Ông Trump sẽ không buộc Ukraine chấp nhận một thỏa thuận tồi với Nga?
Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã cam kết chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nói rằng sẽ làm điều đó 'trong 24 giờ' sau khi tuyên thệ, hoặc thậm chí trước lễ nhậm chức của mình. Tuy nhiên, khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, rõ ràng lời hứa đó sẽ không thể thực hiện.
Gần 3 năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hiện vẫn chưa thấy hồi kết cho cuộc xung đột tồi tệ nhất của châu Âu kể từ Thế chiến II. Giao tranh diễn ra ác liệt trên một chiến tuyến dài, với lực lượng Nga tiến hành một cuộc tấn công dữ dội ở phía Đông Ukraine còn các lực lượng của Kiev cố gắng giữ các vùng lãnh thổ chiếm được ở khu vực Kursk của Nga.
Kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đội ngũ của ông vẫn chưa phác thảo đề xuất hòa bình cho giới lãnh đạo Ukraine, 2 nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine và một cựu nhà ngoại giao Mỹ cho hay. Hiện không có hoạt động ngoại giao con thoi nào giữa Kiev, Moscow và phía ông Trump.
Các thành viên trong đội ngũ an ninh quốc gia được ông Trump lựa chọn trong những tuần gần đây đã thừa nhận những khó khăn trong việc làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình có thể xảy ra.
"Tôi nghĩ các bên sẽ đạt được giải pháp khả thi trong tương lai gần. Tôi muốn đặt mục tiêu cả trên góc độ cá nhân và chuyên nghiệp, đó là hoàn thành nhiệm vụ này trong vòng 100 ngày kể từ thời điểm bắt đầu làm việc", ông Keith Kellogg, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn làm đặc phái viên về xung đột Nga - Ukraine trong chính quyền mới nhận định. Ông nhấn mạnh ưu tiên của ông Trump là tìm ra "giải pháp vững chắc và bền vững" để chấm dứt xung đột Ukraine và kết thúc đổ máu.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Florida Marco Rubio - người được ông Trump chọn làm Ngoại trưởng đã nói với các thượng nghị sĩ tại phiên điều trần phê chuẩn chức vụ của mình rằng, việc xây dựng một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine sẽ "rất khó khăn".
"Điều này không dễ dàng. Những xung đột với bản chất thế này có những nền tảng lịch sử đòi hỏi rất nhiều hoạt động ngoại giao cứng rắn và các nỗ lực làm việc, nhưng đó là điều cần phải xảy ra", ông Marco Rubio cho hay.
Ông Kellogg dự kiến sẽ sớm tới Ukraine để thảo luận ngay sau lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1, các nguồn tin thân cận với vấn đề tiết lộ. Ông Kellogg đã có kế hoạch đến Ukraine từ trước nhưng sau đó đã trì hoãn chuyến thăm.
Mặc dù đội ngũ của ông Trump đã làm việc với Nhà Trắng của ông Biden để đảm bảo lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas cũng như thỏa thuận thả con tin nhưng không có sự hợp tác nào như vậy về vấn đề Ukraine, các nguồn tin cho biết.
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Florida Mike Waltz - người mà ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, đã có một số cuộc trò chuyện về vấn đề Ukraine với cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden là ông Jake Sullivan, NBC đưa tin. Các cuộc đàm phán tập trung vào việc chia sẻ thông tin nhưng không khai thác các chiến lược nhằm chấm dứt xung đột hoặc đảm bảo lệnh ngừng bắn.
Ông Donald Trump không đưa ra chi tiết nào về kế hoạch chấm dứt xung đột ở Ukraine, ngoài việc tận dụng các mối quan hệ cá nhân giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông cũng từng ám chỉ việc viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine có thể bị cắt giảm và cho rằng các chính phủ châu Âu nên tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Ông đã nêu rõ lập trường không đồng ý với việc Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga.
