Iran tiết lộ nội dung thảo luận vấn đề hạt nhân với hai thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Iran cho biết nước này đã có 'những cuộc tham vấn tốt' với Trung Quốc và Liên bang Nga về việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei phát biểu tại cuộc họp báo ở Tehran. Ảnh: THX/TTXVN

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei phát biểu tại cuộc họp báo ở Tehran. Ảnh: THX/TTXVN

Kênh RT hôm 21/7 dẫn thông báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei cho biết Liên bang Nga, Trung Quốc và Iran sẽ tổ chức đàm phán vào thứ Ba (22/7) để thảo luận về chương trình hạt nhân của Tehran.

Ông Baghaei cũng lưu ý rằng một vòng đàm phán riêng biệt với các quốc gia châu Âu dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần này.

Phát biểu với báo giới hôm thứ Hai (21/7), ông Baghaei cho biết các cuộc đàm phán ba bên sẽ tập trung vào những đe dọa từ Anh, Pháp và Đức về việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran vì chương trình hạt nhân của nước này.

Cụ thể, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot đã cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt có thể được tái kích hoạt vào tháng tới nếu không có tiến triển đáng kể nào trong việc hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran.

Ông Baghaei nhấn mạnh rằng Liên bang Nga và Trung Quốc vẫn là thành viên của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và có ảnh hưởng lớn trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ông Baghaei cho biết Iran đã có “những cuộc tham vấn tốt” với hai quốc gia này liên quan đến khả năng tái áp đặt lệnh trừng phạt.

“Về mặt pháp lý và logic, không có lý do gì để tái áp đặt các lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ theo (thỏa thuận hạt nhân)”, ông Baghaei nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng xác nhận rằng Iran sẽ tổ chức một cuộc họp riêng ở cấp thứ trưởng ngoại giao với Anh, Pháp và Đức tại Istanbul vào thứ Sáu (25/7), đồng thời cho biết Tehran hiện “không có kế hoạch đàm phán với Mỹ”.

Một trong những trở ngại chính là việc Iran quyết định đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan từng giám sát chương trình hạt nhân của Tehran.

Iran cáo buộc IAEA đã công bố một báo cáo thiên vị, được cho là cái cớ để Israel phát động một cuộc chiến kéo dài 12 ngày chống lại Iran.

Cuộc tấn công của Israel diễn ra sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ rơi vào bế tắc do Washington yêu cầu Tehran hoàn toàn từ bỏ việc làm giàu uranium.

Trong khi Mỹ lập luận rằng Iran có thể sử dụng năng lực này để chế tạo bom hạt nhân, thì Iran đã bác bỏ mọi kế hoạch như vậy, khẳng định rằng họ cần làm giàu uranium để phục vụ ngành năng lượng dân sự.

Cả Liên bang Nga và Trung Quốc đều khẳng định rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran chỉ có thể được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao.

Cùng với Liên bang Nga và Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức là các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký với Iran.

Trước đó, thỏa thuận này còn có cả Mỹ tham gia nhưng Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút lui vào năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu của ông.

Sau khi lên nắm quyền nhiệm kỳ 2 vào tháng 1 vừa qua, Tổng thống Trump quyết định nối lại đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân nhưng đàm phán bị đình trệ sau khi Israel tấn công Iran hồi tháng 6.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/iran-tiet-lo-noi-dung-thao-luan-van-de-hat-nhan-voi-hai-thanh-vien-hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-20250721205807595.htm