Ông Trump để lại 'bãi mìn' ở Trung Đông cho ông Biden
Giới quan sát cho rằng các lãnh đạo Trung Đông sẽ sớm thử thách ông Biden và tổng thống mới của Mỹ sẽ phải thể hiện bản lĩnh nếu muốn được coi trọng trong 4 năm tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra nhiều tổn hại khi nghi ngờ tính hợp pháp của cuộc bầu cử và chiến thắng của đối thủ Joe Biden. Việc ông từ chối chấp nhận kết quả bầu cử không chỉ gây rắc rối ở trong nước mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Mỹ ở nước ngoài.
Điều này cùng với những chính sách mà ông để lại sau 4 năm ở Nhà Trắng đang tạo nên quá trình chuyển giao đầy sóng gió cho ông Biden ở cả trong nước và nước ngoài, trong đó có Trung Đông.
Thời gian gần đây, chính quyền Trump gây nhiều chú ý ở khu vực này. Ít nhất 4 quan chức Mỹ đến thăm Israel và các đồng minh vùng Vịnh trong những tuần gần đây,gồm: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Đặc phái viên phụ trách Iran và Venezuela Elliott Abrams, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách chính trị quân sự Clarke Cooper, và Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner.
Trong khi đó, ông Trump gia tăng trừng phạt Iran và bị nghi ngờ đã bật đèn xanh để Israel ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh. Nhóm tàu sân bay Mỹ USS Nimitz đã trở lại vùng Vịnh. Những diễn biến này được đánh giá là nhắm vào chính trị trong nước Mỹ hơn là mục tiêu chính sách rõ ràng.
Các đồng minh của chính quyền Trump ở Trung Đông có thể đã chúc mừng ông Biden, nhưng cũng đang cho thấy họ sẽ bắt tay với ông Trump và phe đối lập của Nhà Trắng do đảng Dân chủ điều hành.
Dù gì đi nữa, Trung Đông cũng đang chuẩn bị cho thời kỳ của ông Biden. Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman có vẻ đang nghiêng về hướng giải quyết mâu thuẫn với Qatar (dù vẫn chưa rõ ông sẽ trao chiến thắng đối ngoại cho ông Trump hay ông Biden) và hạ nhiệt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời thận trọng hơn trong việc bình thường hóa quan hệ với Israel. Thái tử Ả-rập Xê-út đang muốn giảm bớt căng thẳng để có thể bắt đầu bước bằng chân phải về phía chính quyền Biden.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi có vẻ đang tiến hành những bước đi hòa giải bằng việc thả tù nhân chính trị trong những tuần gần đây. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Tayyip Erdogan cảm thấy bớt áp lực hơn khi để con rể là bộ trưởng tài chính Berat Albayrak ra đi, dù đến mãi gần đây vẫn là người liên lạc không thể thay thế với con rể ông Trump, ông Kushner, và Nhà Trắng. Iran cũng đang cố tránh leo thang ở khu vực, với hy vọng sẽ khôi phục đàm phán hạt nhân với chính quyền Biden và được Mỹ nới lỏng trừng phạt.
Có vẻ các lãnh đạo Trung Đông đang chờ đợi chính quyền Biden làm theo cách trái ngược với ông Trump để khôi phục cách tiếp cận thời Obama. Mọi chuyện không đơn giản như vậy, thể hiện ở việc ông lựa chọn những người phụ trách an ninh quốc gia. Tuy nhiên, chính quyền mới chắc chắn sẽ thay đổi cách làm đối ngoại của Mỹ theo ít nhất 3 cách.
Trước tiên, kiểu ra quyết định mang tính thể chế sẽ được khôi phục ở Washington. Chính sách đối ngoại của Mỹ thời Trump đã được cá nhân hóa đậm nét, nên những quan chức không đồng thuận với lãnh đạo sẽ bị sa thải hoặc tự xin nghỉ để nhưỡng chỗ cho những người trung thành hoặc cơ hội.
Một khi ông Biden và phe Dân chủ lên nắm quyền, các lãnh đạo Trung Đông sẽ không còn có thể nhắn tin trao đổi tận đêm khuya qua WhatsApp với con rể tổng thống hay bỏ qua vai trò của Bộ Ngoại giao Mỹ nữa. Họ sẽ phải quay lại với ngoại giao truyền thống, phải làm việc với các đại sứ quán và phái viên chính thức. Việc tái thiết quy trình này nghĩa là trở lại với sự cạnh tranh giữa các cơ quan của Mỹ trong các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là ở Trung Đông. Điều này có thể sẽ làm chậm quá trình hoạch định chính sách ở Washington.
Thứ hai, chính quyền Biden sẽ khiến chính sách đối ngoại của Mỹ dễ đoán hơn. Những lộn xộn trong nước dưới thời chính quyền Trump, như những cuộc điều tra cấp cao, việc luận tội, căng thẳng chủng tộc, các tweet bất ngờ, thay quan chức đột ngột, không chỉ ảnh hưởng đến chính trị Mỹ mà cả những diễn biến chính trị ở bên ngoài.
Thứ ba, có thể sẽ có bước chuyển lớn trong ưu tiên của Mỹ với Trung Đông. Chính quyền Biden có thể sẽ tìm cách rút các nguồn lực của Mỹ khỏi Trung Đông để tập trung đối phó với Nga và Trung Quốc, nhưng ông Trump đang gây khó cho cách tiếp cận này bằng cách làm nóng quan hệ với Iran.
Chính quyền Biden có thể sẽ tìm cách giảm nhẹ những cuộc xung đột trên khắp Trung Đông và khả năng sẽ đối mặt với sự kháng cự từ những bên muốn tối đa hóa địa vị chiến lược của họ. Việc Washington thay đổi trọng tâm ưu tiên sang Nga và Trung Quốc có thể bị các lãnh đạo Trung Đông coi là dấu hiệu cho thấy Mỹ yếu đi hoặc chỉ có sức mạnh hạn chế.
Một số nhà quan sát khu vực cho rằng chính quyền Trump có thể sẽ làm theo kiểu phản ứng với tình hình thay vì chủ động ở Trung Đông. Điều đó nghĩa là hạn chế quan hệ với Iran, giảm bớt phức tạp trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và bớt nhân nhượng Israel. Cách làm của ông Biden có thể sẽ ở khoảng giữa của chính quyền Trump với chính quyền Obama và tính đến những di sản của ông Trump ở Trung Đông, như đặt ra điều kiện tiên quyết mới để đi đến thỏa thuận với Iran và dè dặt hơn với quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với thế giới Ả-rập.
Một số nhà lãnh đạo Trung Đông đang cảnh giác với thay đổi sắp diễn ra ở Washington. Nếu chính quyền Biden mạnh tay hơn hay quá thân thiện với Iran, các đồng minh của ông Trump có thể sẽ phớt lờ những đòi hỏi của ông Biden trong những vấn đề nhân quyền và tận dụng quan hệ mới với Israel để gây sức ép lên chính quyền Mỹ.
Di sản của chính quyền Trump có thể tạo ra một số cơ hội cho chính quyền kế nhiệm tiến về phía trước nhưng những thách thức khu vực sẽ còn tồn tại lâu dài. Nhóm của ông Trump được đánh giá là đã tạo nên một bãi mìn về chính sách đối ngoại ở Trung Đông mà chính quyền mới sẽ phải rất vất vả.
Giới quan sát cho rằng các lãnh đạo Trung Đông sẽ sớm thử thách ông Biden và tổng thống mới của Mỹ sẽ phải thể hiện bản lĩnh nếu muốn được coi trọng trong 4 năm tới.