Ông Trump hối thúc hòa đàm Nga–Ukraine: Cơ hội ngoại giao vẫn còn

Tổng thống Zelensky đề xuất nối lại đàm phán với Nga, khi ông Trump gây sức ép bằng vũ khí và trừng phạt. Cơ hội để nối lại các hoạt động ngoại giao vẫn còn.

Đề xuất khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao vũ khí phòng không cho Ukraine và đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt đối với các đối tác thương mại của Nga. Ảnh: Getty.

Đề xuất khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao vũ khí phòng không cho Ukraine và đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt đối với các đối tác thương mại của Nga. Ảnh: Getty.

Khi các nhà đàm phán hòa bình Ukraine và Nga gặp nhau vào tháng trước, họ gần như chỉ thống nhất được về việc trao đổi thi thể binh sĩ. Cuộc đàm phán này, do chính quyền Trump làm trung gian, cho thấy mục tiêu chấm dứt chiến tranh đang rơi vào bế tắc nghiêm trọng.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là các nỗ lực ngoại giao đã dừng lại, cả Nga và Ukraine vẫn đang tìm cách tiếp cận Nhà Trắng theo những hướng riêng.

Cuối tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề xuất nối lại đàm phán, đây là đề xuất đầu tiên của ông kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý chuyển giao vũ khí phòng không cho Ukraine và đe dọa trừng phạt các đối tác thương mại của Nga trong vòng 50 ngày. Cả hai động thái đều nhằm thúc đẩy đàm phán.

Ông Zelensky đề xuất các cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn và trao đổi tù binh. Ông cũng nhắc lại lời mời gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin - một đề xuất từng được đưa ra vào tháng 5. Khi đó, ông Putin đã giữ im lặng suốt nhiều ngày trước khi bác bỏ lời mời.

"Phía Nga phải ngừng lẩn tránh các quyết định", ông Zelensky nói trong một bài phát biểu qua video tối ngày 19/7. Ông cho biết Ukraine đã đề xuất tổ chức cuộc gặp trong tuần này tại Istanbul, nơi từng diễn ra 2 vòng đàm phán vào tháng 5 và tháng 6.

Ông Zelensky cho biết cố vấn an ninh quốc gia của ông, ông Rustem Umerov, đã chuyển đề xuất này đến nhóm đàm phán Nga.

Nga chưa phản hồi trực tiếp lời đề nghị từ Ukraine. Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, nói với truyền hình nhà nước Nga hôm 20/7 rằng ông Putin mong muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình, nhưng “điều quan trọng nhất với chúng tôi là đạt được các mục tiêu đã đề ra trong cuộc chiến”.

“Tổng thống Putin đã nhiều lần bày tỏ mong muốn sớm đưa vấn đề Ukraine đi đến một giải pháp hòa bình”, ông Peskov nói. “Đây là một quá trình dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực và không hề dễ dàng”. Hãng tin nhà nước Nga Tass xác nhận Điện Kremlin đã nhận được đề xuất từ Ukraine.

Nga hiện đang đưa ra một loạt yêu cầu: giành thêm lãnh thổ, cam kết rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO và sẽ giữ vị thế trung lập, giới hạn về quy mô tương lai của quân đội Ukraine, cũng như công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức tại Ukraine.

Chính quyền Trump đã thúc đẩy một lệnh ngừng bắn vô điều kiện trước khi bước vào các cuộc đàm phán thực chất về thỏa thuận cuối cùng. Ukraine đã đồng ý với điều kiện đó từ tháng 3.

Tại Kiev, các nghị sĩ và giới phân tích không mấy kỳ vọng vào một giải pháp nhanh chóng trong tiến trình đàm phán do ông Trump làm trung gian - người từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử năm ngoái rằng ông sẽ chấm dứt cuộc chiến, cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, chỉ trong vòng 24 giờ sau khi đắc cử.

Ngay cả khi các cuộc đàm phán khởi động vào tháng 5, Nga vẫn tăng cường các đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các thành phố Ukraine, đồng thời mở rộng chiến dịch tấn công ở mặt trận phía Đông. Ukraine cũng tăng cường các hoạt động quân sự.

Tuy nhiên, bằng cách đồng ý đàm phán và chấp nhận một yêu cầu khác từ phía ông Trump - chia sẻ lợi nhuận từ các hợp đồng khai thác tài nguyên trong tương lai - Ukraine đã thành công trong việc giành được sự ủng hộ đối với thỏa thuận vũ khí, cũng như lời đe dọa trừng phạt các đối tác thương mại của Điện Kremlin.

Theo thỏa thuận được ông Trump công bố vào ngày 7/7, các đồng minh của Ukraine sẽ viện trợ vũ khí phòng không và các loại vũ khí khác, sau đó mua vũ khí thay thế từ Mỹ. Một tuần sau, ông Trump tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển giao vũ khí này và đe dọa áp đặt trừng phạt các đối tác thương mại của Nga nhằm gây áp lực lên Điện Kremlin.

“Ukraine đã làm mọi điều có thể”, bà Halyna Yanchenko, một nghị sĩ độc lập thuộc liên minh của đảng ông Zelensky, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Một số thành công bước đầu đến từ các tuyên bố của ông Trump hồi đầu tháng này, mặc dù trước đây ông từng thay đổi lập trường về Ukraine và thời hạn trừng phạt kết thúc vào tháng 9 tới được cho là sẽ không đủ để kiềm chế các cuộc tấn công của Nga ở phía Đông.

Ukraine hiện đang chờ lô tên lửa phòng không Patriot đầu tiên do Đức chuyển giao, sau đó Đức sẽ mua lại từ Mỹ để bổ sung kho vũ khí của mình. 7 quốc gia NATO khác cũng dự kiến sẽ làm điều tương tự.

Theo New York Times

Thu Quyên

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ong-trump-hoi-thuc-hoa-dam-ngaukraine-co-hoi-ngoai-giao-van-con-post187781.html