"Xung đột với Nga quan trọng với châu Âu hơn là với chúng ta. Chúng ta có một thứ gọi là đại dương ở giữa ngăn cách với họ", ông Trump nhận định với NBC hồi tháng 12/2024.
Ông Trump sẽ không buộc Ukraine nhận một thỏa thuận tồi?
Những bình luận gần đây của ông Trump đã làm dấy lên mối lo ngại ở Ukraine và các đồng minh của nước này tại Washington rằng chính quyền sắp tới có thể thúc đẩy Ukraine đưa ra những nhượng bộ lớn mà không gây áp lực lên Nga, các nhà ngoại giao phương Tây, các cựu quan chức Mỹ và giới phân tích nhận định. Các chuyên gia khu vực và các nhà ngoại giao phương Tây có thái độ hoài nghi về việc ông Putin sẵn sàng nhượng bộ trong các cuộc đàm phán khi các lực lượng của Nga đang giành được ngày càng nhiều lãnh thổ ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, ông Kellogg khẳng định ông Trump sẽ không buộc Ukraine phải chấp nhận một thỏa thuận tồi.
"Tôi nghĩ mọi người cần phải hiểu rằng, ông ấy không cố gắng trao thứ gì đó cho Tổng thống Putin hay người Nga. Ông ấy thực sự đang cố gắng cứu Ukraine, bảo vệ chủ quyền của họ và ông ấy sẽ đảm bảo điều đó công bằng và bình đẳng", ông Kellogg cho hay.
Ông Kellogg là đồng tác giả một báo cáo vào năm ngoái kêu gọi gây sức ép buộc Moscow và Kiev tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình. Theo kế hoạch, Washington đe dọa sẽ cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine nếu Nga không đàm phán, trong khi có thể giảm nhẹ các lệnh trừng phạt kinh tế nếu Moscow chấp nhận một giải pháp. Đồng thời, Washington cũng đe dọa sẽ cắt viện trợ nếu Kiev từ chối đàm phán. Việc Ukraine gia nhập NATO sẽ bị trì hoãn trong một thời gian dài nhưng các cường quốc nước ngoài sẽ cung cấp các đảm bảo an ninh cho Kiev.
Nga đã chỉ trích các nội dung trong đề xuất của ông Kellogg và coi những ý tưởng tương tự ở Washington là không thể chấp nhận được. Moscow nhấn mạnh, Ukraine phải là một quốc gia trung lập vĩnh viễn với những giới hạn nghiêm ngặt được áp dụng đối với quân đội và rằng Kiev phải từ bỏ lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 14/1 cho biết Nga sẵn sàng đàm phán với ông Trump. Ông Lavrov cũng khen ngợi ông Trump khi Tổng thống đắc cử Mỹ đưa ra đánh giá rằng, việc NATO sẵn sàng cho phép Ukraine gia nhập liên minh sẽ dẫn đến xung đột. Ngoại trưởng Nga cũng khen ngợi cố vấn an ninh quốc gia sắp tới của ông Trump là ông Waltz vì nói rằng, khả năng Ukraine có thể giành lại toàn bộ lãnh thổ mà họ đã mất trong xung đột là không thực tế.
"Việc ngày càng nhiều người bắt đầu đề cập đến thực tế trên chiến trường cần được hoan nghênh", ông Lavrov nói.
Ukraine rất có thể sẽ chịu áp lực ngày càng tăng về các quy tắc huy động của mình để đảm bảo sự hỗ trợ liên tục của Mỹ. Hiện tại, những người Ukraine dưới 25 tuổi không phải chịu nghĩa vụ quân sự. Nhưng ông Waltz gần đây đã nói rằng Ukraine nên hạ độ tuổi nhập ngũ của đất nước để đưa thêm quân vào cuộc xung đột và giúp ổn định tiền tuyến.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden là ông Sullivan cũng gợi ý trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg rằng Kiev sẽ cần phải thay đổi chính sách huy động của mình, đồng thời cảnh báo chính phủ Ukraine phải giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng hiện tại.