Ông Trump rút quân khỏi Syria chính là chiến thắng của ông Putin?

Quyết định của Tổng thống Trump về việc rút quân khỏi khu vực đông bắc Syria vấp phải tranh cãi khi những người chỉ trích cho rằng ông dọn đường cho Nga chiếm ưu thế ở Trung Đông.

Tổng thống Donald Trump cho rằng quyết định rút quân khỏi các vị trí dọc biên giới phía đông bắc Syria với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Nga và Trung Quốc hối tiếc hơn cả.

Họ "rất thích nhìn thấy chúng tôi sa lầy" ở các vũng lầy quân sự tốn kém, tổng thống Mỹ viết trên Twitter hôm 7/10.

Tuy nhiên, đối với một số nhà phân tích và quan chức Nga và Mỹ, Moscow có thể sẽ là bên hưởng lợi nhiều nhất từ động thái này.

Việc Washington rút quân hoàn toàn khỏi Syria sẽ để lại khoảng trống cho Nga trong cuộc cạnh tranh định hình tương lai của Syria, theo cựu đặc phái viên của Tổng thống Trump, Brett McGurk.

McGurk cho rằng kể từ khi ông từ chức vào tháng 12/2018 thì thay vì đối đầu với Mỹ, Nga phải đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, một đối thủ yếu hơn trong khu vực.

Hơn nữa, khi người Kurd ở Syria không còn được Mỹ bảo vệ, Nga phải đối mặt với ít khó khăn hơn trên con đường thực thi mục tiêu chính của họ: trả lại toàn bộ đất nước dưới sự kiểm soát của Tổng thống Bashar al-Assad.

Quyết định của ông Trump làm thay đổi cục diện của cuộc xung đột Syria. Nga đang trong trở lại giai đoạn như ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh, với tư cách là một cường quốc ở Trung Đông.

Quyết định bị chỉ trích

Nhìn rộng hơn, quyết định của Nhà Trắng về việc bỏ rơi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) có nguy cơ biến Mỹ thành đồng minh không đáng tin như đã xảy ra trong Mùa xuân Arab năm 2011. SDF chính là đồng minh cung cấp bộ binh trong cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu để đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria

Trở lại với Mùa xuân Arab, Washington bị khu vực này coi là "đồng minh phản bội" vì đã không thể mang lại cho tổng thống Ai Cập lúc bấy giờ - ông Hosni Mubarak - sự hỗ trợ cần thiết.

Lấy đó làm bàn đạp, Nga đã lấp đầy khoảng trống từ Syria đến Libya, thậm chí còn lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của nước này, bất chấp sự phản đối của Mỹ.

 Quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tuần tra chung dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ tại Tell Abyad, Syria vào ngày 4/10. Ảnh: Getty.

Quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tuần tra chung dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ tại Tell Abyad, Syria vào ngày 4/10. Ảnh: Getty.

"Điểm mấu chốt là tối nay, sau cuộc gọi với một nhà lãnh đạo nước ngoài, Trump đã tặng một món quà cho Nga, Iran và IS", ông McGurk viết trên Twitter đầu ngày 7/10, đề cập đến cuộc điện đàm của Tổng thống Trump với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

McGurk là người chỉ trích gay gắt chính sách về Syria của chính quyền Tổng thống Trump kể từ khi ông từ chức.

Quyết định của ông Trump cũng bị những người vốn ủng hộ tổng thống lên tiếng phản đối. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsay Graham đã công kích việc bỏ rơi các đồng minh người Kurd chẳng khác gì tặng quà cho kẻ thù của Mỹ. Trong khi đó, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói rằng đó là "một sai lầm lớn".

"Vùng an toàn" của Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhiều tuần qua đã đe dọa sẽ đưa quân tấn công khu vực đông bắc Syria. Tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 24/9, ông Erdogan đã công bố một bản đồ về "vùng an toàn" sâu 30 km và rộng 480 km mà ông muốn tạo ra, tính từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, lấn sang Syria.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có khả năng 2-3.7 triệu người tị nạn Syria đăng ký tại Ankara sẽ được gửi đến khu vực này. "Vùng an toàn" có thể trở thành khu tái định cư cho người tị nạn.

Đại đa số người Syria chạy trốn khỏi quê hương kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra năm 2011 là người Arb chứ không phải người Kurd. Họ bỏ trốn khỏi các khu vực khác nhau của đất nước.

