Ông Trump để ngỏ việc dùng quân đội kiểm soát kênh đào Panama và đảo Greenland
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng sử dụng quân đội để kiểm soát kênh đào Panama và Greenland, khẳng định việc này là vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia.
“Tôi sẽ không loại trừ về khả năng này (sử dụng quân đội), chúng ta có thể sẽ phải làm điều gì đó,” Tổng thống đắc cử Trump phát biểu tại buổi họp báo hôm 7/1 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-lago, “Kênh đào Panama rất quan trọng đối với đất nước chúng ta. Mỹ cũng cần có Greenland vì mục đích an ninh quốc gia”.
Kênh đào Panama hiện được quốc gia cùng tên kiểm soát hoàn toàn trong hơn 25 năm qua. Mỹ đã trao trả Khu vực Kênh đào Panama cho quốc gia Panama vào năm 1979, và chấm dứt quan hệ đối tác chung trong việc kiểm soát tuyến đường thủy chiến lược này vào năm 1999.
Những tháng vừa qua, ông Trump cáo buộc Chính phủ Panama tăng chi phí đi lại đối với các tàu thuyền của Mỹ qua kênh đào này. Tổng thống đắc cử Mỹ gọi những khoản phí áp đặt này là vô lý, mang tính "bóc lột", và cảnh báo nếu điều này không thay đổi, ông sẽ từ bỏ hiệp ước được ký kết dưới thời cố Tổng thống Jimmy Carter, vốn trao trả toàn bộ quyền kiểm soát khu vực kênh đào cho Panama.
Trong khi đó, đảo Greenland, nơi đặt một căn cứ quân sự lớn của Mỹ, là một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, một đồng minh lâu đời của Washington và là thành viên sáng lập của khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Trump đã đặt nghi vấn về tính hợp pháp trong tuyên bố chủ quyền của Đan Mạch đối với Greenland. Ông thậm chí còn tuyên bố sẽ "áp thuế ở mức rất cao đối với Đan Mạch" nếu quốc gia này không trao Greenland cho Mỹ.
Trước đó, ông Trump đã đăng một video ghi lại cảnh máy bay riêng của ông, chở theo con trai cả Donald Trump Jr. và một phái đoàn các cố vấn của ông Trump, hạ cánh tại Nuuk, thủ phủ của Greenland.
"Don Jr. và các đại diện của tôi đang đến Greenland,” Tổng thống đắc cử Mỹ viết. "Sự đón tiếp rất tuyệt vời. Họ, cùng với thế giới tự Do, cần sự an toàn, an ninh, sức mạnh và hòa bình! Đây là một thỏa thuận phải được thực hiện. Hãy làm cho Greenland vĩ đại trở lại".
Phản ứng trước phát biểu trên của ông Trump, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, trong cuộc phỏng vấn với truyền hình trong nước, vẫn gọi Mỹ là "đồng minh quan trọng và gần gũi nhất" của Đan Mạch, và bà tin rằng Washingotn sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự hay kinh tế để kiểm soát Greenland.
Thủ tướng Frederiksen nhấn mạnh bà hoan nghênh việc Mỹ quan tâm nhiều hơn đến khu vực Bắc Cực. Tuy nhiên, "việc đó phải được thực hiện theo hướng tôn trọng người dân Greenland".
"Đồng thời, nó phải được tiến hành theo cách mà Đan Mạch và Mỹ vẫn có thể hợp tác, trong số các vấn đề khác, tại NATO", bà nhấn mạnh.
Về phần mình, chính quyền Greenland tuyên bố chuyến thăm của ông Donald Trump Jr. diễn ra "với tư cách cá nhân" chứ không phải là một chuyến công du chính thức, và ông không có cuộc gặp nào với các đại biểu của hòn đảo này. Lãnh đạo Greenland cũng tuyên bố hòn đảo "không phải để bán và sẽ không bao giờ để bán. Chúng ta không được phép thua trong cuộc đấu tranh lâu dài đối với tự do của mình".
Trong khi đó, Tổng thống Panama José Rául Mulino trước đó từng phát biểu: "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama, và sẽ tiếp tục như vậy. Chủ quyền và độc lập của đất nước chúng ta không thể thương lượng".