Ông Trump hứng đòn 'tấn công' xối xả
Các quyết sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến đại dịch Covid-19 đang khiến ông phải hứng chịu một làn sóng chỉ trích kịch liệt ở trong nước, đặc biệt là từ các thành viên Dân chủ đối lập.
Điều khiến dư luận chú ý nhất mới đây là quyết định của ông Trump về việc ngưng đóng góp ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tại cuộc họp báo ngày 14/4, nhà lãnh đạo Mỹ tố WHO không minh bạch về dịch Covid-19 và thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình nên cần phải chịu trách nhiệm. Ông lưu ý mỗi năm Mỹ cấp ngân sách cho WHO khoảng 400-500 triệu USD trong khi Trung Quốc "chỉ đóng góp gần 40 triệu USD".
Bước đi này của ông Trump ngay lập tức nhận được những phản ứng trái chiều. Trong khi đảng Cộng hòa gọi đó là động thái thích hợp đúng thời điểm, thì phe Dân chủ cho rằng ông Trump đang cố tìm cách đổ lỗi cho WHO về những sai lầm của mình trong cuộc chiến chống Covid-19.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, một thành viên Dân chủ bang California, miêu tả quyết định của ông Trump là "vô cảm". "Việc Tổng thống ngừng tài trợ cho WHO khi tổ chức này đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch là vô cảm", Tạp chí National Review trích dẫn thông báo viết tay của bà Pelosi.
"Chúng ta chỉ có thể chiến thắng đại dịch toàn cầu nhờ một phản ứng quốc tế được phối hợp, với sự tôn trọng dành cho khoa học và dữ liệu. Nhưng đáng buồn là ngay từ ngày đầu, Tổng thống đã phớt lờ các chuyên gia y tế toàn cầu, coi thường khoa học và những người hùng đang chiến đấu ở tuyến đầu, gây nguy hiểm cho sinh mạng và cuộc sống của người Mỹ và dân chúng trên toàn thế giới".
"Quyết định này thật nguy hiểm, trái phép và sẽ không được thừa nhận", bà Pelosi viết thêm.
Trong khi đó, lãnh đạo đa số tại Hạ viện Steny Hoyer - nhân vật Dân chủ số 2 tại Hạ viện Mỹ - mô tả quyết định của ông Trump là "vô lương tâm". "Động thái này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của hàng triệu người Mỹ khi mùa cúm ở nam bán cầu bắt đầu", ông Hoyer bình luận.
Một số chính trị gia cáo buộc ông Trump đang tìm cách đổi hướng chỉ trích khỏi phản ứng chậm chạp của ông trước đại dịch Covid-19. Họ cho rằng chủ trương xét nghiệm đưa ra quá muộn trong khi thủ tục quá phức tạp. Họ cũng chỉ ra, nhiều tuần sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Tổng thống Mỹ thường xuyên ca ngợi Bắc Kinh phản ứng và hạ thấp mối nguy hiểm của dịch bệnh đối với Mỹ.
"Nhà Trắng và các đồng minh đang phối hợp để tìm kiếm các con dê tế thần cho những sai lầm chết người mà Tổng thống phạm phải trong giai đoạn đầu của đại dịch", Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy nói. "Thật mỉa mai khi Tổng thống và các đồng minh hiện tại lại chỉ trích Trung Quốc hay WHO vì mềm mỏng với Trung Quốc, bởi Tổng thống chính là người bảo vệ mạnh mẽ cho Trung Quốc trong giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng này".
"Không phải WHO đặt chúng ta vào tình cảnh ngày nay. Chính là do Tổng thống của chúng ta", ông Murphy khẳng định.
Hồi đầu tháng 4, Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát đã thành lập một ủy ban chuyên trách giám sát cách xử lý đại dịch của chính phủ liên bang. Chủ tịch Pelosi bổ nhiệm nghị sĩ Dân chủ James Clyburn dẫn đầu ủy ban này.
Tuy nhiên, ông Trump nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên Cộng hòa như Lindsey Graham. Thượng nghị sĩ này viết trên Twitter: "Ban lãnh đạo WHO đã chứng tỏ không đủ năng lực... và việc cắt ngân sách của WHO ở thời điểm này là hành động đúng".
Bản thân Tổng thống đương nhiệm Mỹ đã nhiều lần khen ngợi cách phản ứng của chính phủ liên bang đối với đại dịch Covid-19. Cách đây 10 ngày (hôm 6/4), ông thậm chí khẳng định tại một cuộc họp báo: "Mọi người đều kinh ngạc với những gì chúng ta đang làm, và công chúng đang bắt đầu nhận ra điều đó".
Kể từ khi bùng phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, vào cuối năm 2019, dịch Covid-19 đã lan ra khắp 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo trang thống kê Worldometers, toàn thế giới hiện có hơn 2 triệu người nhiễm bệnh và hơn 135.000 người tử vong. Mỹ là nước bị tấn công nặng nề nhất với hơn 644.000 bệnh nhân và hơn 28.500 ca tử vong tính đến 16h30 ngày 16/4.