Ông Trump có thể thiết quân luật để xoay chuyển thế cờ?
Các đồng minh Tổng thống Trump đưa ra nhiều đề xuất táo bạo nhằm lật ngược kết quả bầu cử nhưng hầu hết không khả thi và mang hệ lụy nguy hiểm.
Tuần qua, truyền thông Mỹ nhiều lần tiết lộ Tổng thống Donald Trump đã lắng nghe tư vấn từ các đồng minh thân tín tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử. New York Times miêu tả ông Trump hào hứng với ý tưởng thiết quân luật và tổ chức bầu cử lại từ cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn.
Dù đại cử tri đoàn hoàn tất bỏ phiếu ngày 21/12, ông Trump vẫn từ chối chấp nhận thua cuộc. Hơn một tháng qua, ông hy vọng vào cuộc chiến pháp lý, cáo buộc bầu cử gian lận và can thiệp chính trị để chặn xác nhận kết quả ở các bang.
Cách Tổng thống Trump phản ứng khi thất cử vốn được đánh giá là chưa từng có tiền lệ. Kịch bản ông tuyên bố thiết quân luật hoặc cho quân đội tịch thu máy bỏ phiếu trong tháng cuối nhiệm kỳ sẽ là bước leo thang không tưởng.
Theo Washington Post, dù nhiều chuyên gia an ninh và pháp luật đánh giá những ý tưởng này thiếu khả thi, riêng việc ông Trump thảo luận về chúng cũng đủ gây ra những hệ lụy nguy hiểm cho thiết chế dân chủ ở Mỹ.
Kịch bản ngoài sức tưởng tượng
Theo truyền thông Mỹ tiết lộ, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn đã đề cập kịch bản ông Trump tuyên bố thiết quân luật, dùng quân đội buộc các bang tổ chức bỏ phiếu lại.
Biện pháp này còn ngăn thành viên quốc hội trở lại làm việc vào ngày 6/1/2021 để chính thức công nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Với bước đi này, quân đội với Tổng thống Trump là tổng chỉ huy sẽ nắm quyền kiểm soát, ban bố lệnh giới nghiêm và không cho người dân đi lại tự do.
Các chuyên gia xem đây là kịch bản bất khả thi. Lịch sử Mỹ chưa từng có tiền lệ pháp lý hay chính trị nào làm cơ sở cho điều này xảy ra. Chưa bàn đến việc quân đội có thực hiện kế hoạch của ông Trump hay không, riêng khả năng tuyên bố thiết quân luật của tổng thống Mỹ đã khó xảy ra.
Theo Rachel Kleinfield, cựu chuyên gia an ninh quốc gia tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, chỉ có các thống đốc có quyền tuyên bố thiết quân luật trong phạm vi bang. Tổng thống Mỹ lại không có quyền này.
Tòa án Tối cao liên bang chưa từng đưa ra bất kỳ phán quyết nào giải nghĩa hiến pháp theo hướng tổng thống được phép tuyên bố thiết quân luật mà không cần sự chấp thuận của quốc hội.
"Nếu thiết quân luật xảy ra, bạn phải hoãn toàn diện hiệu lực của hiến pháp. Đó là đảo chính. Nước này sẽ không bao giờ xảy ra đảo chính", Kleinfeld nhấn mạnh.
Ông Trump không cũng không thể thiết quân luật "không chính thức" bằng cách kích hoạt Đạo luật Chống phản loạn. Dù kịch bản này có cơ sở pháp lý, nó lại không có cơ sở tình hình thực tế.
Đạo luật chỉ cho phép Tổng thống Trump triển khai quân đội cho nhiệm vụ hành pháp quốc nội, nhưng chỉ trong trường hợp đất nước trong tình hình khẩn cấp.
Theo Meredith McGehee, chuyên gia đạo đức chính trị, các tuyên bố thời gian qua cho thấy ông Trump hoặc các đồng minh có thể kích động biểu tình leo thang tạo hỗn loạn ở một vài thành phố, "đùa cợt với ý tưởng giải quyết bất đồng bằng bạo lực".
Vấn đề là nước Mỹ đang không xảy ra tình huống khẩn cấp nào đủ để ông Trump triển khai quân đội.
Thiết quân luật cũng vô ích
“Đó là một ý nghĩ ngu ngốc. Không có bất kỳ tổng thống nào dùng Đạo luật Chống phản loạn năm 1803 chỉ dựa trên những ồn ào xoay quanh cuộc bầu cử”, Karl Rove, chiến lược gia của đảng Cộng hòa, trả lời Fox News tuần này.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng giới lãnh đạo quân đội không hào hứng với bất kỳ ý tưởng nào đặt họ vào tình thế can thiệp chính trị nội bộ. Điều này đã được thể hiện vào tháng 6, sau khi vệ binh quốc gia được yêu cầu giải tán người biểu tình cho Tổng thống Trump đi chụp ảnh ở nhà thờ St. John gần Nhà Trắng.
Hàng loạt cựu tướng lĩnh Mỹ và cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã lên án vụ việc. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley và ông Mark Esper, khi đó còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, đều bày tỏ hối tiếc khi quân đội dính vào vấn đề chính trị.
