Ông Trump nói sẽ gặp ông Tập Cận Bình ngay sau động thái trả đũa của Trung Quốc
Hôm thứ Hai, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng tới và dự kiến các cuộc thảo luận của họ sẽ 'rất hiệu quả', trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang leo thang.
Trước đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế cao hơn đối với một loạt hàng hóa của Hoa Kỳ bao gồm rau quả đông lạnh và khí tự nhiên hóa lỏng, một động thái đáp trả quyết định của Washington đưa ra tuần trước khi tăng mức thuế quan lên số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Trump đã cảnh báo Bắc Kinh không nên trả đũa.
Tổng thống Hoa Kỳ cho biết ông sẽ gặp ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6, theo Reuters.
"Chúng tôi đang giải quyết vấn đề với họ. Chúng tôi có một mối quan hệ rất tốt", ông Trump nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng. "Có lẽ điều gì đó sẽ xảy ra. Chúng tôi sẽ gặp nhau, như bạn biết, tại G20 ở Nhật Bản và tôi nghĩ đó có lẽ là một cuộc gặp gỡ rất hiệu quả".
Ông Trump, người đã chấp nhận chủ nghĩa bảo hộ như là một phần trong chương trình nghị sự "America Fist" (Nước Mỹ là Trên hết), nói thêm rằng ông vẫn chưa quyết định có nên áp dụng thuế quan đối với lượng hàng hóa trị giá khoảng 325 tỷ USD còn lại đến từ Trung Quốc hay không.
Về phần mình, Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai, họ có kế hoạch thiết lập mức thuế nhập khẩu từ 5% đến 25% đối với 5.140 sản phẩm của Hoa Kỳ trong danh sách hàng hóa trị giá 60 tỷ USD. Mức thuế quan sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng Sáu.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, việc điều chỉnh thuế quan bổ sung là một phản ứng đối với chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ. Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ sẽ quay trở lại đúng hướng của các cuộc tham vấn kinh tế và thương mại song phương và quay trở lại bàn đàm phán với Trung Quốc.
Viễn cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc sa lầy vào một cuộc tranh chấp không giới hạn có thể làm trật bánh nền kinh tế toàn cầu, làm náo loạn các nhà đầu tư và dẫn đến một đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán trong tuần qua.
Chứng khoán toàn cầu sụt giảm một lần nữa vào thứ Hai, với các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall giảm hơn 2,0%. Tiền tệ nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 và giá dầu giao dịch tương lai giảm.
Theo bà Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco, New York, "có rất nhiều lo lắng xung quanh các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Và người ta quan ngại rằng cuộc chiến này sẽ làm mọi thứ xấu đi, ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của thị trường".
Ông Trump bắt đầu gia tăng 'khẩu chiến' vào hôm thứ Sáu tuần trước sau khi cuộc đàm phán diễn ra trong hai ngày giữa các phái đoàn cao cấp của hai nước kết thúc trong bế tắc.
Mặc dầu vậy, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nói với CNBC rằng các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và ông sẽ tiếp tục làm việc khi ông tới Bắc Kinh.
Lớn tiếng
Ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc từ bỏ các cam kết mà họ đã đưa ra trong nhiều tháng đàm phán thương mại, điều mà Bắc Kinh bác bỏ.
Trung Quốc đã cố gắng xóa các cam kết trong dự thảo thỏa thuận liên quan tới việc Trung Quốc thay đổi luật pháp và đưa ra các chính sách mới liên quan tới các vấn đề từ bảo vệ sở hữu trí tuệ đến chuyển giao công nghệ bắt buộc. Chính điều này đã gây ra trở ngại lớn cho các cuộc đàm phán.
Giữa cuộc đàm phán tuần trước, ông Trump tuyên bố tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ mức 10% trước đây. Động thái này ảnh hưởng đến 5.700 danh mục sản phẩm của Trung Quốc bao gồm modem internet, bộ định tuyến và các thiết bị tương tự.
Bắc Kinh hôm thứ Hai tuyên bố sẽ "không bao giờ đầu hàng" trước áp lực từ bên ngoài, và truyền thông nhà nước vẫn tiếp tục đưa ra những bài bình luận mạnh mẽ, nhắc lại rằng cánh cửa đàm phán luôn mở, và thề rằng "Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia và nhân phẩm".
Trong một bài bình luận, truyền hình nhà nước Trung Quốc nói rằng tác động của thuế quan của Hoa Kỳ đối với nền kinh tế Trung Quốc là "hoàn toàn có thể kiểm soát được".
Hôm thứ Hai, Trung Quốc cũng cho biết các chính sách của Hoa Kỳ đang đe dọa sự tồn tại của Tổ chức Thương mại Thế giới, khiến tổ chức này đưa ra hàng loạt bất bình trong đề xuất cải cách WTO, công bố trên trang web của tổ chức này.
Ông Trump cho biết ông đang ở trong vị thế "không cần phải vội vàng để hoàn tất thỏa thuận với Trung Quốc". Ông một lần nữa bảo vệ động thái tăng thuế quan của Hoa Kỳ và nói rằng không có lý gì cho việc người tiêu dùng Mỹ sẽ trả chi phí trong cuộc chiến thuế quan này.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế và tư vấn ngành công nghiệp cho rằng chính các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ trả chi phí và có khả năng họ lại chuyển các chi phí này đến người tiêu dùng. Chi phí tiêu dùng chiếm hơn hai phần ba hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ.
Các mức thuế quan của Hoa Kỳ năm ngoái đã gây ra sự trả đũa từ phía Trung Quốc, trong đó Trung Quốc áp thuế 25% đối với các sản phẩm trị giá 50 tỷ USD của Mỹ bao gồm đậu nành, thịt bò và thịt lợn và áp một mức thuế thấp hơn cho 60 tỷ USD hàng hóa khác.
Trong một nghiên cứu của mình, các nhà kinh tế của Goldman Sachs nói các bằng chứng mới cho thấy chi phí thuế quan của Washington lên Trung Quốc năm ngoái đã giảm hoàn toàn đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Hoa Kỳ, trong khi không có dấu hiệu rõ ràng về việc các nhà xuất khẩu Trung Quốc giảm giá.
Họ nói thêm rằng những ảnh hưởng của thuế quan đã có tác động đáng chú ý đến mức giá mà các nhà sản xuất Hoa Kỳ đưa ra để cạnh tranh với các hàng hóa bị đánh thuế nhập khẩu.
Hoa Kỳ đã triển khai việc hỗ trợ cho nông dân Hoa Kỳ bị tổn thương bởi thuế quan của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại kéo dài trong 10 tháng. Ông Trump cho biết hôm thứ Hai rằng chính quyền của ông đã lên kế hoạch cung cấp khoảng 15 tỷ USD để giúp nông dân có các sản phẩm bị đánh thuế khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nông dân, thành phần chính trị cốt lõi tham gia cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội trong năm 2020 của Đảng Cộng hòa mà ông Trump đại diện, đang ngày càng thất vọng với các cuộc đàm phán thương mại kéo dài và không đạt được thỏa thuận.
"Có ý nghĩa gì cho những người trồng đậu nành khi chúng tôi bị mất thị trường. Mất đi một thị trường có giá trị, mất đi mức giá bán ổn định, mất đi cơ hội hỗ trợ cho gia đình và cộng đồng của mình", Mitch Davie Stephens, Chủ tịch Hiệp hội Đậu nành Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố mà hiệp hội đưa ra mới đây.
Giá đậu tương giao tương lai của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong thập kỷ qua vào hôm thứ Hai.