Ông Trump giáng đòn hiểm, Trung Quốc bị dồn vào thế bí?
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lệnh 'cấm cửa' hai ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc là WeChat và TikTok cùng các công ty mẹ của chúng được coi là đòn giáng mạnh với Bắc Kinh.
Chính quyền Tổng thống Trump cuối ngày 6/8 đã công bố hai sắc lệnh hành pháp, viện dẫn các quan ngại an ninh quốc gia để cấm mọi tổ chức và cá nhân tại Mỹ giao dịch với công ty mẹ của TikTok là ByteDance Ltd. cũng như tập đoàn Tencent, chủ sở hữu của WeChat. Lệnh cấm sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/9.
Theo báo New York Times, sắc lệnh về cơ bản đã đặt ra thời hạn 45 ngày để ByteDance quyết định có bán hoạt động của TikTok tại Mỹ nhằm né lệnh cấm hay không. Thực tế, TikTok đang đàm phán việc "bán mình" với ít nhất 3 công ty Mỹ, trong đó đáng chú ý nhất là Microsoft.
Cách đây hơn một tuần, Microsoft từng tiết lộ đang theo đuổi đàm phán thâu tóm các dịch vụ của ứng dụng chia sẻ video ngắn có lồng ghép nhạc ăn khách này tại Mỹ, Canada, Australia, New Zealand và dự kiến sẽ chốt thỏa thuận vào giữa tháng 9.
Động thái diễn ra đúng vào lúc căng thẳng Mỹ - Trung Quốc leo thang tới mức chưa từng thấy trong hơn 4 thập niên hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, do những tranh chấp và bất đồng nghiêm trọng về địa chính trị, thương mại và công nghệ.
Ngoài việc châm ngòi nổ cho cuộc chiến thương mại song phương kéo dài hơn 2 năm qua, trong vài tháng trở lại đây, ông Trump và các quan chức hàng đầu trong Chính phủ Mỹ đã công khai lên án Trung Quốc về nguồn gốc và cách ứng phó đại dịch Covid-19, vấn đề Hong Kong, Biển Đông cũng như những nỗ lực của đại lục nhằm tạo ra các doanh nghiệp vô địch công nghệ toàn cầu.
Đòn hiểm
Các nhà phân tích thống nhất rằng, phản ứng của Washington một phần bắt nguồn từ những tham vọng của Trung Quốc, vốn đe dọa vị thế cường quốc số 1 toàn cầu của Mỹ. Song, đó còn vì Tổng thống Trump muốn thuyết phục các cử tri Mỹ rằng, ông cứng rắn với Bắc Kinh khi ngày tổng tuyển cử quốc gia năm 2020 đã cận kề, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy công chúng Mỹ đang mất dần thiện cảm với Trung Quốc.
Trong chiến dịch ứng phó, thách thức Bắc Kinh hiện nay, chính quyền Trump đã tấn công vào các "ông lớn" công nghệ của Trung Quốc, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đang có tốc độ phát triển vượt bậc, đóng góp đáng kể cho sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cạnh tranh gay gắt với các đại gia công nghệ Mỹ.
Sự gia tăng sức ép đã khiến nhiều công ty đang làm ăn trên khắp khu vực Thái Bình Dương bị tê liệt hoặc bắt đầu tái xem xét các hoạt động hợp tác, vì không rõ các căng thẳng có biến thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay không,
Tiếp sau Huawei, đến lượt ByteDance, công ty được mệnh danh là "nhà máy ứng dụng" ở Trung Quốc với sản phẩm thành công nhất trong hơn 20 ứng dụng di động đã tung ra thị trường là TikTok, thu hút hơn 800 triệu người dùng khắp toàn cầu, phải hứng đòn trừng phạt của Washington.
Lọt vào "danh sách đen" cùng ByteDance lần này là Tencent, tập đoàn sở hữu WeChat, ứng dụng nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí kiêm mạng xã hội phổ biến bậc nhất với các cộng đồng người Hoa cả trong và ngoài Trung Quốc, với khoảng 1 tỷ người sử dụng chỉ tính riêng tại đại lục (chiếm 80% trong tổng số 1,3 tỷ dân Trung Quốc dùng ứng dụng di động).
Đáng nói, Tencent đã vươn dài cánh tay đầu tư vào các công ty trò chơi điện tử và mạng xã hội Mỹ, kể cả Snap, Activision Blizzard và những nhà sản xuất tựa game nổi tiếng như Fortnite, Clash of Clans (Đại chiến bang hội) hay League of Legends (Liên minh huyền thoại).
