Ông Trump cam kết cung cấp Patriot cho Ukraine, châu Âu cần hỗ trợ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm ra biện pháp viện trợ cho Ukraine: Yêu cầu các đồng minh châu Âu quyên góp vũ khí và bán vũ khí mà Mỹ sản xuất cho các quốc gia này.

Ảnh: REUTERS/Valentyn Ogirenko/Ảnh tài liệu.

Ảnh: REUTERS/Valentyn Ogirenko/Ảnh tài liệu.

Tại Phòng Bầu Dục trong ngày thứ Hai, ông Trump đã khẳng định một số hệ thống tên lửa Patriot sẽ được cung cấp tới Ukraine "trong vài ngày tới".

"Chúng tôi sẽ sản xuất những vũ khí tiên tiến nhất và cung cấp chúng cho NATO".

Hệ thống Patriot, một hệ thống phòng không có chi phí đắt đỏ và được ưa chuộng bởi các đồng minh của Mỹ, đã thể hiện khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga nhằm vào các thành phố của Ukraine một cách vô cùng hiệu quả.

Tuy nhiên, sau khi đưa ra tuyên bố trên, ông Trump cần có một thỏa thuận khung chứ không chỉ một kế hoạch rõ ràng. Theo quan điểm của 10 quan chức tại Mỹ và châu Âu, quy mô những gói viện trợ của Ukraine sẽ tùy thuộc vào những thương lượng về trách nhiệm cung cấp thiết bị của từng nước.

Câu hỏi mấu chốt được đặt ra là quốc gia nào sẽ quyên góp hệ thống Patriot của họ, và thời điểm cung cấp.

Đại sứ một nước Bắc Âu tại Washington nhận định: "Như mọi khi, vấn đề mấu chốt cần được làm rõ là những chi tiết của giải pháp".

Theo hai nguồn tin có thông tin về các thảo luận nội bộ, kế hoạch này đã được ông Trump và Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đặt ra trong những ngày gần đây và đã được tiếp nhận một cách tích cực bởi Ukraine và các đồng minh.

Các lãnh đạo trong chính quyền Kyiv và các chính quyền khác đã khen ngợi sự thay đổi quan điểm của ông Trump, sau khi ông đã liên tục phát biểu tích cực về Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khoảng thời gian những tuần gần đây. Một số quan chức tại châu Âu đã thể hiện bức xúc về việc quốc gia của họ phải chi trả cho kế hoạch của ông Trump.

Trong cuộc họp với ông Trump trong ngày thứ Hai, ông Rutte đã đề cập tới 6 nước thành viên NATO sẵn sàng tham gia kế hoạch này: Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Canada.

Các nguồn tin cấp cao tại đại sứ quán tại Mỹ của hai nước trong những nước trên đã cho biết họ đã chỉ được thông tin về kế hoạch này ngay khi kế hoạch được công bố. Ngay cả những nước đồng minh thân cận của Mỹ có vẻ cũng đã chỉ được biết về kế hoạch này sau thời điểm công bố.

Một đại sứ châu Âu cho biết: "Theo hiểu biết của tôi thì không có ai được báo trước về thông tin cụ thể. Tôi cũng nghi ngờ là nội bộ chính quyền tổng thống Mỹ cũng chỉ đang bắt đầu xác định các chi tiết của kế hoạch".

Khi được yêu cầu bình luận, Lầu Năm Góc đã hướng các câu hỏi của Reuters tới các tuyên bố của ông Trump trong ngày thứ Hai. Nhà Trắng chưa phản hồi các yêu cầu bình luận, cũng như đại sứ quán Ukraine và Nga tại Washington.

Quyên góp Patriot

Một quan chức NATO cho biết, liên minh này sẽ điều phối các gói viện trợ thông qua một hệ thống mang tên Hỗ trợ An ninh và Huấn luyện của NATO cho Ukraine, một phái bộ của NATO tại Đức chịu trách nhiệm điều phối viện trợ quân sự từ các nước phương Tây cho Ukraine.

Quan chức này cho biết: "Nhiều nước châu Âu đã cam kết hậu thuẫn kế hoạch lần này bao gồm Đức, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển, Anh, Canada và Phần Lan. Các chi tiết kế hoạch vẫn đang được làm rõ".

Một nguồn tin cho biết Mỹ đã có động thái sẵn sàng cung cấp các hệ thống vũ khí tấn công mới thông qua các đồng minh châu Âu. Tuy nhiên ông Trump khẳng định Ukraine nên tránh tấn công Moscow.

Kurt Volker, cựu phái viên Mỹ tại NATO cho biết ông Trump đã tìm ra phương hướng cân bằng giữa hậu thuẫn Ukraine với thực trạng chính trị của đảng Cộng hòa. Một số cá nhân nổi trội trong phong trào MAGA của ông Trump phản đối việc Mỹ hậu thuẫn Ukraine.

Ông cho rằng việc các đồng minh châu Âu chịu trách nhiệm cung cấp vũ khí do Mỹ sản xuất "khớp với những cam kết trong khi tranh cử của ông Trump".

Trong suốt thời gian tranh cử, ông Trump đã khẳng định sẽ hối thúc các nước châu Âu đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng. "Họ cần phải đầu tư, và nếu họ không đầu tư, chúng ta sẽ không bảo vệ họ".

