Ông Trump không nhận tội trong vụ án can thiệp bầu cử năm 2020
Trong phiên điều trần ngày 3/8, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không nhận tội trước các cáo buộc ông dàn dựng một âm mưu nhằm lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 và phá hoại 'trụ cột của nền dân chủ Mỹ'.
Trước đó ngày 1/8, ông Trump bị truy tố hình sự liên quan tới cáo buộc can thiệp bầu cử năm 2020. Bản cáo trạng dài 45 trang cáo buộc ông Trump và các đồng phạm cản trở một thủ tục chính thức, âm mưu cản trở một thủ tục chính thức, âm mưu lừa gạt nước Mỹ và âm mưu ngăn cản người khác thực hiện các quyền hiến định. Tội nghiêm trọng nhất có thể bị phạt tù tới 20 năm.
Tới 3/8, hãng tin Reuters cho biết ông Donald Trump xuất hiện trước tòa theo đúng lịch trình được thông báo với bộ vest màu xanh có cài áo biểu tượng cờ của nước Mỹ cùng khoảng 10 nhân viên Mật vụ. Phiên tòa kéo dài khoảng 30 phút tại một tòa án ở Washington, cách điện Capitol 1km – tòa nhà mà những người ủng hộ ông Trump ngày 6/1/2021 đã tấn công nhằm ngăn Quốc hội Mỹ công nhận chiến thắng của ông Joe Biden.
Trong khuôn khổ phiên tòa, ông Trump tuyên bố mình “không có tội” khi đứng trước Thẩm phán Sơ thẩm Mỹ Moxila Upadhyaya. Sau đó, phiên tòa kết thúc với việc ông Donald Trump không bị hạn chế đi lại. Tuy nhiên, một trong những điều kiện trả tự do là ông không được thảo luận vụ án với bất kỳ nhân chứng nào trừ khi có luật sư đi cùng.
Ngày ra tòa tiếp theo trong vụ án được ấn định là ngày 28/8 trước Thẩm phán quận Mỹ Tanya Chutkan. Tuy nhiên, thẩm phán Sơ thẩm Upadhyaya cho biết ông Trump sẽ không bắt buộc phải tham dự. Luật sư của ông Trump là John Lauro phản đối quyết định này khi cho rằng mức độ nghiêm trọng của vụ việc và số lượng tài liệu liên quan có thể cần nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, công tố viên Thomas Windom phản bác rằng vụ án nên được tiến hành như bình thường, kể cả với một phiên tòa nhanh chóng.
Ngay sau phiên tòa, cựu Tổng thống Mỹ bày tỏ sự phản đối của mình khi nhận định bản cáo trạng cùng các các vụ án hình sự khác chống lại ông là một "cuộc săn phù thủy" nhằm làm hỏng chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng của ông. Trả lời các phóng viên sau phiên điều trần, ông khẳng định: “Đây là một ngày buồn đối với nước Mỹ” và “là một cuộc đàn áp một đối thủ chính trị”.
Đây là lần thứ 3 ông Trump bị truy tố hình sự kể từ tháng 4 và đồng thời là lần thứ 3 ông tuyên bố không nhận tội. Hai lần trước liên quan tới một cáo buộc liên bang rằng ông đã giữ lại các tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở và một cáo buộc khác của bang New York về việc ông đã làm giả các tài liệu liên quan đến các khoản thanh toán tiền bịt miệng cho một ngôi sao khiêu dâm.
Ngoài ra, ông Trump có khả năng sẽ phải đối mặt với các cáo buộc khác tại Georgia - nơi một công tố viên tiểu bang đang điều tra những nỗ lực của ông nhằm lật ngược cuộc bầu cử tại địa phương. Công tố viên khu vực Atlanta Fani Willis trước đây cũng từng tuyên bố bà sẽ nộp cáo trạng vào giữa tháng 8.
Bất chấp việc vướng vào nhiều rắc rối pháp lý, vị thế của ông Donald Trump hiện tại với tư cách là ứng cử viên Tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa không bị lay chuyển.
Theo một cuộc thăm dò được thực hiện sau ngày 1/8 bởi Reuters/Ipsos, có tới 47% cử tri Đảng Cộng hòa tham gia khảo sát cho biết sẽ ủng hộ ông – mức ủng hộ bỏ xa Thống đốc Florida Ron DeSantis ở vị trí thứ hai với tỷ lệ 13%. Trong khi đó, có tới 75% đảng viên Đảng Cộng hòa đồng ý rằng các cáo buộc có "động cơ chính trị” và ông Trump là nạn nhân của cuộc đàn áp chính trị.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò tương tự cũng cho thấy rủi ro pháp lý có ảnh hưởng tới ông Trump khi dữ liệu từ một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy khoảng một nửa số đảng viên Cộng hòa tham gia khảo sát nói rằng sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump nếu ông bị kết trọng tội.