Ngoài ra, thiết quân luật cũng không có khả năng thay đổi kết quả bỏ phiếu. Lệnh giới nghiêm vào tháng 12 không có ý nghĩa gì với cuộc bầu cử đã diễn ra hơn một tháng trước.
Các bang cũng không có ý định tổ chức lại bầu cử khi các thống đốc thời gian qua đã tuyên bố tôn trọng truyền thống và kết quả bỏ phiếu, bất chấp sức ép chính trị từ đảng Cộng hòa lẫn Tổng thống Trump.
Trong trường hợp quốc hội bị chặn xác nhận người chiến thắng vào ngày 6/1/2021, bộ máy chính trị, tư pháp và quân sự vẫn gần như chắc chắn công nhận ông Biden là tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021 như truyền thống, theo Washington Post.
Ông Biden và chiến dịch của mình từng tự tin tuyên bố lực lượng chấp pháp sẽ làm đúng nghĩa vụ và hộ tống ông Trump khỏi Nhà Trắng vào ngày nhiệm kỳ kết thúc, dù cho ông từ chối rời đi.
Tương tự kịch bản thiết quân luật, việc kích hoạt Đạo luật Chống phản loạn cũng không thật sự thay đổi kết quả bầu cử. Đạo luật này không có bất kỳ nội dung nào cho phép tống thống duy trì quyền lực sau khi thất bại trong một cuộc bầu cử hợp pháp, theo Kleinfeld.
Phương án phi quân sự
Ông Trump thời gian qua còn nhận được một số đề xuất mang hướng cổ súy thuyết âm mưu về gian lận bầu cử, như chỉ định công tố viên đặc biệt để điều tra hoặc tịch thu máy kiểm phiếu ở các ban nhằm chứng minh kết quả sai.
Thực tế là máy kiểm phiếu ở những bang chiến trường đã được chứng minh không có vấn đề gì đủ tác động đến kết quả chung cuộc. Tổng thư ký bang Georgia đã giám sát đến 3 cuộc kiểm phiếu lại, trong đó có một cuộc làm thủ công, và xác nhận máy kiểm phiếu vận hành chính xác.
Thẩm phán bang Arizona còn cho phép đại diện đảng Cộng hòa xem xét 100 phiếu mẫu để tìm dấu hiệu gian lận hoặc sai lệch, nhưng họ không tìm thấy gì bất thường.
Việc tịch thu máy kiểm phiếu thậm chí còn trái pháp luật nếu người của ông Trump không được chính quyền các bang cấp phép. Tổ chức bầu cử độc lập là quyền hiến định của các bang.
Nếu tổng thống muốn tịch thu máy kiểm phiếu, cơ quan phù hợp với tính chất công việc sẽ là Bộ An ninh Nội địa, nhưng Bộ trưởng Chad Wolf đã khẳng định đội ngũ của ông không có thẩm quyền thực thi.
Kịch bản khả thi nhất là Bộ Tư pháp Mỹ chỉ định công tố viên đặc biệt để điều tra cáo buộc gian lận bầu cử. Đây được xem là tranh cãi khiến Bộ trưởng Bill Barr từ chức và ông Trump chỉ định một lãnh đạo mới cho Bộ Tư pháp.
Dù vậy, ngoài việc tạo thêm hỗn loạn và các thuyết âm mưu, phương án này cũng thiếu khả năng tác động kết quả bầu cử trên thực tế.
Công tố viên đặc biệt của ông Trump khó tìm ra điều gì mới khi gần như toàn bộ đơn kiện thời gian qua của phe ông Trump đều được tòa án kết luận là không đủ cơ sở nghi vấn. Số phiếu bầu bị hoài nghi gian lận cũng không đủ để ông Trump giành chiến thắng.
Công tố viên đặc biệt này cũng không đủ thời gian để hành động, khi chỉ còn chưa đến một tháng nữa là ông Biden nhậm chức. Dù ông Biden không có quyền chấm dứt điều tra từ thời của người tiền nhiệm, Bộ Tư pháp Mỹ dưới quyền của bộ trưởng mới vẫn có thể cắt nguồn lực hỗ trợ cho công tố viên đặc biệt.
Phương án khả thi thứ hai về mặt pháp lý là chặn công nhận kết quả bầu cử tại quốc hội Mỹ, nhưng ông Trump lại không nắm toàn quyền tự quyết. Nhà lãnh đạo 74 tuổi đã lôi kéo được một số hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa, nhưng ông chưa tìm được sự ủng hộ từ bất kỳ thượng nghị sĩ nào cùng đảng.
Chỉ trong trường hợp có nghị sĩ ở cả hai viện đặt nghi vấn về kết quả bỏ phiếu, lưỡng viện mới tổ chức thảo luận và bỏ phiếu chấp nhận hay bác bỏ nghi vấn.
Theo Washington Post, dù kịch bản này có xảy ra, khả năng rất cao là ông Trump vẫn thua.
Thượng nghị sĩ John Thune, “nhân vật số 2” của đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ, tuần qua công khai mỉa mai các nỗ lực thay đổi kết quả bầu cử từ phe ông Trump. Vị thượng nghị sĩ cho rằng phe thách thức không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để phủ nhận ý chí của đại cử tri đoàn.