợi nhớ lại những nỗ lực của ông Trump trong quá khứ nhằm liên hệ - cũng như gây ảnh hưởng - lên các quan chức điều tra mình về vụ bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6/1/2021, hay nỗ lực tiếp cận cựu Giám đốc FBI James Comey liên quan tới những nghi ngờ về tác động của bên ngoài lên cuộc bầu cử năm 2016.
Lá đơn mới nhất của ông Trump có thể thành công trong các mục tiêu pháp lý. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy vị cựu tổng thống sẵn sàng “vũ khí hóa” cuộc điều tra nhằm vào mình để tăng cơ hội trở lại Nhà Trắng vào năm 2024.