Ứng dụng WeChat không chỉ giúp các du học sinh, Hoa kiều xa xứ giữ liên lạc với gia đình, người thân mà còn giúp các nhà đầu tư thực hiện các thỏa thuận và là công cụ để các công ty Mỹ ở đại lục dùng để tiếp thị, quảng cáo cũng như làm dịch vụ sau bán hàng trong bối cảnh hầu hết các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội quốc tế đều bị chặn lưu hành ở Trung Quốc.
Lệnh "cấm cửa" của Mỹ với WeChat, TikTok và các công ty mẹ của chúng do đó được dự báo sẽ gây ảnh hưởng rất lớn. Phản ứng của thị trường ngay sau khi chính quyền Trump công bố sắc lệnh mới đã hé lộ phần nào mức độ tác động. Thực tế, giá cổ phiếu của Tencent trên sàn chứng khoán Hong Kong sáng 7/8 đã giảm tới 10%, khiến tập đoàn bị "bốc hơi" hơn 90 tỷ USD chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ.
Thế kẹt
Theo thông lệ, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách "ăn miếng, trả miếng" chính quyền ông Trump. Song, chuyên gia Eryk Bagshaw nhận định trên tờ Sydney Morning Herald rằng, Bắc Kinh hiện không có mấy quân bài uy lực trong tay để trả đũa Washington khi các "ông lớn" công nghệ Mỹ như Google, Facebook... lâu nay đã bị cấm hoạt động ở đại lục.
Ông Bagshaw và những nhà phân tích đồng quan điểm tin, khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực, nếu TikTok chưa bán mình cho Microsoft, ứng dụng này và WeChat chắc chắn sẽ bị gỡ bỏ khỏi các kho ứng dụng di động quốc tế của Mỹ, khiến chúng nguy cơ mất lượng lớn người dùng cùng các lợi ích kèm theo.
Cho tới thời điểm hiện tại, phản ứng của Bắc Kinh đối với sự cố trên mới chỉ dừng ở việc lên tiếng phản đối. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 7/8 cáo buộc hành động của Mỹ nhằm vào các doanh nghiệp nước này là "vi phạm các quy tắc kinh tế thị trường cũng như các nguyên tắc mở cửa, minh bạch và không phân biệt đối xử của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)".
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã ngày 5/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị quả quyết nước này không có ý định soán ngôi siêu cường của Mỹ. Nhà ngoại giao hàng đầu đại lục khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại với Washington để "giải quyết các bất đồng, xây dựng lòng tin và hợp tác đôi bên cùng có lợi". Ông Vương đồng thời phản đối bất kỳ hành động nào nhằm tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa hai nước.
Một ngày trước cuộc phỏng vấn của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải hôm 4/8 cũng có bài phát biểu nhấn mạnh, Bắc Kinh không muốn gia tăng căng thẳng với Washington. Ông đề xuất hai bên ngồi vào bàn đàm phán để tháo gỡ bế tắc.
Giới quan sát đánh giá, các động thái mới nhất từ giới chức ngoại giao Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh dường như đang đấu dịu hoặc cố gắng "phản ứng một cách điềm tĩnh trước bất kỳ động thái đầy bất an nào từ phía Washington".
Phản ứng này được tin có thể do Trung Quốc đã thấm đòn thương chiến của chính quyền Trump suốt hơn 2 năm qua và trong bối cảnh hiện tại, khi đại lục vừa phải lo phòng chống Covid-19, vừa lo vực dậy nền kinh tế đã suy thoái lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua vì dịch bệnh, Bắc Kinh không muốn hứng thêm các đòn tấn công mới của Mỹ.
Cũng có ý kiến cho rằng, Bắc Kinh đã tiên lượng khả năng ông Trump ngày càng mạnh tay với Trung Quốc để lấy lòng cử tri Mỹ, nên họ không loại trừ việc những thương hiệu đình đám khác của đại lục có thể sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo phải "giơ đầu chịu báng".
Vì vậy, giới chức Trung Quốc có thể đang tìm cách hòa hoãn để có thêm thời gian khôi phục nền kinh tế đất nước cũng như suy tính kỹ lưỡng hơn các giải pháp ứng phó với Mỹ, bất kể ai sẽ lên nắm quyền tại Nhà Trắng sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới đây.
Dù thế nào, căng thẳng giữa hai nước chắc chắn khó có thể hạ nhiệt trong nay mai. Trước những diễn biến khó lường, dư luận đang nín thở chờ xem Trung Quốc sẽ ứng phó ra sao khi nước này dường như đã cạn kiệt các vũ khí đủ mạnh để đáp trả Mỹ.