Các lực lượng kiểm soát ở Syria ngày 30/9: Vàng: Chính quyền Syria; Xanh da trời: Các lực lượng dân quân người Kurd; Đỏ nâu: Phe đối lập thánh chiến; Tím: Phe đối lập Syria (Mỹ hậu thuẫn); Xanh lam đậm: Quân đội TNK và phe đối lập Syria; Cam: Phe đối lập Syria (Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn). Phần sọc nằm trong vùng màu xanh là khu vực "vùng an toàn" Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Các lực lượng kiểm soát ở Syria ngày 30/9: Vàng: Chính quyền Syria; Xanh da trời: Các lực lượng dân quân người Kurd; Đỏ nâu: Phe đối lập thánh chiến; Tím: Phe đối lập Syria (Mỹ hậu thuẫn); Xanh lam đậm: Quân đội TNK và phe đối lập Syria; Cam: Phe đối lập Syria (Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn). Phần sọc nằm trong vùng màu xanh là khu vực "vùng an toàn" Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Vladimir Frolov, cựu nhân viên ngoại giao và nhà phân tích chính sách đối ngoại của Nga tại Moscow, vùng đông bắc cũng là mục tiêu mà Nga đã thất bại trong chiến dịch giải phóng toàn bộ Syria.

"Trên hết, đối với chúng tôi, người Thổ Nhĩ Kỳ (kiểm soát khu vực trên) vẫn tốt hơn người Mỹ", ông nói.

Khu vực của Syria nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ và đồng minh người Kurd trải dài khoảng 300 km từ "vùng an toàn" Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất về phía nam, bao gồm Raqqa, căn cứ cũ của IS, và hầu hết nguồn tài nguyên dầu và khí đốt của Syria.

Năm 2018, lực lượng máy bay chiến đấu của Washington đã giết chết 200 lính đánh thuê Nga khi họ tìm cách chiếm một nhà máy lọc dầu.

Tổng thống Trump đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng Washington sẽ "xóa sổ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ" nếu nước này có hành động "vượt ngoài giới hạn". Nhưng nửa ngày sau đó, tổng thống Mỹ lại lên Twitter nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, dù vẫn nói Mỹ "không hề bỏ rơi người Kurd trong lúc rời khỏi Syria".

Nga tán thành Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd lạc lõng

Tuần trước, phát biểu tại hội nghị thường niên Valdai ở Sochi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có vẻ không phản đối hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, dù đề xuất một phạm vi hạn chế hơn.

Ông Lavrov cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền làm vậy theo thỏa thuận năm 1998 với Syria, để truy đuổi những kẻ khủng bố trong phạm vi 5 km qua biên giới.

Khi được Bloomberg hỏi rằng điều đó có thể đi kèm với một cuộc tấn công của chính phủ Syria vào Idlib hay không, đại diện ngoại giao Nga trả lời rằng "Idlib cần được xem xét riêng".

Ngoại trưởng Nga cũng trình bày bản cáo trạng quen thuộc cáo buộc Mỹ hành động thiếu trách nhiệm ở Trung Đông. Ông Lavrov còn đề cập đến việc Washington từ chối đưa ra giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Xe quân đội Mỹ trên một con đường chính ở phía đông bắc Syria hôm 7/10. Ảnh: ANHA/AP.

Xe quân đội Mỹ trên một con đường chính ở phía đông bắc Syria hôm 7/10. Ảnh: ANHA/AP.

Áp lực bây giờ đặt nặng lên vai các nhà lãnh đạo và máy bay chiến đấu của người Kurd ở miền bắc Syria trong việc phối hợp với chính quyền Tổng thống Assad chống lại bất cứ cuộc xâm lược nào của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát ngôn viên của điện Kremlin, Dmitry Peskov, hôm 7/10 cho biết Nga hiểu sự cấp bách của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đảm bảo an ninh cho đất nước, nhưng hy vọng vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Syria sẽ là ưu tiên hàng đầu khi Ankara lên kế hoạch cho các hoạt động quân sự.

"Tất cả lực lượng nước ngoài hiện diện bất hợp pháp ở Syria cần phải rời đi", ông Peskov nhấn mạnh.

Văn phòng của đặc phái viên người Kurd tại Moscow, Reshad Bienav, cho biết ông này đã không liên lạc với các quan chức Nga để thảo luận về vụ tấn công.

Trong một email, ông Bienav kêu gọi "tất cả người dân của chúng ta, người Arab, người Kurd, người Syria và người Assyria, đứng lên chiến đấu để bảo vệ quê hương trước sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ".

Hà Lan

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ong-trump-rut-quan-khoi-syria-chinh-la-chien-thang-cua-ong-putin-post999146.html