Ông Volker cho biết, Ukraine có thể sẽ nhận được 12 hoặc 13 dàn tên lửa Patriot nhưng quá trình cung cấp những dàn tên lửa này có thể mất tới một năm.

‘Chúng tôi sẵn sàng’

Hai quan chức Mỹ cho biết, những luận điệu ngày càng cứng rắn của ông Trump nhằm vào chính quyền Moscow trong những tuần vừa qua là phản hồi dưới quan điểm cho rằng ông Putin không có chủ đích thương lượng một cách có thiện chí.

Trong cuộc họp với ông Rutte trong ngày thứ Hai, ông Trump đã phát biểu: "Ở một mức nào đó, thảo luận là không đủ. Cần phải có hành động, phải có kết quả".

Một quan chức Mỹ cho rằng ông Trump nhìn nhận ông Putin có tham vọng vượt xa Crimea và bốn vùng miền Đông Ukraine, một quan điểm mà chính quyền Kyiv và các đồng minh châu Âu đã liên tục cố gắng truyền đạt.

Ba nguồn tin Nga liên quan mật thiết tới điện Kremlin cho biết, ông Putin sẽ không kết thúc cuộc chiến trước áp lực từ các nước phương Tây và tin rằng Nga có thể chống chọi lại những khó khăn về mặt kinh tế, bao gồm cả đe dọa áp đặt hàng rào thuế quan lên các nước mua dầu từ Nga.

Các quan chức Mỹ đang đối thoại với các nước thành viên NATO để xác định các nước sẵn sàng quyên góp và những hệ thống mà họ có thể quyên góp cho Ukraine. Các quan chức châu Âu nhìn chung đã đón nhận các đối thoại này.

Tại Brussels vào ngày thứ Ba trước khi tham gia họp các Bộ trưởng EU, Ngoại trưởng Hà Lan Lars Lokke Rasmussen đã cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng tham gia".

Một quan chức đã nêu các nước Đức, Hy Lạp, Hà Lan và Tây Ban Nha là những nước có thể viện trợ Patriot cho Kyiv, với những lý do khác nhau như đã có sẵn nhiều dàn tên lửa hoặc những mối đe dọa mà họ đối mặt nhìn chung ở tầm xa.

Một số nước khác bao gồm Hy Lạp và Tây Ban Nha trong thời gian trước đây đã từng phản đối yêu cầu quyên góp hệ thống Patriot cho Ukraine, với khẳng định họ cần những hệ thống này để tự vệ cũng như bảo vệ khối NATO.

Một quan chức khác cho biết chính quyền Tổng thống Trump đã kiểm tra kho vũ khí của NATO để xác định các hệ thống có thể cung cấp. Quan chức này cho biết bước tiếp theo của chính quyền này là cố gắng thuyết phục các đồng minh quyên góp thiết bị cho Ukraine để đổi lấy một "trao đổi" nào đó.

Quan chức này cho biết các trao đổi đó có thể có nhiều dạng, ví dụ như các nước này có thể chọn nhượng lại một thiết bị mà họ có quyền nhận được dưới chương trình FMS cho Ukraine, hoặc gửi đạn dược cho Ukraine để đổi lấy quyền được cung cấp bổ sung sớm hơn lịch trình.

Bức xúc

Quyết định nhận trách nhiệm cho những gói viện trợ tới Ukraine đã dẫn tới một số bức xúc nhỏ tại châu Âu.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Kaja Kallas, nhận định: "Nếu chúng tôi chi trả cho những gói viện trợ đó thì người viện trợ là chúng tôi".

"Vậy thì đó là viện trợ của châu Âu, và chúng tôi đang làm hết sức có thể để hỗ trợ Ukraine… Nếu ông hứa hẹn sẽ viện trợ, nhưng người khác sẽ chi trả cho chúng, thì có vẻ ông không phải là người viện trợ, đúng không?"

Ông Trump đã cho biết một quốc gia sở hữu 17 dàn Patriot, và một số dàn tên lửa đó sẽ được cung cấp cho Ukraine.

Con số này đã gây bối rối tại các nước châu Âu và tại điện Capitol Hill.

Hai nguồn tin cho biết không có nước thành viên nào của NATO sở hữu con số hệ thống Patriot này ngoại trừ Mỹ, và dẫn tới phỏng đoán cho rằng ông Trump có thể đã có ý định đề cập tới bộ phận của Patriot như bệ phóng hoặc tên lửa.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết chính phủ Đức sẽ thảo luận với phía Mỹ về quyết định cung cấp các dàn Patriot cho Ukraine trong những ngày hoặc tuần tới đây. Tuy nhiên ông cho rằng các hệ thống Patriot sẽ không được gửi tới Ukraine trong nhiều tháng tới.

Một quan chức khác cho biết ông Trump đã trực tiếp tham gia các thương lượng, tuy nhiên những thảo luận cho tới nay đều "mơ hồ".

"Một số người đã khẳng định, "chúng tôi có thể giúp đỡ họ", nhưng giúp đỡ như thế nào thì không ai rõ".

Nguyễn Quang Minh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ong-trump-cam-ket-cung-cap-patriot-cho-ukraine-chau-au-can-ho-tro-204250717112839437.htm