Ông Trump chặn đứng tham vọng siêu cường năm 2050 của Trung Quốc
Giấc mơ đưa Trung Quốc lên vị trí siêu cường số một vào năm 2050 của Chủ tịch Tập Cận Bình có nguy cơ đổ bể vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Theo Bloomberg, trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, kế hoạch đưa Trung Quốc trở thành siêu cường kinh tế số một thế giới vào năm 2050 của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã bị coi là quá tham vọng. Và có nhiều dấu hiệu cho thấy giấc mơ đó khó có thể trở thành hiện thực.
Bên cạnh những cú đòn thương mại liên tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nền kinh tế 14.000 tỷ USD của Trung Quốc còn đối mặt với rất nhiều thách thức lớn, bao gồm núi nợ khổng lồ, ô nhiễm tràn lan và dân số đang già đi.
Bloomerg cho rằng Trung Quốc có nguy cơ mắc kẹt trong "bẫy thu nhập trung bình". Nói cách khác, kinh tế Trung Quốc có thể đình trệ trước khi đạt tới mức độ phát triển tương tự các quốc gia giàu có.
Giấc mơ khó thành vì Mỹ
Các nhà kinh tế nhận định Trung Quốc có thể tránh được số phận đó bằng biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tự do hóa thị trường và phát triển sức mạnh công nghệ cho đất nước. Nhưng để thành công là điều không dễ dàng.
Giáo sư kinh tế Michael Spence của Trường Kinh doanh Stern (Đại học New York), người từng đoạt giải Nobel, cho biết từ năm 1960 đến nay, chỉ có 5 quốc gia đang phát triển thực hiện thành công quá trình chuyển đổi để đạt vị thế quốc gia tiên tiến trong khi duy trì được mức tăng trưởng cao.
Chuyên gia Andrew Polk thuộc Trivium China nhận định: “Bị Mỹ cản trở, Trung Quốc rất khó vượt ngưỡng". Trong báo cáo năm 2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nếu Trung Quốc không sớm đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, triển vọng kinh tế dài hạn của quốc gia này sẽ khá u ám.
"Khả năng tiếp cận thị trường và công nghệ nước ngoài của Trung Quốc sẽ bị hạn chế nghiêm trọng", IMF nhấn mạnh.
Giới quan sát nhận định khả năng Trung Quốc và Mỹ đạt được một thỏa thuận là rất thấp. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố ngừng mua nông sản Mỹ và hạ giá đồng NDT xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ.
Ngay lập tức, chính quyền Tổng thống Trump đưa Trung Quốc vào danh sách các nước “thao túng tiền tệ”. Washington cũng tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei Technologies.
Cựu quan chức thương mại Mỹ Jeff Moon nhận định Trung Quốc sẽ không có bất kỳ động thái nhượng bộ nào trước tháng 10. Chính quyền Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều áp lực do biểu tình bùng nổ ở Hong Kong và lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc đang tới gần.
Trung Quốc vẫn còn cách đối phó
"Bất cứ động thái nào cho thấy sự yếu thế cũng là không chấp nhận được với các nhà lãnh đạo Trung Quốc", ông Moon nhận định.
Những ngày qua, truyền thông Trung Quốc kêu gọi chính quyền Bắc Kinh cắt đứt hoàn toàn đàm phán thương mại với Mỹ. Các báo Trung Quốc đều cố gắng thổi bùng chủ nghĩa dân tộc và bày tỏ niềm tin vào hệ thống kinh tế của nước này.
"Các doanh nghiệp Trung Quốc đang điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tạo ra các thị trường xuất khẩu mới", ông Hu Xijin, Tổng biên tập Global Times, viết trên Twitter hôm 8/8.
Bloomberg Economics đánh giá về ngắn hạn, Trung Quốc vẫn còn nhiều vũ khí để ngăn GDP hạ nhiệt xuống dưới 6%. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Standard Chartered dự báo Bắc Kinh sẽ kích thích kinh tế trong nửa cuối năm 2019.
Chính quyền Trung Quốc cũng đang cố gắng giải quyết một số vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế nước này. Một số khoản nợ xấu đã được xử lý trong vòng 2 năm qua, chính quyền trấn áp mạnh tay nhiều ngành công nghiệp gây ô nhiễm trầm trọng, cơ cấu dịch vụ đã chiếm 50% tổng sản phẩm quốc nội.
Trung Quốc cũng đổ hàng tỷ USD để phát triển các ngành công nghiệp cao như trí tuệ nhân tạo và xe điện nhằm cạnh tranh với phương Tây. Trong bài phát biểu tháng 10/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định sẽ đưa Trung Quốc vào "câu lạc bộ" các quốc gia đổi mới công nghệ vào năm 2035 để làm bước đệm tới vị thế siêu cường năm 2050.
Kinh tế Trung Quốc còn nhiều điểm yếu
Tuy nhiên chiến tranh thương mại đã phơi bày vô số điểm yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Việc Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen lập tức khiến đại gia công nghệ Trung Quốc lao đao. Bởi các công ty Trung Quốc chưa đủ trình độ sản xuất chip có chất lượng sánh ngang hàng Mỹ.
"Trung Quốc sẽ rất khó tiếp cận các công nghệ hiện đại của phương Tây. Như vậy, Trung Quốc sẽ khó theo kịp trình độ của phương Tây, nhưng điều đó cũng sẽ buộc nước này phải nỗ lực phát triển hệ sinh thái công nghệ riêng. Việc có thành công hay không sẽ quyết định tốc độ phát triển của Trung Quốc", chuyên gia Patrick Hofman, Giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Núi nợ và dân số già là những thách thức lớn với Trung Quốc. Theo Viện Tài chính Quốc tế, nợ Trung Quốc tăng lên 303% GDP trong quý I/2019. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cho biết dân số trong độ tuổi lao động của nước này sẽ giảm hơn 20% xuống còn 718 triệu vào năm 2050.
GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng 10 lần kể từ năm 2000 lên 10.000 USD trong năm nay, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 65.000 USD của Mỹ và Singapore.
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng nhanh hơn các nước phát triển, nhưng các lợi thế của nó đang mất dần tác dụng. GDP Trung Quốc chỉ đạt 6,2% trong quý II/2019, thấp trong vòng 27 năm qua. Standard Chartered ước tính rằng khi thuế mới của ông Trump có hiệu lực vào ngày 1/9, tăng trưởng cả năm của Trung Quốc sẽ trượt thêm 0,3%.
“Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến quá trình chuyển đổi của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trung Quốc sẽ mất một phần thị phần xuất khẩu và sự chuyển giao công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc cũng đứt quãng. Dù vậy, chiến tranh thương mại là cơ hội để nước này tăng cường cải tổ", nhà kinh tế Michelle Lam của Societe Generale SA đánh giá.